80 năm đã trôi qua với bao nhiêu khúc đoạn quanh co, gập ghềnh của thời cuộc, với muôn vàn hy sinh, mất mát không kể xiết của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược để giành lại độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất non sông và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc những người làm việc trong ngành tư pháp cũng như chiến sĩ, đồng bào ta vẫn khắc sâu lời căn dặn của Bác Hồ Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền góp phần thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải yêu nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải tăng cường luật pháp dân chủ, cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn.

leftcenterrightdel

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp họp Phiên toàn thể lần thứ 2, ngày 24-4-2025. Ảnh: QUỐC HỘI 

Trong mối quan hệ với xã hội và cuộc sống của nhân dân thì tư pháp vô cùng quan trọng, nó không chỉ là cơ sở nền tảng để góp phần thực hiện chế độ pháp trị mà còn là nội dung để xây dựng đào luyện đạo đức, nhân cách con người với sợi chỉ đỏ xuyên suốt là lòng yêu nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức. Nền tư pháp nước ta luôn biểu hiện rõ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được hun đúc, bồi đắp qua hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước và cũng mang ý nghĩa nhân văn có tính phổ quát của nhân loại. Nhìn lại, chúng ta thấy rất rõ điều đó, từ Hiến pháp đầu tiên được soạn thảo và thông qua năm 1946 đến Hiến pháp năm 1959 rồi Hiến pháp năm 1980 của nước ta đều đã đi cùng lịch sử bi tráng của dân tộc. Hành trình đó đi từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm được kết thúc bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu" đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược với Đại thắng mùa xuân 1975 giành lại độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất non sông. Cho tới bây giờ là các bản Hiến pháp trong công cuộc dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Mùa xuân năm 2025, khi cả nước đồng lòng, đồng sức xác định quyết tâm bước vào kỷ nguyên phát triển mới, thì vấn đề tư pháp càng tỏ rõ ý nghĩa rất quan trọng và càng xác quyết vai trò, vị trí không thế thiếu của ngành tư pháp nói chung, mỗi cán bộ, nhân viên trong ngành tư pháp nói riêng. Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: Công tác xây dựng pháp luật có vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt cơ hội, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển chăm lo cho nhân dân. Để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển mới; sớm hoàn thành các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra. Mục tiêu đó là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngành tư pháp Việt Nam, trước hết phải thấm nhuần sâu sắc tinh thần đó để cùng toàn Đảng, toàn dân biến những mục tiêu ấy thành hiện thực. Để cho chế độ ta đang xây dựng thực sự là chế độ của dân, do dân, vì dân. Một nền tư pháp khoa học và cách mạng, truyền thống và hiện đại lấy nhân dân làm trung tâm, hết sức minh bạch và công tâm mới là nền tảng vững bền và động lực mạnh mẽ thúc đẩy được công cuộc dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình còn rất nhiều phức tạp, đầy thách thức như hiện nay.

leftcenterrightdel
 Ngoài thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị, Vùng 5 Hải quân còn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Ảnh: NGUYỄN VĂN ĐỊNH

Đất nước đang chuyển động mạnh mẽ, một cuộc biến đổi hết sức táo bạo và mới mẻ. Đó là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị được xác quyết là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đây là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng việc xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của Tổ quốc trong kỷ nguyên phát triển mới. Đó là việc xây dựng mô hình chính quyền 3 cấp được xác định rất cần thiết và khách quan để đất nước ta khỏi bỏ lỡ cơ hội phát triển nhanh, mạnh. Mô hình chính quyền 3 cấp là một định hướng rõ ràng với mục tiêu bỏ cấp huyện (trung gian) và sáp nhập một số tỉnh theo đúng tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra: Một định hướng lớn, mang tầm chiến lược, bước đột phá về thể chế chuẩn bị cho tầm nhìn trăm năm phát triển.

Không thể nói khác được, trong bước chuyển động mạnh mẽ của đất nước, ngành tư pháp phải tích cực tháo gỡ những “điểm nghẽn” về pháp lý, mau chóng đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí bấy lâu nay được hoạt động trở lại để thực hiện cơ chế “sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật”. Tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật cần được khắc phục sửa chữa để nền pháp lý Việt Nam thực sự thông thoáng, có hiệu lực và hiệu quả cao. Xây dựng pháp luật luôn có ý nghĩa then chốt để nắm bắt cơ hội, khơi thông, huy động các nguồn lực to lớn cho sự phát triển đất nước và chăm lo đời sống hạnh phúc của nhân dân. Sự đổi mới trong công tác lập pháp phải dựa trên thực tiễn phát triển của đất nước, những điểm nghẽn, nút tắc do luật pháp gây ra cần được tháo gỡ, khơi thông.

Pháp luật luôn lấy thực tiễn xã hội làm thước đo về hiệu lực, hiệu quả. Đó không phải là những con chữ khô khan nằm trong văn bản mà là tinh thần và hành động của 100 triệu người để tạo nên tính thống nhất, sự đoàn kết của một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia. Và muốn đoàn kết, muốn thành công phải có một nền pháp lý tiên tiến phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Đương nhiên, hiến pháp và các văn bản mang tính pháp luật khác không phải nhất thành bất biến mà có thể được sửa đổi hay thay thế theo hoàn cảnh thực tiễn. Tuy nhiên, mục đích cao cả của nó là không được xa rời con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta và Bác Hồ đã lựa chọn và để thực hiện tốt nhất quyền làm chủ thiêng liêng của mỗi người dân. Nền pháp lý ấy phải thể hiện được nguyện vọng chính đáng của nhân dân như một nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng mà Đảng ta đã cam kết với lịch sử. Đó là vấn đề của đời sống, là vấn đề của con người được “bảo hiểm” bằng Tư pháp.

80 năm nay, những người làm công tác tư pháp vẫn không quên lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước, nhân dân giao phó. Lịch sử đã sang trang mới với những thử thách mới, hy vọng mới, niềm tin mới, ngành tư pháp chắc chắn sẽ vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hòa nhịp cùng chuyển động lịch sử “một ngày bằng hai mươi năm” của dân tộc để dựng xây nên đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác Hồ kính yêu.

HOÀNG THANH MAI