QĐND - Hơn 30 năm gắn bó với giảng đường, bằng sự tận tâm với nghiệp giáo dục, sự hăng say trong nghiên cứu khoa học ngôn ngữ, nhà giáo, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Phan Hồng Liên, giảng viên của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, được học trò và đồng nghiệp mến phục. Hai tác phẩm "Để Tiếng Việt ngày càng trong sáng" và "Tiếng Việt - Những dấu ấn văn hóa” của bà được giới ngôn ngữ đánh giá cao bởi tính phản biện sâu sắc và tính ứng dụng cao trong cộng đồng.

Tiếng Việt cho mọi người

Tác giả Phan Hồng Liên tiếp cận di sản Tiếng Việt bằng lối nghiên cứu rất cụ thể, tỉ mỉ và thận trọng. Đọc hai tác phẩm: "Để Tiếng Việt ngày càng trong sáng" (NXB Văn học - 2002, tái bản năm 2007) và "Tiếng Việt - Những dấu ấn văn hóa" (NXB Hà Nội - 2010) của Phan Hồng Liên, ta thấy tác giả như một con ong cần mẫn "tinh chiết" để cho mọi người thấy vẻ đẹp của Tiếng Việt văn hóa, như một người dọn vườn tỉ mẩn nhặt sạn ngôn từ. Cả hai cuốn sách đều thống nhất một lối tư duy: Từ các trường hợp sử dụng ngôn từ cụ thể, tác giả phân tích, đánh giá, soi rọi bằng chuẩn "ngôn ngữ văn hóa" để thấy sự đúng - sai, giá trị của cách sử dụng ấy. Bởi vậy, với đa số người đọc, cuốn sách tạo nên những ngạc nhiên thú vị. Không cao đàm khoát luận, chẳng ưa dùng những thuật ngữ khó hiểu, cách lý giải những vấn đề bác học của khoa học ngôn ngữ ở đây đã đạt đến sự giản dị chuẩn mực, một cuốn sách về Tiếng Việt dành cho mọi người. GS-TS Hoàng Trọng Phiến - một nhà nghiên cứu ngôn ngữ hàng đầu của Việt Nam, trong Lời tựa cuốn "Để Tiếng Việt ngày càng trong sáng", ông viết: "Tác giả đã hiểu biết sâu sắc đặc trưng văn hóa ngôn từ, nhạy cảm trước bước đường phát triển và hoàn thiện của Tiếng Việt; đồng thời cũng phát hiện và lý giải đúng đắn, có cơ sở khoa học những cách dùng sai, các hiện tượng làm vẩn đục Tiếng Việt văn hóa".

Nhà ngôn ngữ không thể sống trong "tháp ngà"

Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, có đời sống riêng của nó. Nhà ngôn ngữ học cớ gì lại làm ngơ trước những biến động, những yếu tố tiềm ẩn không có lợi cho sự trong sáng của Tiếng Việt - tâm niệm ấy đã thúc đẩy Phan Hồng Liên đến với việc nhặt sạn trong cách sử dụng Tiếng Việt hiện hành. Có lần, khi lên tiếng phê phán tật nói ngọng, coi nói ngọng là không đạt tiêu chuẩn của "người khôn", Phan Hồng Liên đã vô tình "phạm húy" nhiều lãnh đạo. Một đồng nghiệp góp ý với bà rằng: Nhà ngôn ngữ chỉ nên đứng ngoài quan sát chứ không nên can thiệp. Phan Hồng Liên kịch liệt phản đối quan điểm này và thể hiện bằng nghiên cứu của mình. Tác giả không chọn cách nghiên cứu ngôn ngữ trong "tháp ngà" với những vấn đề thuần lý thuyết mà chọn cách nhập cuộc, đưa khoa học nghiên cứu ngôn ngữ vào đời sống. Phan Hồng Liên bền bỉ nhặt sạn trên báo chí, trên cả băng rôn, khẩu hiệu, quyết liệt trong cách uốn nắn học trò, thậm chí cả với người đối thoại. Khi người ta tâm đắc với biến thể "Lá rách ít đùm lá rách nhiều", in nó trên nhiều loại ấn phẩm thì bà khẳng định rằng cách dùng ấy đã "bóp méo ý nghĩa vốn rất biểu trưng, rất khái quát" của thành ngữ gốc "Lá lành đùm lá rách"... Bà mạnh dạn khai phá trách nhiệm xã hội của một nhà khoa học nghiên cứu về một hiện tượng xã hội rất điển hình là ngôn ngữ. Trong bối cảnh tiêu chí "lựa lời mà nói" ngày càng bị xem nhẹ trong ngôn ngữ giao tiếp xã hội, sự biến tướng của Tiếng Việt trên mạng ở mức báo động thì sự ra đời của một tuyển tập như thế rất có ý nghĩa. Nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ nổi tiếng của Việt Nam, cũng là thầy dạy Phan Hồng Liên như GS-TS Hoàng Trọng Phiến, GS-TS Lê Quang Thiêm... đều đánh giá cao hướng nghiên cứu này. GS-TS Hoàng Trọng Phiến đánh giá: "Tác giả không lý sự dài dòng, cũng không tham gia tranh luận những vấn đề "dĩ Âu, dĩ Ngã" trong nghiên cứu Tiếng Việt hiện thời. Bằng tình yêu tiếng mẹ đẻ và một tinh thần trách nhiệm cao của một công dân có nghề, Phan Hồng Liên đã cho chúng ta những thông tin thú vị về Tiếng Việt và việc trau dồi, xây dựng Tiếng Việt văn hóa".

