Năm nay, nhân kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng Tây Nguyên, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xin ghi lại mấy câu chuyện là kỷ niệm sâu sắc, trong chiến đấu dù thiếu đói mà vẫn đề cao danh dự Bộ đội Cụ Hồ, coi trọng giữ gìn tài sản nhân dân của các cựu chiến binh Sư đoàn 10, Sư đoàn 320 trong những ngày cuối của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Sau khi ta giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, địch rút chạy khỏi Tây Nguyên. Ta tổ chức truy kích địch trên các ngả đường xuống ven biển miền Trung. Chiến dịch phát triển rất nhanh, Sư đoàn 10 được lệnh đánh cuốn chiếu và đã giải phóng Khánh Dương ngày 22-3. Đến ngày 25-3, cơ bản tỉnh Đắc Lắc được giải phóng. Quân ngụy Sài Gòn điều lữ đoàn dù số 3 chiếm đèo Phượng Hoàng là địa bàn ranh giới giữa Đắc Lắc với Khánh Hòa hòng cản bước tiến của Quân giải phóng. Quân ta phối hợp rất hay đánh một trận đã đời từ ngày 29-3 đến ngày 2-4, đã chia cắt đội hình địch, bắt sống nhiều tù binh và tiêu diệt gọn cả lữ đoàn thiện chiến của địch.

leftcenterrightdel
Nữ chiến sĩ biệt động hướng dẫn bộ đội đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu 

Tối 2-4, đơn vị hành quân tới vùng ven biển và đóng quân tại xã Cam Phúc, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là địa bàn dân công giáo từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1955, dân chưa hiểu bộ đội giải phóng do chính sách tuyên truyền bịa đặt của ngụy quyền Sài Gòn. Trung đoàn bộ Trung đoàn 66 đóng quân trong những vườn xoài, vườn mít của dân. Các nhà dân cửa đóng chặt, không ai ra gặp bộ đội. Sáng hôm sau một số người mở cửa, trông thấy bộ đội họ lại đóng cửa trở vô nhà. Chỉ có một cụ già hơn 70 tuổi ra thăm vườn, lại gần chỗ bộ đội đang nấu cơm ăn sáng. Cụ ngạc nhiên khi thấy bữa ăn của cấp chỉ huy Quân giải phóng mà chỉ có môn thục phơi khô được ngâm nước rồi cắt khúc nhỏ xào lên ăn với ít mắm kem. Cụ càng ngạc nhiên hơn khi kiểm tra vườn một lượt không thấy mất quả mít, quả xoài nào. Cụ đến chỗ bộ đội đang ăn sáng và nói: “Nay tôi mới được biết các ông bộ đội giải phóng. Các ông nghiêm thật, đóng quân cả đêm trong vườn nhà tôi mà mít, xoài còn nguyên, không mất quả nào. Nếu là lính Mỹ-ngụy thì chắc vườn nhà tôi đã bị bẻ hết. Các ông ăn cực quá. Nhà tôi có con heo chừng 70 ký, các ông cho người vào bắt làm thịt mà ăn”. Rồi cụ nói tiếp, vẻ còn lo lắng: “Nhà tôi có hai cháu gái. Mong các ông tha cho hai cháu”. Đến đây thì bộ đội ta cũng ngạc nhiên vì địch đã xuyên tạc làm dân ta hiểu không đúng về Bộ đội Cụ Hồ.

Anh Tỵ thay mặt anh em cảm ơn cụ và nói: “Quân giải phóng không được phép lấy của dân dù cái kim, sợi chỉ, và lại càng không được phép làm hại dân”. Nghe xong cụ đi vào nhà, lúc sau dẫn ra hai cô cháu gái giới thiệu với bộ đội. Cô chị 20 tuổi, cô em mới 16 tuổi. Ngay sau đó hai chị em bẽn lẽn xin được quét dọn trong vườn, ngoài ngõ, đường sá cùng bộ đội. Tiếp theo, hai chị em còn đi vận động thêm nhiều thanh niên cùng tham gia dọn dẹp, giúp bộ đội làm tạm chỗ ở trong mấy ngày sau đó. Không khí trong thôn, xã vui hẳn lên.

