Tuy nhiên, lực lượng địch ở đây còn rất đông, muốn bảo vệ Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1), nhằm đưa lực lượng của chúng ở miền Tây lên chi viện cho Sài Gòn và ngược lại.
Chúng tôi tiến vào trong thị xã, chưa phát hiện thấy địch đâu cả, chỉ thấy nhiều quần áo lính, quân dụng bỏ trên đường. Thấy vậy, tôi báo cáo cấp trên và phán đoán, địch chạy từ Tây Nguyên về đây, thay quần áo dân sự thoát chạy hoặc ẩn náu trong nhà dân.
Chúng tôi được lệnh nhanh chóng tiến về hướng Tây, đánh chiếm căn cứ Hoàng Hoa Thám. Tiếng đạn bắt đầu nổ ran trong thị xã, bộ đội ta theo đội hình hành tiến vừa bắn cảnh cáo, vừa lùng sục. Qua Ty Điền địa, Ty Ngân khố (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng) một đoạn, gần tới ngã ba thì một chiếc xe Jeep chạy ngược về hướng chúng tôi. Phát hiện thấy bộ đội ta, chúng vội rẽ trái chạy về hướng Cần Thơ. Tôi vội hét: Diệt xe! Một xạ thủ B41 của đơn vị không kịp ngắm, dương súng siết cò, quả đạn bay qua đầu xe, nổ cách xe chừng 5-6m, khiến xe loạng quạng, lao vào sát vỉa hè. Ba tên lính vẫn nguyên quần áo rằn ri, không lon, không súng đạn, lồm cồm bò dậy giơ tay xin hàng. Anh em lục soát kỹ rồi bắt luôn chúng dẫn đường.
Chúng tôi đang nhanh chóng vận động đến mục tiêu thì nhận được điện từ tiểu đoàn thông báo: Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Dương Văn Minh đã đầu hàng. Lúc này lính Mỹ-ngụy và vợ con trong khu gia binh lũ lượt kéo ra đường, nhiều tên cõng con trên cổ, tay giữ con, tay giơ cao ý là đầu hàng. Trong cái nắng xế trưa, tiếng loa phóng thanh của Ban Quân quản vang lên thông báo tin chiến thắng, kêu gọi binh lính ngụy ra đầu thú. Tiểu đoàn nhắc nhở đơn vị tiếp tục truy quét tàn quân, chốt giữ mục tiêu, cảnh giác và chấp hành nghiêm công tác dân vận; công tác chính sách tù binh, hàng binh, chiến lợi phẩm.
|
|
Một góc TP Tân An, tỉnh Long An hiện nay. Ảnh: longan.gov.vn
|
Thị xã trở lại bình yên như chưa từng có chiến tranh, anh em phấn khởi ôm nhau, cười nói râm ran. Tâm trạng tôi lúc đó như trong mơ, người lâng lâng khó tả, không tin đó là sự thật! Một chặng đường bảy năm tôi “đi B” nay đã về tới đích. Bảy năm cực kỳ gian khổ, đi không nghĩ ngày về... Tôi bồi hồi nhớ lại những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đại đội một năm bổ sung hai, ba lần quân số nhưng vẫn thiếu... Những năm tháng trong rừng thiếu gạo, thiếu muối, làm bạn với rau rừng, nhìn ai cũng “mắt trắng, môi thâm” do sốt rét, suốt 5, 6 năm không nghe tiếng trẻ con khóc. Chúng tôi nhớ đồng đội, có người vừa mới hy sinh sáng hôm qua, trước giải phóng một ngày; nhớ người dân lo cho chúng tôi những đêm tiếp cận địch...
Thị xã lúc này người, xe tấp nập và náo nhiệt, khác hẳn cách đây mấy giờ, khi chúng tôi vào vắng bóng như một thị xã "chết”. Tiếng loa phóng thanh của Ban Quân quản giải thích các chế độ chính sách mới, xen lẫn những bài ca cách mạng hào hùng, cờ giải phóng tung bay trên các con phố. Một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi, đó là mấy anh em “tranh thủ” ra chợ. Nhìn trái cây là lạ, tôi chưa được ăn bao giờ. Tôi liền mua, lấy một trái đưa lên miệng cắn, thấy chan chát, thế là vứt đi. Thấy vậy, cô gái bán trái cây liền bảo: Các anh phải bóp đã rồi mới ăn chứ! Rồi cô cười ngặt nghẽo, làm chúng tôi mặt đỏ gay. Một bà má cổ quàng khăn ca rô ngồi bên tươi cười bảo: Các con ở ngoài Bắc vô, chưa biết! Đây là trái vú sữa! Trái này trước khi ăn, phải bóp cho mềm. Rồi má đưa cho chúng tôi cả một rổ bảo đem về đơn vị cho anh em cùng ăn. Bây giờ mỗi khi ăn vú sữa, tôi lại nhớ chuyện năm nào!
Cả đêm hôm đó, chúng tôi thao thức, anh em vui chuyện chiến đấu, chuyện quê hương và những dự định của ngày mai, khi đất nước đã hòa bình, thống nhất.
QUÝ HẢI