QĐND - Những ngày này cách đây 40 năm, bà mở đài nghe miết, theo dõi xem bộ đội mình đã đi đến đâu, đánh thắng những trận nào. Khi biết đã giải phóng thì vui quá trời con ơi! - Bà Nguyễn Thị Tình, sinh năm 1935, hiện trú tại ấp Bảo Định, xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, chia sẻ về tháng 4 năm 1975 khi ngày lễ lớn đang đến gần. - Anh em, bà con, láng giềng sang chia vui. Người ta một người đi tập kết đã mong, nhà bà có tới hai người, một là chồng, hai là bố chồng, con à.

Ông bà Nguyễn Thị Tình và Đinh Văn Lý tại nhà riêng. Ảnh: Kim Tuấn.

Chồng bà Nguyễn Thị Tình là Đại tá Đinh Văn Lý, nguyên Tham mưu trưởng Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Ông bà nên vợ chồng từ năm 1950. Nhưng chỉ sau khi kết hôn được ít ngày, ông Lý đã lên đường đi chiến đấu, đến năm 1954, ông bà mới gặp lại nhau. Hội ngộ không bao lâu, ông Lý lại rời nhà, tập kết ra Bắc. Từ đó đến năm 1975, 21 năm trôi qua, ông bà không có một khắc bên nhau, cũng không liên lạc được ngoài một lá thư ông gửi về năm 1961, nói ông đang ở Tây Bắc. Tin tức mơ hồ về ông chủ yếu bà có được qua thăm hỏi bà con, họ hàng, các gia đình cũng có con em tham gia hoạt động cách mạng, có người tập kết ra Bắc. Khi ông đã cùng đơn vị trở về miền Nam, ông Lý cũng không liên lạc về, phần vì sợ nhỡ có bề gì sẽ nguy hiểm cho gia đình...

Bởi vậy, khi thấy các đoàn quân từ miền Bắc vào giải phóng miền Nam, người ta mừng một, có lẽ bà Tình mừng đến mười, đến trăm. Hơn hai mươi năm xa chồng là bấy nhiêu thời gian bà vừa tham gia công tác tại địa phương, vừa một mình nuôi con. Cũng bấy nhiêu năm, chồng và con gái bà chưa một lần nhìn thấy nhau. Đến tháng 4 năm 1975, con gái bà đã kết hôn, cậu cháu ngoại của bà đã được một tuổi, tin về ông Lý vẫn rất xa xôi.

Ông bà cùng quê, ở Quảng Ngãi, đến với nhau qua mai mối. Hồi đó, chiến tranh, không thể kết hôn ban ngày, nhà trai phải đợi đến đêm, mới đi thuyền vượt qua sông Hội An, để đón bà về. Ông vào đón mà bà ngại không dám nhìn vì tất cả mới chỉ qua mối mai, ông bà chưa hề gặp nhau. Trước ngày cưới, có gì thì hai bên liên lạc, chuyển qua nhau bằng người em cô bên chồng và em gái bà. Cưới về rồi ông cũng vẫn còn ngại, cứ đi biển suốt. Người bà con phải nhắc: Sao không ở nhà nói chuyện với vợ cho nó đỡ buồn. Đến lúc mới sắp quen quen thì ông đi chiến đấu. Khoảng thời gian ngắn cho ông bà một cô con gái đầu lòng và cũng là duy nhất tên Đinh Thị Nghĩa.

Bà Nguyễn Thị Tình tham gia công tác dân vận, công tác phụ nữ tại xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi từ tuổi thanh niên. Cũng như các thành viên của đội quân tóc dài khác, ở các tỉnh, khi tham gia hoạt động, bà cũng phải cắt đi mái tóc dài của mình. Bà cùng mọi người làm nhiều công việc, như lo tiếp tế cho du kích, cho cán bộ, bộ đội. Bà đào hầm bí mật cùng với du kích để bảo vệ bộ đội, bảo vệ và đưa dẫn các đoàn công tác. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng bà vẫn còn rất nhớ những ngày hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết ấy. Ngày đi vận động, quyên góp được lương thực thì đem chôn, cất giấu. Những hôm mưa lũ, phải kịp thời đào lên, di chuyển đi nơi khác. Có đợt đi chuyển hàng dài mấy tuần liền, trèo đèo, lội suối, đến độ tưởng chừng không đi nổi nữa, bà vẫn cố gắng... Ngày nối ngày với các hoạt động đoàn thể. Đêm về bồng con, nhớ chồng khôn nguôi. Nhớ người chồng chưa kịp quen hơi…

Bà Nguyễn Thị Tình hoạt động dân vận suốt từ những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước đến năm 1972 thì bị lộ, bị truy bắt sau khi đi hoạt động trên đường phố. Do vậy, bà phải chuyển địa bàn, bằng cách trà trộn vào đoàn người di dân, đến xã Đá Mài - nay là xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, tiếp tục hoạt động.

Người con duy nhất khi lớn bà Tình cũng định cho tập kết ra Bắc, hy vọng gặp được cha nhưng mẹ của bà ngăn. Mẹ bà nói: Nhà đã có hai người đi rồi con còn định cho con mình đi nốt sao. Lúc đi tính hai năm về, giờ đã bao nhiêu năm đã được về đâu. Mà con thì có mỗi một đứa. Nghe vậy bà đành bỏ ý định của mình. Cô Nghĩa, con bà Tình, lớn lên cũng theo mẹ tham gia công tác phụ nữ, dân vận tại địa phương.

Cuối tháng 4 năm 1975, thấy bộ đội mình trên đường, thấy xe vô từng đoàn, từng đoàn bà thấy mừng, thấy hãnh diện vô cùng. Bà cùng mọi người lo tiếp tế cho anh em, lo chuẩn bị bánh trái, cơm nước… Bà huy động phụ nữ đi mượn thùng phi để từng hàng dọc đường, cho nước vô để anh em bộ đội mình hành quân qua nghỉ chân, ăn uống. - Bà Nguyễn Thị Tình kể. - Bà thấy một số lính ngụy đi xuống Hàm Tân, đi xuống biển, vượt biên. Một số vẫn còn càn vô, vơ vét của đồng bào… Khi bộ đội vào Long Khánh, bà thấy mấy chục năm chiến tranh giờ đã được thế thật mừng, thật vinh dự. Đất nước được hòa bình, mình vỡ òa, quá đỗi sung sướng. Tất cả nhờ cấp trên, nhờ bộ đội với địa phương phối hợp mới được vậy chứ không làm sao mà được…

Niềm vui chung là vậy, còn tình riêng, đến hết tháng 4 năm 1975, bà Tình vẫn không biết ông Lý đang ở hướng nào. Đến năm 1976, bà mới gặp được ông ở Đà Lạt. Khi ấy bà mới biết mùa Xuân năm 1975, ông cùng đồng đội tham gia Chiến dịch Tây Nguyên. Sư đoàn 316 đánh nội thành, còn Sư 10 của ông đánh giải tỏa ở Buôn Ma Thuột. Đầu tiên đánh ở đồn Đức Lập, rồi đánh giải tỏa ở Bắc An, giải phóng Tây Nguyên, đánh xuống Nha Trang… Ngày 30 tháng 4, mũi của ông Lý đã đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất sau phát triển sang Bộ Tổng tham mưu ngụy. Ông Lý có hai người em trai đều hy sinh trong chiến tranh. Một cô em gái tham gia hoạt động tại địa phương cũng không còn. Nỗi niềm với sự tổn thất quá lớn của gia đình như được vơi đi, lắng xuống trong niềm vui chung của đất nước.

Giải phóng miền Nam, bà Nguyễn Thị Tình được đi học tại trường Lê Thị Riêng, ở Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh rồi về tiếp tục công tác phụ nữ đến năm 1980 được nghỉ hưu. Ông Lý lên Lâm Đồng rồi qua Cam-pu-chia…

Hiện nay, bà Tình và ông Lý đang an hưởng tuổi già, vui bên con cháu tại nơi mà ông đã chọn sinh sống, đó là huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Bà Tình bảo: Ông ấy thích cây cỏ, nói không chịu được cảnh sống quanh mấy bức tường ở thành phố, nên ông ấy chọn về nông thôn, nơi có cây, có vườn cho vui vẻ, mát mẻ. Sau khi từ Cam-pu-chia về, ông được cấp nhà trong thành phố nhưng ông không nhận. Tháng 4 năm nay, ông bà mừng lắm. Bà Tình chia sẻ: Ông bà lúc nào cũng muốn đất nước hòa bình. Nguyện vọng cũng đã đến rồi, mong muốn cũng đã đến rồi. Gia đình sum họp. Đó là niềm hãnh diện nhất, hạnh phúc nhất của bà.

QUỲNH LINH