Chỉ có mấy ngày đơn vị đóng quân nhờ trong vườn của dân mà bà con công giáo di cư đã hiểu và yêu mến bộ đội giải phóng, không sợ “Việt cộng” như đã bị lừa gạt mấy chục năm. Ngày chúng tôi rời Cam Phúc để tiếp tục hành quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, dù là khẩn trương và bí mật nhưng một số cụ già, thanh niên và cả các em nhỏ đã bịn rịn tiễn chúng tôi.

Đến cuối tháng 4-1975, đội hình Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 đã ở phía bắc Sài Gòn. Gần 2 tháng trời với 2 chiến dịch lớn, di chuyển qua hơn nghìn ki-lô-mét với bao nhiêu trận đánh, những cuộc hành quân liên tục đói ăn, thiếu ngủ và nặng trĩu mất mát của đơn vị, hy sinh của đồng đội, chỉ có niềm tin vào thắng lợi cuối cùng giúp chúng tôi mạnh mẽ lên, quyết tâm hơn. Chiều ngày 28-4-1975, hướng tây bắc Sài Gòn súng vẫn nổ đinh tai, nhất là phía căn cứ Đồng Dù. Trong lúc chờ lệnh tiến công, chúng tôi ngồi ôm súng dựa ba lô ngủ gà ngủ gật, mấy cậu lính mới vừa được bổ sung vào đơn vị chưa kịp đánh trận nào thì hồi hộp, phấp phỏng.

Khoảng 4 giờ chiều, có đội nữ biệt động đến phối thuộc dẫn đường cho các đơn vị. Toàn con gái trẻ đẹp, cổ quấn khăn rằn, mặc áo bà ba đen bó chẽn chắc nịch, cổ chân nhiều chị em đỏ lên vì quai dép cao su. Sau này mới biết là chị em chỉ có dép cao su mà đế dép làm từ lốp, quai làm từ săm ô tô. Chả trách khi ấy cứ thấy nhiều cô liếc nhìn đôi bàn chân bộ đội chủ lực đi dép đúc, vừa đẹp, vừa bền lại êm chân. Giá mà hiểu ý nhau sớm thì có khi cũng đổi cho cô nào đó làm kỷ niệm, hơn hết là giúp cho đôi bàn chân của họ đỡ đỏ lên, có khi tứa máu.

Đơn vị được một nữ biệt động dẫn đường có cái tên là Mỹ Hạnh. Cô còn rất trẻ, cứ bẽn lẽn trước các anh bộ đội giải phóng quân người miền Bắc. Mặt trời khuất hẳn, lệnh hành quân. Cả mấy trăm người bám sát vào nhau. Nhiều năm chinh chiến, chưa có cuộc hành quân chiếm lĩnh nào bộ đội được giữ cự ly sít nhau như thế, hơi thở người đi sau phả vào gáy người đi trước. Tiểu đoàn trưởng đi sau nữ biệt động Mỹ Hạnh. Cô thạo đường nên đi thoăn thoắt, cả đơn vị cố bám theo. Dù mệt và thiếu ngủ nhiều ngày nhưng ai cũng cố, chả lẽ thua con gái.

Phía trước là một vùng sáng lớn, chúng tôi đoán là Sài Gòn. Phía tây, cột lửa của kho xăng Đồng Dù bị pháo của ta bắn lúc cuối chiều vẫn cháy ngùn ngụt làm bầu không khí càng ngột ngạt hơn. Lệnh trung đoàn truyền xuống: Hành quân khẩn trương hơn cho kịp đến điểm tập kết theo kế hoạch. Gặp con mương sâu, rộng khoảng 15m, bộ đội ào xuống, nhưng một chiến sĩ mới người Cao Bằng suýt chết đuối vì không biết bơi, mấy người cười khúc khích. Mỹ Hạnh nghiêm mặt càu nhàu: “Đồng đội gần chết chìm còn cười”. Bộ đội ta im phắc, không nói gì.

