Phải rồi, tháng Tư của Hà Nội hội tụ và ngân tỏa hương sắc đỉnh điểm mùa xuân, tháng cuối mùa đầu của năm chuyển sang mùa hạ. Đồng hồ hoa mở cánh, kim thời gian tính bằng hương, sắc.

Thời gian màu gì, xanh, tím, trắng, hồng...? Có phải dùng thơ để hỏi tác giả bài “Màu thời gian”-dịch giả lỗi lạc Đoàn Phú Tứ, người đã dịch và đưa “Giấc mộng đêm hè” của W. Shakespeare, “Đỏ và Đen” của Stendhal-những vở kịch tuyệt tác vào Việt Nam? Với công nghệ sinh học, biến đổi gien, tiến bộ khoa học kinh ngạc thời Cách mạng công nghiệp 4.0 thì chuyện tạo hoa, quả trái mùa, thay đổi kích thước, màu sắc, năng suất là chuyện nhỏ. May thay, Hà Nội vẫn còn tiết điệu bốn mùa.

Thành phố nào cũng có hoa, có nơi sở hữu loại hoa thành đặc thù, tên gọi đô thị. Chốn phồn hoa kinh kỳ Kẻ Chợ hội tụ tinh hoa khắp chốn muôn phương, hoa nhiều và đẹp nhất. Chẳng riêng hoa, mọi thức quà đặc sản các nơi, về đến đất thánh Thăng Long, đều trở nên thanh nhã, tinh tế bội lần. Các làng hoa cổ ven đô đã mất, đất ngoại ô (xã, huyện) đã thành phường, quận; nhưng thêm nhiều làng hoa mới của Hà Nội mở rộng và các tỉnh lân cận cung cấp rau, hoa cho Hà Nội. Tôi sinh ra tại Hoàn Kiếm, quận lõi trung tâm Thủ đô, bối cảnh cảm hứng của nhiều tác phẩm nghệ thuật để đời, thì chỉ mê vẻ đẹp Hà thành cổ kính.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN

Gắn bó cuộc đời với đất này đâu chỉ nói tự hào, yêu thương dễ dàng như thói diễn ngôn quen thuộc. Tôi đang tình tự Hà Nội trong lặng im sâu thẳm, để lời muốt trắng ngân rung.

Biến đổi khí hậu, tinh cầu nóng lên, băng tan hai cực, nước biển dâng, khiến quy luật sinh tồn, đa dạng sinh học của muôn loài bị ảnh hưởng. Các loài hoa nở sớm hơn. Hoa anh đào Nhật Bản đặc trưng của tháng Tư đẹp nhất xứ sở Phù Tang, đã bừng cánh từ giữa tháng Ba, ở Tokyo, Kyoto, Seoul... và cả Washington nước Mỹ. Anh đào đón gọi tháng Tư, mùa oải hương (Lavande) tím ngập những cánh đồng nước Pháp, triệu luống tulip rực rỡ khắp Hà Lan và giục loa kèn buông trắng trong khắp các con đường Hà Nội. Loa kèn trắng hiện diện nhiều tỉnh, thành miền Bắc (loa kèn đỏ ít hơn, mọc trong các nghĩa trang), song chỉ tại Hà Nội, loa kèn mới bừng rộ, đẹp và thơ đến thế. Vừa xòe bàn tay đỡ hoa gạo đỏ tháng Ba, 5 cánh rơi nghiêng đã rạng ngời sáu giác quan đón 6 cánh trắng loa kèn mở. Nói đến loa kèn, là nghĩ đến trắng thơm thanh thoát. Trong nhiếp ảnh, điện ảnh, trắng là màu tổng hòa các loại màu, nó rất quan trọng, mọi khuôn hình muốn quay, phải khởi đầu từ thao tác kỹ thuật “cân bằng trắng”.

Làm sao “cân bằng” được cảm xúc trào lên mộng mơ, đắm đuối khi sắc trắng hàm tiếu trong nụ xanh nhụy vàng lá mướt cành dài chất sau xe đạp chở hoa đưa tháng Tư hương khắp. Loa kèn giản dị mà kiêu sang, hợp từ cảnh nông thôn đến đô thị, từ nhà nhỏ thanh bạch đến các khách sạn hiện đại, sang trọng, biệt thự xa hoa. Thứ hoa đã được người Pháp yêu chuộng, được Tô Ngọc Vân đưa vào kiệt tác của mình. “Thiếu nữ bên hoa huệ” (1943) là “huệ Tây” (lys), cách danh họa gọi loa kèn đấy. Tranh toát lên vẻ thư thái, thanh quý, kiêu sang của một giai nhân Hà Nội.

Tràn hương phô sắc đời hoa chỉ vào tháng Tư, mà biến tháng Tư thành mùa loa kèn, mùa nhung nhớ. Những tiếng gọi đồng thanh hay nối tiếp khi mỗi cánh hoa khẽ mở, đồng vọng thời gian, đồng hiện không gian bao nhịp phố, nhịp đời. Loa kèn làm nên màu tháng Tư, hay tháng Tư ngụ vào hoa mà tỏa vang vẻ thánh thiện vô ngần cho những ai ngắm hoa đều như được thanh tẩy, “nhuộm trong” mình thanh tân như sắc nụ biếc của nụ kèn nâng trên ngón búp.

Tháng Tư, mùa cá linh, kiến rừng đẻ trứng, xoài, nhãn, vải xuộm hoa những khu vườn... Đi qua các loài hoa thụ quả, loa kèn nhắc nhân gian: Năm đã sắp qua một mùa đầu! Hoa tàn mà cánh không rời cuống, thiêm thiếp vào nuối tiếc buông tay người cắm, lưu luyến tháng Tư.

Hà Nội lũy hoa, Hà Nội máu và hoa như vẻ đẹp kiêu hùng, lãng mạn thiên niên kỷ vẫn thức động từ trang văn Nguyễn Huy Tưởng đến những trang đời qua mỗi phận người, nếp phố. Giờ thì bạn đã biết màu tháng Tư chưa? Tháng Tư đan thân vào mùa hoa ánh sáng, để mùa nào Hà Nội cũng mơ, cũng thơ, đâu riêng hồ Gươm được ví là “lẵng hoa giữa lòng Hà Nội”.

Thành phố cổ phơi mở dung nhan huyền bí qua sắc hoa không khi nào ngừng nở như tình yêu Hà Nội, đã khiến bao mái tóc ngả màu năm tháng chợt được phép màu diệp lục viền “ánh sáng ven” cho hết thảy ai biết yêu Thăng Long, dần trẻ lại. Loa kèn gọi chúng ta thả bộ êm đềm lần nữa, như lần đầu đọc tuyệt tác “Hà Nội băm sáu phố phường” (NXB Đời nay, 1941) của Thạch Lam: “Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải... Chúng ta có Hà Nội, một thành phố nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật... Ở những hang cùng ngõ hẻm, ở làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng mờ của Hà Nội chiếu lên nền mây”.

Bất giác tôi và các con thành những hạt mầm nảy chồi xanh dưới nền mây loa kèn trắng.

Tùy bút của VI THÙY LINH