1. Điều đầu tiên làm tôi suy nghĩ là nhan đề cho tuyển thơ 3 tập mà anh lựa chọn lần này: Cỏ bạc triền đê. Tại sao lại là cỏ mà không phải một tín hiệu thẩm mỹ nào khác? Trước đó, cỏ đã từng nhiều lần đi vào thơ Hồng Thanh Quang: "Anh lối cỏ chưa từng ai đến/ Đi bước này không rõ bước sau" (Lời cuối); "Nằm im dưới đất sao đành/ Âm thầm anh nhú lên thành cỏ xuân" (Cỏ xuân). Và cũng đã có lần cỏ gắn với triền đê: "Thu mà cỏ ở triền đê/ Nửa xanh xao tím, nửa tê tái vàng" (Không đề mùa thu). Có thể nói, trong đời sống tự nhiên cũng như thi ca, cỏ luôn gắn với sức sống mãnh liệt không gì ngăn cản nổi, dù cỏ cũng cực kỳ yếu mềm, dễ bầm giập tơi tả sau những gió mưa, dễ khô héo quắt quay sau những ngày nắng gắt.

Cỏ bạc triền đê trong thơ Hồng Thanh Quang có lẽ không đi ra ngoài những biểu tượng ấy. Thơ ca với anh cũng là những năm tháng cuộc đời, là thân phận con người. Thân phận ấy không chỉ có những xanh non mơn mởn mà có đầy cả những đắng đót thử thách, những dông bão gió mưa, không khác gì ngọn cỏ ở triền đê phải qua những lúc bạc màu vì sương gió. Thế nhưng qua những cơn chịu đựng ấy, cỏ vẫn tiếp tục sinh sôi phát triển, dâng mình như một vẻ đẹp cho đời.

leftcenterrightdel
"Cỏ bạc triền đê" gồm 3 tập của nhà thơ Hồng Thanh Quang mới được ra mắt . 

2. Công chúng trước đây đã từng biết đến Hồng Thanh Quang là một thi sĩ sở trường ở dòng thơ tình với nhiều bài thơ nổi tiếng như: “Khúc mùa thu”, “Tình khúc”, “Khúc ca”, “Đêm cuối cùng anh sẽ hát em nghe”... Bản thân thi sĩ từng tuyên ngôn: "Tôi không muốn làm Xuân Diệu thứ hai/ Tôi muốn làm Hồng Thanh Quang thứ nhất". Thì đây, ở tuyển thơ mới nhất với gần một nghìn bài thơ lần này, người đọc lại có thể tìm thấy nhiều bài thơ tình mới, say đắm và nồng nàn, đặc trưng cho phong cách, giọng điệu của Hồng Thanh Quang: "Đường phía trước có quá nhiều bất trắc/ Anh chỉ còn muốn tin ở em thôi/ Cho anh được nắm tay em nhé/ Đỡ chua cay trong phút lẻ loi đời/ Dù nước mắt, dù nghẹn ngào câu hát/ Hai chúng mình không thể tách rời nhau/ Chỉ cần khẽ chạm thịt da từng ngón/ Sẽ từ từ nguôi bớt những niềm đau" (Cho anh được nắm tay em nhé).

Thơ tình Hồng Thanh Quang là vậy, bên cạnh hạnh phúc vẫn không giấu nổi những xót xa, bên ngọt ngào vẫn không quên nhớ về cay đắng. Nhà thơ không giấu những âu lo dự cảm về hạnh phúc và tình yêu: "Hóa than ư, tất cả những bông hồng?/ Em không hiểu hay cố tình không hiểu?/ Nhiều sao lắm, ở cạnh nhau vẫn thiếu/ Một chập chờn hao khuyết thoáng mờ trăng.../ Đã rất gần, hương sắc lại mùa sang/ Trong khao khát những gì đang hẹn tới/ Em kề cận, em như nguồn sống mới/ Sao hoa hồng khoảnh khắc ngả màu đen?" (Sao hoa hồng khoảnh khắc ngả màu đen).

Có cả những mối tình đơn phương và tuyệt vọng: "Nhìn nhau mãi và xa nhau mãi/ Càng thấy nhau càng tủi thêm lòng/ Em có biết, chỉ vì yêu em quá/ Nên muôn đời tôi mãi long đong" (Không có cớ và rất nhiều buồn tủi). Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì tình yêu vẫn là điều tuyệt vời trong đời sống này, con người ta dù ở thời nào, đặc biệt là các thi sĩ, cũng cần vịn vào một tình yêu để sưởi ấm tâm hồn, để có một niềm tin: "Và em đến như vì sao dát bạc/ Soi cho anh thấy lại rõ con đường/... Em đã tới khẽ khàng như vô định/ Dịu dàng, trung thực, hồn nhiên/ Và anh biết, từ nay, mãi mãi/ Anh vẫn còn đốm lửa sáng niềm tin" (Ngẫu khúc một mùa trăng).

3. Tôi nghĩ, Hồng Thanh Quang đã vịn vào thơ, vào tình yêu để vượt qua những khó khăn. Khi nhiều người tưởng anh quỵ ngã và đầu hàng số phận thì nhà thơ đã tự tìm thấy cho mình một nguồn năng lượng lớn lao. Phải đi qua những thăng trầm xa xót như thế nào, thi sĩ mới có thể viết được những câu thơ như thế này: "Cảm ơn vì những nỗi đau/ Chắc là tới tận kiếp sau vẫn buồn/ Cảm ơn vì những yêu thương/ Vụn nghiền sỏi đá trên đường ta đi" (Cám ơn vì nắng trong lành). Thơ với Hồng Thanh Quang, tôi nghĩ, nhiều lúc giản dị như nhật ký hằng ngày. Anh lặng lẽ ghi lại mọi biến động của đời sống, mọi sự trôi chảy của thời gian. Khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Hồng Thanh Quang có ngay những bài thơ lấy cảm xúc từ mùa dịch, đưa vào trong đó nhiều trăn trở suy tư: "Ừ thì bệnh dịch như phép thử/ Như lời nhắc nhở lụy nhân sinh/ Nhưng xin hãy giữ cho tôi nhé/ Trong những hoang mang một chữ tình" (Lời cầu nguyện mùa dịch Covid 19). Nhà thơ bày tỏ thương cảm về những số phận bất hạnh trong mùa dịch, về cái đẹp bị tàn phai: "Người bán hoa nhiễm bệnh/ Chợ hoa đóng cửa rồi/ Những bông hoa tội nghiệp/ Tự héo dần đơn côi" (Người bán hoa nhiễm bệnh).

leftcenterrightdel
Nhà thơ Hồng Thanh Quang. 

Đọc thơ Hồng Thanh Quang, có thể thấy sự hiện diện của cả bốn mùa, chỉ cần nhìn vào những cái tên tác phẩm. Trái tim nhạy cảm của thi sĩ rung theo những thay đổi của đất trời, từng xao động của thiên nhiên: “Lục bát tháng Ba”, “Hoa loa kèn tháng Tư”, “Lại sắp rồi mùa hạ”, “Chớm hạ”, “Bài ca tháng Bảy”, “Chớm thu”, “Lại thêm một mùa thu”, “Lại về tháng Tám”, “Đúng rồi đã tháng Mười sang”, “Xuân đương thì mưa thấm”, “Chưa đông nhưng đã lạnh rồi”, “Bài ca tháng Mười hai”... Thơ đến với Hồng Thanh Quang một cách rất tự nhiên, có thể ngay từ một người phụ nữ không quen biết: "Chắc chưa nợ ở kiếp người/ Cũng không định trước một lời tiền duyên/ Đôi môi thắm ướt cong mềm/ Tự đâu em tới liền bên ta ngồi?" (Bài thơ viết trên máy bay tặng người phụ nữ không quen biết ngồi cạnh). Không chỉ tặng thơ cho những bóng hồng, những giai nhân do vô tình hay hữu ý được gặp trong cuộc đời, thi sĩ còn sẵn lòng tặng thơ cho cả ni cô: "Ni cô dưa muối nâu sồng/ Tĩnh tâm muôn sự xanh trong kiếp người/ Bỗng dưng ngả dạ bồi hồi/ Trăm năm im lặng hóa lời non tơ" (Thơ tặng ni cô).

Đã đi qua hết cuộc đời của một công chức nhà nước, Hồng Thanh Quang từng nắm giữ những chức vụ quan trọng, là lãnh đạo của nhiều cơ quan báo chí. Nhưng cho đến giờ này, theo tôi thấy, anh chỉ còn tâm niệm một điều duy nhất: Thi ca. Chưa khi nào tôi thấy anh có nhiều tuyên ngôn về hình ảnh thi sĩ đến thế như trong bộ tuyển tập lần này: "Là thi sĩ không thể nào đông đúc.../ Là thi sĩ trái tim như sóng bể.../ Là thi sĩ hồn nhiên và ngạo nghễ" (Là thi sĩ không thể nào đông đúc); "Con mãi mãi bị đọa đầy thi sĩ/ Gieo tai ương cho những chân thành" (Giờ đã muộn chẳng thể thay quá khứ); "Tôi phải thế bởi tôi là thi sĩ" (Xin đừng nhớ); "Là thi sĩ nghĩa là không thất chí" (Thêm một rằm tháng Chạp); "Anh chỉ là thi sĩ/ Tóc bạc soi trắng đêm" (Cuối cùng anh sẽ nói).

Ở những bài thơ lần này, tôi cũng nhận thấy Hồng Thanh Quang dành nhiều hơn những suy tư về thân phận, về thời gian. Anh không ngần ngại nghĩ về và nói về cái chết: "Bao lâu nữa ta cùng thành mây trắng/ Trong chuyến bay không hẹn được chung về?/ Bao lâu nữa? Thôi đừng tự hỏi!/ Ôi cuộc đời, chớp mắt cơn mê..." (Em chăm chú dõi ngoài cửa sổ).

Con người biết trân trọng hơn những gì đẹp đẽ đã qua. Và chính những điều đẹp đẽ trong quá khứ ấy làm nên sự nuôi dưỡng cho hiện tại: "Em lấp lánh như vì sao bất tử/ Soi con đường dẫn tới bình yên/ Trong kỷ niệm những bông hoa vẫn nở/ Thực dịu dàng, nuôi nhớ những niềm quên" (Trong kỷ niệm những bông hoa vẫn nở). Độc giả còn có thể tìm thấy trong 3 tập những bài thơ về tình cảm gia đình, bạn hữu, thơ về những miền đất thi sĩ từng đi qua như: Phố Hiến, Sa Pa, Đà Lạt, Cần Thơ, Ban Mê, Pù Luông, Thạch Hãn, Hà Giang, Quy Nhơn, Biển Đen, Sydney, London, Hawaii... Riêng Huế có vẻ được ưu ái hơn cả với hơn 20 bài trong 3 tập, trong đó đọng lại nhiều câu ấn tượng: "Có đôi mắt Huế trong tán lá/ Lời chào giấu đáy tiếng ve kêu.../ Từ buổi xe hoa về bến Ngự/ Đập Đá xem chừng khô dấu rêu..." (Có đôi mắt Huế trong tán lá). Trung thành với những thể thơ giàu vần điệu và mang tính truyền thống như lục bát, ngũ ngôn, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ, thơ Hồng Thanh Quang sẽ dễ nhớ và dễ thuộc khi gặp những tâm hồn đồng điệu.

Khi một mùa xuân mới sắp về, tôi muốn được khép lại bài viết nhỏ này bằng những câu thơ trong bài thơ mang tên “Chúc mừng năm mới” của nhà thơ Hồng Thanh Quang, cũng là gửi tình yêu thi ca và cuộc sống của anh đến với tất cả mọi người: "Và năm mới, và quây quần tất cả/ Cùng nâng ly cho đỏ ánh nhìn nhau.../ Những lời hứa bất thành trong năm cũ/ Năm mới về, nghe lại dễ thương sao/ Anh sẽ vượt những chập chờn tan vỡ/ Để yêu em nồng đượm giống hôm nào...".

ĐỖ ANH VŨ