Một trong những người chơi đã minh họa câu thành ngữ ấy bằng bức vẽ một ngôi nhà đơn sơ dột nát, cạnh đó là một người cởi trần, ngồi bên mấy cây rau mồng tơi bị héo, trơ trụi lá.

Bức tranh khá gần với đáp án của “nhà đài”. Và dường như nó cũng phản ánh quan niệm rất phổ biến trong dân gian ta hiện nay về câu thành ngữ này: Nghèo rớt mồng tơi là nghèo tới mức cây mồng tơi cũng trơ trụi lá và còn không có cả rào giậu để leo lên...

Tuy nhiên, câu thành ngữ này còn có cách giải thích khác. Mùng tơi (hay mồng tơi) là phần trên của một loại áo tơi, một loại áo che mưa, che nắng rất thông dụng ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh, Quảng Bình nước ta từ xa xưa. Áo tơi loại này có cốt, chằm bằng loại lá giống như lá cọ, có nhiều lớp như mái gianh. Loại áo che mưa, che nắng đó dùng mãi, sẽ bị tướp nát hoặc rơi rụng dần.

Đến khi chỉ còn trơ mùng thì người ta phải chằm lại hoặc thay áo mới. Nhưng có nhiều người nhà nghèo quá, đành dùng cố, đến nỗi những mảnh lá còn sót trên mùng rơi lả tả (rớt xuống) nom rất tội nghiệp. Hình ảnh quá đỗi xót xa đó trở thành biểu trưng cho sự nghèo khổ, bần cùng của người nông dân xưa.

Cho dù giải thích thế nào về xuất xứ, thì “Nghèo rớt mồng tơi” cũng là một câu thành ngữ mang đậm dấu ấn đặc trưng của nông thôn Việt Nam thuở trước. Nó còn có nhiều biến thể: Nghèo rớt mồng tơi, nghèo dớt (nghèo nhớt) mùng tơi, nghèo kiết (xác) mồng tơi...

Tất cả đều gợi lên trong tâm trí chúng ta sự đói nghèo, xác xơ cùng kiệt. Các từ “rớt”, “dớt”, “nhớt”... có nghĩa là “rơi xuống”, nhưng lại đồng âm với từ rớt (dớt, nhớt) vốn là những tính từ chỉ “chất lỏng có độ dính và khó chảy”. Điều này làm người nghe có thể liên tưởng tới canh rau mồng tơi (vốn rất nhớt khi nấu). Âu cũng là một hiện tượng khá thú vị về ngôn ngữ.

Cứ tưởng là canh mồng tơi

Ai dè là cái để người che thân.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH