Đi dọc tháng Tư, gặp những cơn mưa chuyển vụ. Đất trời và vạn vật được gội mát sau những tháng dài nắng gắt. Năm nay nhuận hai tháng Hai âm lịch, nên ngày xuân kéo dài và mùa hạ đến sớm hơn. Đi dọc tháng Tư, gặp tiếng ve râm ran trong vòm lá trên các tuyến đường, hương hoa dẻ thanh thanh dìu dịu gọi mùa ấu thơ thức giấc. Đi dọc tháng Tư, ngày hội non sông lần thứ 48 bừng lên những sắc âm, vừa ngân nga hoài niệm, vừa thúc giục hối hả bước ban mai...

Đi dọc tháng Tư, tôi leo lên chuyến xe khách giường nằm hạng “VIP” rời TP Hồ Chí Minh theo cao tốc xuôi về vùng Hậu Giang bời bời sông nước miệt vườn. Bao lâu rồi, mỗi lần đi công tác đều sử dụng xe cơ quan, máy bay hoặc phương tiện cá nhân, bỏ quên thói quen toòng teng ba lô nhảy xe khách của thuở còn mang quân hàm một vạch mỗi lần được thưởng phép về quê. Giờ đi xe khách mới thấy sự khác biệt lớn so với “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” cách đây ngót một phần tư thế kỷ, chân ướt chân ráo gia nhập đội ngũ nhà báo-chiến sĩ ở Thành phố mang tên Bác. Xe khách bây giờ sang trọng thật, nói theo ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay là rất “sang chảnh”. Mỗi hành khách một giường, máy điều hòa mát rượi; có chăn, ga, gối, nệm; có màn hình ti vi, wifi, sạc điện thoại; có ri đô để bảo đảm riêng tư; có nước uống, khăn lau; có phòng vệ sinh; dịch vụ đưa rước tận nhà; nhân viên phục vụ theo phong cách như tiếp viên hàng không... Lên xe, vừa trải một giấc êm ru đã nghe tiếng nhân viên đánh thức, thông báo tới TP Vị Thanh.

Rất đẳng cấp. Rất tiện ích. Rất nhanh gọn.

Mươi, mười lăm năm trước, hành trình từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xa xôi như: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang... phải mất non ngày đường, ngồi xe đò chật chội nóng bức, lóc xóc ê ẩm cả người. Phiền hà nhất là phải ngồi đợi cả buổi mới qua được mấy chuyến phà. Bây giờ, cao tốc thênh thênh; các dòng sông có cầu hiện đại bắc qua. Lên xe là một mạch thẳng tiến. Theo đề án của Chính phủ, đến năm 2026, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm 554km đường cao tốc, kết nối liên vùng và liên kết vùng với TP Hồ Chí Minh, khu vực miền Đông Nam Bộ...

Nói chuyện dông dài theo vòng quay bánh xe để thấy, hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải là một trong những biểu hiện rõ nhất của tốc độ phát triển và diện mạo đô thị văn minh. Bốn mươi tám năm sau ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải, bức tranh đất nước, quê hương mỗi ngày lại thêm những sắc màu tươi mới. Trên cao mây trời, qua cửa sổ máy bay nhìn xuống, đất nước mình hiện lên hùng vĩ núi non, bát ngát biển trời, những thành phố hiện đại, những công trình khang trang... Cùng với mạng lưới cao tốc, đại lộ phủ khắp đất nước, hệ thống sân bay, cảng biển cũng ngày càng nhiều hơn, khang trang, hiện đại hơn. Sáng ăn phở ở Hà Nội, trưa đã có thể ngồi quán lá Đất Mũi nhâm nhi lẩu mắm miền Tây, ngắm sóng khơi xa rì rào biển hát...

leftcenterrightdel
Học sinh quận 7, TP Hồ Chí Minh tham quan di tích Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất). Ảnh: THANH KIM TÙNG

Đi dọc tháng Tư, gặp lại những bộ phim điện ảnh vang bóng một thời. Đó là những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam, như: “Cánh đồng hoang”, “Ván bài lật ngửa”, “Biệt động Sài Gòn”, “Hai Cũ”, “Hòn Đất”, “Nổi gió”, “Mối tình đầu”... Đã bao năm rồi, cứ vào tháng Tư, các đài, kênh truyền hình, các nền tảng mạng xã hội lại phát những bộ phim ấy. Phim cũ, chuyện cũ, quen thuộc đến mức chỉ mới nghe nhạc hiệu thôi đã biết ngay đó là phim gì. Vậy nhưng mỗi lần xem, cảm xúc luôn tươi mới. Nó như dòng nước từ suối khe dồn theo sông xuôi về biển lớn. Mỗi âm sắc một xúc cảm, dậy lên tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi đất nước vừa thống nhất sau nhiều năm chia cắt do chiến tranh, sự hợp tác, đồng lòng, đồng điệu của các nghệ sĩ hai miền Nam-Bắc đã tạo nên những tác phẩm, vai diễn ghi dấu ấn sâu sắc, trở thành giáo khoa của nghệ thuật thứ bảy. Những thước phim đen trắng được quay bằng các loại máy đã nhuốm khói súng, bụi đất chiến trường, kỹ thuật, kỹ xảo, âm thanh, hình ảnh còn thủ công, thô sơ, nhưng mỗi lời thoại, mỗi cử chỉ trong ánh mắt, gương mặt, hình thể của diễn viên, mỗi phân cảnh của câu chuyện... đều là ngôn ngữ, thông điệp từ trái tim, khát vọng và thái độ tri ân Tổ quốc của giới nghệ sĩ...

Lớp nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng của điện ảnh cách mạng Việt Nam như: Lâm Tới, Thế Anh, Lý Huỳnh, Lê Cung Bắc... mà tôi từng gặp gỡ đều đã về thế giới bên kia, để lại cho đời những vai diễn, tác phẩm sống mãi cùng năm tháng!

Tôi nhớ cuộc gặp cuối cùng với NSND Lý Huỳnh, trang nam tử với những vai diễn đầy gai góc của điện ảnh cách mạng sau giải phóng miền Nam, người góp công lớn khai mở dòng phim hành động võ thuật Việt Nam gây “sốt” phòng vé thập niên 1990. Đó là một bữa tiệc sinh nhật ấm áp, anh chị em nghệ sĩ hội tụ chúc mừng Lý Huỳnh khi hãng phim mang tên ông vừa đóng máy bộ phim “Tây Sơn hào kiệt”. Đó cũng là bộ phim cuối cùng của người nghệ sĩ tài hoa trong cả hai vai trò đạo diễn và diễn viên. Trong không khí thân tình xúc động, Lý Huỳnh nâng chén, dốc bầu tâm sự. Ông nói, ông và gia đình mang ơn thành phố này, mang ơn điện ảnh cách mạng, mang ơn Đảng, Nhà nước và công chúng nghệ thuật. Lý Huỳnh đến với võ thuật và điện ảnh tại Sài Gòn từ thập niên 1960, nhưng chỉ đến khi xuất hiện trong dòng phim về đề tài chiến tranh cách mạng và Bộ đội Cụ Hồ, ông mới thực sự là một ngôi sao sáng. NSND Lý Huỳnh kể:

- Những ngày cuối tháng Tư năm 1975, tâm trạng tôi rất nặng nề. Có những lúc hoang mang cao độ. Lúc bấy giờ, thông tin Sài Gòn thất thủ lan nhanh từng giờ, từng phút như vết dầu loang. Một số người nói với tôi, Quân Giải phóng đã tiến sát các cửa ngõ Sài Gòn và khi họ vào đến nơi thì Sài Gòn sẽ “tắm máu”. Việt cộng sẽ “truy cùng diệt tận” những ai từng làm việc cho chính quyền Sài Gòn. Có người giục tôi tranh thủ thời gian qua Mỹ. Trong bối cảnh đó, tôi nhận được lời khuyên, động viên của một số bà má Sài Gòn. Các má nói, hổng có sao! Người Sài Gòn mình ai ở đâu cứ ở đấy, không phải đi đâu cả. Kháng chiến thành công, nước nhà thống nhất, cuộc sống sẽ sang trang mới. Tôi thấy yên tâm hơn và nghĩ, mình là nghệ sĩ, chỉ hoạt động nghệ thuật đơn thuần nên không việc gì phải lo ngại. Và rồi mọi thứ đã diễn ra đúng như vậy. Trưa 30-4-1975, chúng tôi chăm chú nghe tin từ đài phát thanh. Sài Gòn giải phóng! Tinh thần hòa hợp dân tộc, chung tay kiến thiết đất nước được truyền đi ngay những giây phút đầu tiên. Từ trưa đến chiều hôm đó, chúng tôi ngồi yên trong nhà lắng nghe mọi diễn biến. Sài Gòn vẫn yên ắng, không có tiếng súng, không có bất cứ cuộc săn lùng, rượt đuổi nào. Các khu chợ “cóc” vẫn họp. Tiếng lách cách và mùi thơm của xe hủ tiếu gõ vẫn dậy lên đầu hẻm. Đến tối thì không ai bảo ai, mọi người ùa ra đường reo hò. Sáng hôm sau, bắt gặp những anh bộ đội đội nón (mũ) tai bèo mang súng ngồi ô tô chạy trên đường phố. Họ tươi cười vẫy tay chào. Chúng tôi ùa lại, người bắt tay, người nắm vai, nói cười ríu rít như người thân đi xa lâu ngày gặp lại. Về sau tôi mới biết rõ hơn, hóa ra xung quanh nơi mình sống có nhiều gia đình, các má, các chị là cơ sở của cách mạng. Họ hoạt động âm thầm năm này qua tháng khác mà mình đâu có hay...

Môi trường hòa hợp dân tộc, bầu không khí thắm tình, đượm nghĩa của người dân Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh sau ngày non sông về một mối đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ, chắp đôi cánh mới cho những tài năng bay cao, bay xa. Lý Huỳnh liên tục được các đạo diễn trong Nam ngoài Bắc mời sắm những vai nặng ký trong các bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng. Từ chân dung ông già Nam Bộ hào sảng, xởi lởi đến sĩ quan ngụy quân bặm trợn, cảnh sát ngụy quyền “hét ra lửa”... đưa tên tuổi ông trở thành một trong những át chủ bài của điện ảnh cách mạng. Điện ảnh có những lợi thế đặc trưng, ngôn ngữ và thông điệp của nó có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng đến đời sống văn hóa tinh thần và thiên hướng thẩm mỹ, phong cách của công chúng. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc từ những câu chuyện điện ảnh thông qua lao động nghệ thuật của lớp nghệ sĩ tài năng sau chiến tranh đã neo vào lòng công chúng các thế hệ những dấu ấn không thể nào quên, trở thành những giá trị phi vật thể mang tính di sản.

Bốn mươi tám năm kể từ ngày đất nước thống nhất, mỗi lần nghe những bài hát, xem những thước phim, đọc những tác phẩm văn học về chiến tranh cách mạng và Bộ đội Cụ Hồ, lòng lại rạo rực những cảm xúc mới mẻ. Như suối khe, như sông dài biển rộng, như núi non, vạn thuở vẫn vẹn nguyên dáng hình, dòng chảy, nhưng nguồn nước từ đỉnh non cao thì mỗi thời khắc lại rào lên thanh âm tươi mới gọi mặt trời...

*  *  *

Đi dọc tháng Tư, gặp mùi khói hương linh thiêng tỏa lan từ Đền tưởng niệm các Vua Hùng trên đỉnh đồi cao ở thành phố Thủ Đức. Giữa lòng đô thị hối hả, tất bật, kẹt xe, tắc đường... có một ngọn đồi mang dáng hình cái bát úp, quanh năm cây cối xanh tươi, vươn cành rủ bóng xuống dòng kênh xanh tựa mái tóc dài thôn nữ bên mặt gương trong văn vắt. Tôi theo đoàn du khách leo lên những bậc đá phủ màu rêu, dưới bóng tre ngà cổ kính và sắc cờ linh thiêng, vào không gian các điện thờ dâng hương tri ân Quốc Tổ. Năm nay nhuận hai tháng Hai ta, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trùng vào Ngày hội non sông, mừng đất nước, dân tộc bốn mươi tám mùa hoa đoàn tụ. Thời khắc in dấu trăm năm. Trăm năm soi bước ngàn năm. Ta ở đâu, tổ tiên ta ở đó. Cái mạch nguồn con cháu Rồng Tiên mang màu đỏ thắm, như sắc cờ Tổ quốc, cứ rần rật chảy trong ta theo từng nhịp đập trái tim.

Đi dọc tháng Tư, những âu lo, trăn trở về đời sống khó khăn, về đà tăng trưởng kinh tế... chợt nhẹ đi. Ừ nhỉ! Tổ tiên, ông bà mình từng dạy: “Sông có khúc, người có lúc”. Thành phố cũng vậy và đất nước cũng thế. Thuận lợi-khó khăn, hạnh phúc-gian truân, sướng-khổ, vui-buồn... cũng như quy luật đất trời là nắng-mưa, đêm-ngày vậy. Sau dông bão là trời quang mây tạnh. Sau cơn mưa trời lại sáng. Chỉ cần ta vững niềm tin và trái tim không hao gầy tình yêu thương, san sẻ thì hạnh phúc, phồn vinh mãi còn...

Đi dọc tháng Tư, quờ tay trong đêm chạm màu tóc trắng! Ngoài ban công, hoa nguyệt quế nở dưới trăng, tỏa hương đêm dìu dịu giục tiếng gà lanh lảnh gọi bình minh...

Tùy bút của NGUYỄN PHAN