Bản năng người thầy

Các bài viết trong hai cuốn "Tiếng Việt - Những dấu ấn văn hóa" và "Để Tiếng Việt ngày càng trong sáng" hầu hết đều mang tính thị phạm, bởi tác giả được đào tạo tại Khoa Ngữ văn, chuyên ngành ngôn ngữ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây; bà lại có hơn 30 năm là giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc, ông nội là thư ký của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi, bà nội thuộc dòng dõi vua Trần (Nam Định), bố mẹ đều là những cán bộ cao cấp của Nhà nước nhưng Phan Hồng Liên quyết tâm theo nghiệp làm thầy. Những năm 80 của thế kỷ trước, cô tiểu thư Hà Nội giỏi văn chương đã chọn cho mình một cuộc sống theo kiểu lý tưởng nhưng khởi sự đầy vất vả: Tốt nghiệp đại học và trở thành giảng viên, yêu và lấy một anh phóng viên chiến trường đẹp trai, bản lĩnh nhưng... nghèo. Khi người nọ, người kia lần lượt lĩnh "suất" đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô, cô vẫn hăm hở "xông pha" ở các giảng đường và một mình nuôi con, chờ chồng đi biệt phái ở Cam-pu-chia ngót 10 năm. Có 3 việc mà Phan Hồng Liên chưa bao giờ ngừng trong suốt những năm ấy: Ngừng giảng dạy, ngừng nghiên cứu ngôn ngữ và... ngừng đan len kiếm sống. Phan Hồng Liên lý giải những việc mình làm đơn giản chỉ bằng từ "thích". Tiếp xúc với bà, dễ dàng nhận thấy bản năng sư phạm trong từng lời nói, hành động. Bà sẵn sàng chia sẻ với người đối thoại những gì liên quan tới kiến thức, kinh nghiệm sống bằng một thái độ thẳng thắn, rõ ràng. Nhưng cá tính "tốt cho khoa học" ấy không phải khi nào cũng tốt cho đời sống cá nhân - theo cách mà người ta thường mưu cầu. 32 năm đứng trên giảng đường, quen thuộc với nhiều thế hệ sinh viên ở khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung, là cộng tác viên thường xuyên của một số tờ báo với những bài nghiên cứu Tiếng Việt và văn hóa có giá trị nhưng Phan Hồng Liên vẫn chỉ được gọi bằng hai từ giản dị "nhà giáo". Cơ chế đi nghiên cứu sinh thời bao cấp không đến lượt bà bởi trước đó đã có người bỏ bằng Tiến sĩ ngôn ngữ đi làm kinh tế, không quay về giảng dạy nữa. Cuộc đời là vậy. Nhưng Phan Hồng Liên chưa bao giờ buồn vì việc này. Dẫu biết rằng ở đời vẫn có những tiến sĩ “giấy”, chưa bao giờ viết được một bài nghiên cứu thực sự, có những thạc sĩ dạng "hợp lý hóa" thì một cử nhân đã làm hết cái tâm khoa học và trách nhiệm giáo dục của mình như bà, có cớ gì để buồn? Nhưng bà bảo mình buồn khi nghĩ rằng, tất cả các ngành đều có giải thưởng vinh danh, người nhặt rác cũng có giải thưởng bảo vệ môi trường… nhưng những người chuyên tâm với sự nghiệp giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt lại chưa có một chỗ đứng nào trong sự đánh giá của xã hội. Sự thiệt thòi đó khiến việc nghiên cứu Tiếng Việt như một di sản văn hóa, điều chỉnh, uốn nắn nó trở thành một con đường cô đơn mà chỉ người làm khoa học mới thấm hết các cung bậc dằng dặc của nó.

Trà Giang