Có vẻ câu tục ngữ “Mỏng mày hay hạt” chuyên dùng để mô tả dáng vẻ người phụ nữ? Mà đúng thế thật, các sách tiếng Việt đều giải nghĩa câu tục ngữ này chỉ “người phụ nữ có khuôn mặt nhẹ nhõm, dáng điệu thanh thoát, thường tiềm ẩn bên trong những phẩm chất tốt đẹp, như: Khéo léo, đảm đang, tháo vát, hứa hẹn những thuận lợi về đường con cái...”.
Tại sao chuyện dáng điệu của các nàng lại liên quan tới mày (mỏng mày) và hạt (hay hạt)? Có người cho rằng, “mày” ở đây là “lông mày”: "Những người con mắt lá răm/ Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền". Lông mày là một nét điểm xuyết quan trọng làm nên vẻ đẹp trên dung nhan người phụ nữ. Lông mày đen nhánh, thanh mỏng, uốn lượn là duyên, là dáng rồi. Còn “hay hạt” phải chăng dùng chỉ hàm răng trắng đều đặn, đẹp của cô gái? Vậy thì “Mỏng mày hay hạt” là tổng hòa hai nét đẹp của cô gái đương thì.
Tuy nhiên, ngọn nguồn xuất xứ của câu tục ngữ lại là một kinh nghiệm chọn giống của nhà nông ta. Cụ thể là giống ngô và giống lúa. “Mày” ở đây chỉ lá bắc (lá ở gốc cuống hoa) có ở hoa các cây như ngô, lúa. Về sau, khi phát triển, lá bắc này tồn tại dưới dạng hai vảy nhỏ ở gốc quả (dân gian quen gọi quả này là hạt: Hạt thóc, hạt ngô). Khi chế biến ngô làm thức ăn (bung, rang...), người ta phải tìm cách loại bỏ các vỏ mày này để hạt ngô nhanh chín, mềm, dễ ăn hơn. Ngoài ra, hạt của ngô, lúa tốt là phải mẩy, săn chắc. “Mỏng mày hay hạt” là dấu hiệu của hạt giống tốt, đạt tiêu chuẩn, khi ươm sẽ có tỷ lệ nảy mầm cao, cây phát triển khỏe và hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Có lẽ từ nghĩa trội này mà “Mỏng mày hay hạt” được “chuyển di” và dùng để ví von về dung nhan, tướng mạo của người phụ nữ với những phẩm chất tốt đẹp. Họ có thể không có ngoại hình chuẩn, cao và đẹp như hoa hậu, nhưng họ có thân hình, dáng vẻ khỏe mạnh, thanh thoát, lanh lợi (và dĩ nhiên cũng ẩn chứa nét đẹp quyến rũ riêng). Những cô gái như thế dễ là những người chịu khó, giỏi giang, tháo vát, “vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”:
Mỏng mày hay hạt như em
Năm ngoái cái hĩm nay thêm thằng cò.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH