1- Chàng tên Giang, gọi là “Giang thương hồ”, 23 tuổi, nhà ở ngoại ô TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, nơi nổi tiếng về nghề trồng hoa Tết ở vùng sông nước miệt vườn Cửu Long. Từ nhỏ cậu đã rong ruổi nghiệp thương hồ, theo ba má lấy hoa quả từ các nhà vườn lên bỏ mối cho những chủ hàng ở TP Hồ Chí Minh. Tôi trêu:
- Tên cậu, bỏ chữ “thương” đi, thành “Giang hồ”, oách dữ hén!
Giang cười, giọng Nam Bộ rổn rảng:
- Cái từ “thương hồ” ấy, thực ra nó hổng có dính dáng gì đến “giang hồ” hết. Đơn giản, thương hồ là công việc buôn bán đường thủy của người dân sông nước.
Nghề thương hồ ở Nam Bộ có từ lâu đời, song hành với lịch sử khai khẩn của người xưa. Với đặc thù địa hình sông rạch dọc ngang chằng chịt, người phương Nam từ thuở khẩn hoang đã gắn bó với các hình thức sản xuất, sinh hoạt đường thủy. Ghe xuồng là nhà, sông nước là quê hương, người thương hồ lênh đênh rày đây mai đó. Có những gia tộc đã 5 đời sinh sống trên mặt nước, chưa biết đến nhà cửa, ruộng vườn là gì. Đời thương hồ vất vả, lênh đênh nên người trong cuộc thường gọi là “kiếp thương hồ”, như là cách để lột tả nỗi cực nhọc, gian khó. Vậy nhưng, sông nước lại có sức hấp dẫn kỳ lạ. Tình yêu sông nước của những người trót theo nghiệp thương hồ ở đâu và lúc nào cũng đầy như nước trên sông, mênh mông như cánh đồng mùa nước nổi. “Con thích kiếp thương hồ vì được sống tự do. Lên ghe, thích đi đâu đi đó”, Giang nói.
Giang có người yêu tên Thu, thường gọi là Bé Ba, nhà ở quận 8. Bé Ba theo mẹ buôn bán hoa quả từ nhỏ, thường lấy hàng của thương hồ vùng sông nước Cửu Long theo con sông Tiền và kênh Tàu Hủ lên bến Bình Đông. Từ chỗ bạn hàng quen biết, vào tuổi cập kê, đôi trẻ bén duyên nhau. Tình yêu của chàng thương hồ vùng sông nước và cô gái thành phố thật lãng mạn. Giang thường lấy ghe chở người yêu du ngoạn sông nước, tíu tít như đôi chim non...
Trai thương hồ làm rể TP Hồ Chí Minh không hiếm. Có nhiều gia đình “tứ đại đồng đường” vẫn luôn giữ nét gia phong, duy trì phong tục truyền thống lâu đời của người dân sông nước. Ngày giỗ, lễ, tết... họ cúng vịt chứ không cúng gà như người trồng lúa. Đời sống kinh tế phát triển, các giá trị văn hóa đặc trưng sông nước trở thành thế mạnh phát triển du lịch gắn với khai thác tiềm năng thu hút đầu tư ở các địa phương Nam Bộ, trong đó TP Hồ Chí Minh giữ vị trí đầu tàu. Thế hệ lao động trẻ tuổi như Giang và Bé Ba, thể hiện tình yêu lao động, tình yêu quê hương và tình yêu đôi lứa bằng sắc thái riêng nhưng vẫn giữ nét đẹp truyền thống của thế hệ ông bà, cha anh. Khác chăng, thương hồ ngày xưa căng buồm ngược gió, chèo ghe xuồng bằng sức người, thì nay, cơ giới hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là công cuộc số hóa giúp họ giải phóng sức lao động, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các nhà vườn, cơ sở kinh doanh đều kết nối giao thương bằng công nghệ số, giao dịch online... Đời sống kinh tế của những người được gọi là “kiếp thương hồ” đã phát triển nhanh chóng. Bà con gắn sản xuất, kinh doanh với phát triển du lịch sinh thái, liên kết vùng và liên vùng để thúc đẩy phát triển dịch vụ, xuất hiện ngày càng nhiều “tỷ phú thương hồ”.
Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục nhấn mạnh vai trò đầu tàu của TP Hồ Chí Minh trong khu vực phía Nam và cả nước. Trung ương Đảng khẳng định rõ quan điểm: Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững. Thành phố phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu...
|
|
Chợ hoa thương hồ trên bến Bình Đông, Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: NGUYỄN TRUNG TRỰC
|
2- Có rất nhiều thứ, rất nhiều chuyện để viết về Thành phố mang tên Bác khi mùa xuân đến. Trong rạo rực không khí đón xuân, hoa là hình ảnh chủ đạo. Hiếm có địa phương nào người dân yêu hoa, mê hoa, chơi hoa nhiều như ở TP Hồ Chí Minh. Thú chơi tao nhã ấy có từ lâu đời, tích tụ, phát triển theo dòng thời gian, trở thành một sắc thái văn hóa điển hình. Thành phố này là thị trường tiêu thụ hoa lớn nhất cả nước. Hoa từ xứ lạnh cao nguyên Đà Lạt được chở về. Hoa từ vùng đất đai trù phú ở các địa phương Đông Nam Bộ chuyển đến. Hoa theo ghe xuồng từ vùng sông nước Cửu Long đưa lên. Mùa xuân đến, khắp thành phố rực rỡ sắc hoa. Những tụ điểm được xem là thủ phủ của muôn hoa khoe sắc như: Bến Bình Đông, Đường hoa Nguyễn Huệ, các hội hoa xuân ở Công viên Tao Đàn, Phú Mỹ Hưng, Nhà văn hóa Thanh niên, TP Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, Củ Chi... là những điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách trong mùa du xuân, trải nghiệm Tết Việt ở thành phố đông dân nhất cả nước. Hoa là sắc màu chủ đạo ở những lễ hội văn hóa, các không gian nghệ thuật diễn ra khắp nơi trên địa bàn thành phố.
Năm Quý Mão 2023 là năm đầu tiên TP Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. Đây là một nghị quyết quan trọng, bổ sung, phát triển quan điểm, phương châm chỉ đạo và giải pháp lãnh đạo về áp dụng cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh phát triển. Việc tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 31 do Ban Bí thư và Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức ngay trước thềm Tết Quý Mão chính là sự kiện quan trọng tạo động lực, xung lực cho Đảng bộ TP Hồ Chí Minh ngay từ đầu xuân mới. Đó cũng là minh chứng thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng đặc biệt của Trung ương Đảng dành cho Thành phố mang tên Bác, với phương châm “TP Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì TP Hồ Chí Minh”. Nghị quyết 31 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ-công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2045, TP Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao...
Ngay sau khi TP Hồ Chí Minh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 31, chúng tôi đã gặp nhà thơ, nhà khảo cứu văn hóa Lê Minh Quốc. Ông là người luôn đau đáu với các giải pháp bảo tồn văn hóa truyền thống của thành phố có bề dày lịch sử 325 năm. Theo nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc, “văn minh”, “hiện đại” là các mục tiêu của kinh tế. “Nghĩa tình” vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện của văn hóa. Muốn xây dựng thành phố nghĩa tình trong xu thế văn minh, hiện đại, phải giữ cho bằng được các giá trị truyền thống đặc trưng, cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Sắc thái khẩn hoang, văn hóa khẩn hoang của người Sài Gòn-Gia Định gắn với văn minh sông nước là nét đặc trưng tiêu biểu. Nó thể hiện sinh động trong đời sống của người dân sông nước, nét sinh hoạt trên bến dưới thuyền của dòng người thương hồ. Liên kết vùng và liên vùng muốn phát triển ổn định, bền vững, phải đặt các mục tiêu về văn hóa ngang hàng, song hành với phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội.
Sau ngày đất nước thống nhất, tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa diễn ra nhanh chóng, toàn diện đã khiến hàng nghìn ki-lô-mét kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh bị biến mất. Đặc trưng sinh hoạt kiểu “trên bến dưới thuyền” của văn hóa thương hồ đã bị thu hẹp. Hàng trăm ki-lô-mét kênh rạch hiện đang bị xâm hại, lấn chiếm, ô nhiễm môi trường. Đây là những thách thức lớn trong hành trình xây dựng, phát triển đô thị văn minh, đặt ra những yêu cầu mới về giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn sắc thái văn hóa sông nước với phát triển kinh tế đô thị. Nghị quyết 31 nhấn mạnh: Coi trọng chỉnh trang không gian, công trình văn hoá bảo đảm giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hoá, thể thao đồng bộ, ngang tầm đô thị lớn...
Khôi phục phong tục văn hóa thương hồ, bảo tồn các sắc thái văn hóa truyền thống sông nước, tái hiện các hình thức văn hóa khẩn hoang... là những hình thức, giải pháp đang được triển khai mạnh mẽ ở TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong dịp vui xuân, đón Tết. Từ những mô hình, chương trình cụ thể, vẻ đẹp và sức hấp dẫn của văn hóa sông nước trở thành một sản phẩm đặc trưng để phát triển ngành công nghiệp không khói ở đầu tàu kinh tế phương Nam.
Ngồi trên bến Bình Đông, “Giang thương hồ” rất hào hứng khi ghe hàng đắt khách. Kiếm được món lời kha khá để có tiền rủng rỉnh đưa Bé Ba đi sắm Tết, vui là đúng rồi. Nhưng việc lớp thanh niên như cậu đang làm để góp phần duy trì nét đẹp của văn hóa thương hồ “trên bến dưới thuyền” trong lòng thành phố mới là điều đáng nói hơn.
Bài và ảnh: NGUYỄN PHAN