Vượt qua đường 8 đoạn Phước Vĩnh An, đồn địch gần đó bắn ra đạn 12,8mm đỏ lừ. Mặc, đoàn quân theo dẫn đường cứ nhắm hướng Cầu Bông thẳng tiến. Bờ ruộng nhỏ trơn trượt, lính hỏa lực mang vác nặng ngã lên ngã xuống, mùi bùn, mùi lúa con gái ngai ngái trong đêm. Mấy trăm người bì bõm dưới ruộng nước, rồi lên ruộng cạn, lại gặp ruộng nước, cứ thế vượt qua cánh đồng rìa làng Tân Thông Hội, xuống Tân Phú Trung. Một giờ sáng cả đội hình đến cánh đồng dưa của dân. Lệnh truyền xuống: “Hạ ba lô im lặng chờ lệnh”. Lúc này cái đói, cái khát lại hành hạ. Mấy anh trinh sát bàn nhau: “Xin mấy quả đi”... Mỹ Hạnh nghe thấy phản ứng ngay: “Đi làm cách mạng mà lấy của dân à”. Cả đơn vị im lặng, chấp hành, mấy chàng trinh sát hơi ngượng, nhìn trộm cô nữ biệt động trẻ đẹp mà nghiêm khắc quá.

Trời gần sáng, trước lệnh tiến công, bộ đội lấy lương khô ra ăn, thơm quá. Tôi đưa mời Mỹ Hạnh gói lương khô, chắc cô cũng đói nên mừng quá, ăn ngay, vừa ăn, vừa khen lương khô chủ lực ngon quá trời. Có anh nào đó bảo: “Mỗi trận đánh, bộ đội chỉ được một gói thôi, Hạnh ăn lương khô rồi thì anh phải ăn dưa thôi”. Cô biệt động hồn nhiên kêu rằng bộ đội lừa em!

Lúc sau, đơn vị được lệnh tiếp tục vận động qua cánh đồng dân trồng hành rồi len lỏi qua mấy vườn cam chanh, thèm quá, đụng vào quả nhưng không dám ngắt vì của dân, mặt khác cũng sợ chạm vào có mùi thơm dễ lộ vì các đồn bảo an rất gần. Đêm đầu tiên chiếm lĩnh một trận địa ven đô, nhiều cảm giác lạ sau bao năm ở rừng núi. Xa xa là ánh sáng từ Tân Sơn Nhất, nhiều đèn đỏ nhấp nháy di chuyển trên cao, chả hiểu gì. Sau này mới biết là máy bay trực thăng đang di tản người Mỹ và bọn tay sai thân cận. Gần tảng sáng ra đến đường lại thấy một thằng Tây đen to lớn trên cao nhe răng trắng ởn, định cho một loạt kết liễu đời hắn nhưng nhớ là chưa có lệnh nổ súng nên thôi. Mỹ Hạnh hiểu ý thì thầm: “Không phải người đâu, biển quảng cáo kem đánh răng Hinos đấy”. Ngượng quá, đúng là bộ đội giải phóng sống trên rừng đã lâu, chả biết gì thành phố.

Sáng sớm ngày 29-4, đơn vị phối hợp đánh chiếm Cầu Bông, giữ không cho địch phá cầu nhằm cản đường tiến của quân ta, giải phóng Tân Phú Trung và một số địa danh khác, nửa đêm tạm nghỉ ở Tân Sơn Nhì. Sáng 30-4 tiến đánh tiếp ngã tư Bảy Hiền rồi Lăng Cha Cả, vào Tân Sơn Nhất... nhân dân mang nhiều hoa quả, bánh kẹo và nước uống tiếp tế cho bộ đội giải phóng.

Bên cạnh những chiến thắng oanh liệt, vẻ vang, đến những giờ phút cuối cùng của đại thắng vẫn còn một số đồng đội hy sinh, có người chưa kịp ăn quả dưa hay quả cam trên đường hành quân đánh giặc. Cô biệt động dẫn đường tên Mỹ Hạnh cũng về lại đơn vị. Chúng tôi chưa rõ đấy là tên thật hay biệt danh của nữ biệt động khi làm nhiệm vụ mà chưa tìm gặp lại được. Dù sao, cũng là kỷ niệm đẹp và bài học lớn về tình quân dân, nhất là ý thức bảo vệ tài sản của dân.

Cựu chiến binh NGUYỄN NHÂN TỎ