Trong định hướng cải cách tổ chức bộ máy, Đảng và Nhà nước nhấn mạnh yêu cầu xây dựng mô hình tổng thể của hệ thống chính trị, tổ chức lại các đơn vị hành chính theo hướng ít tầng nấc, rõ chức năng, tránh trùng lặp và loại bỏ trung gian không cần thiết. Mỗi cơ quan cần đảm nhiệm nhiều việc nhưng mỗi việc phải có một chủ thể chịu trách nhiệm rõ ràng, khắc phục triệt để tình trạng lạm quyền, né tránh trách nhiệm.
Từ kiểm soát sang kiến tạo
Một trong những bước đột phá quan trọng là sự thay đổi căn bản trong tư duy làm luật. Nếu trước đây pháp luật chủ yếu mang tính chất kiểm soát, điều chỉnh hành vi thì hiện nay, pháp luật được nhìn nhận như một công cụ để kiến tạo không gian phát triển, khơi thông nguồn lực xã hội, bảo đảm quyền tự do và quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Từ Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến các phát biểu chỉ đạo tại Quốc hội, sự thống nhất quan điểm trong Đảng về đổi mới tư duy lập pháp ngày càng rõ rệt. Pháp luật phải trở thành một nền tảng thúc đẩy sáng tạo, hỗ trợ hội nhập quốc tế và tạo lập môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, tiên liệu được. Theo đó, yêu cầu đổi mới không chỉ dừng lại ở kỹ thuật lập pháp mà còn bao gồm việc thay đổi cách tiếp cận, từ “luật để quản lý” sang “luật để kiến tạo”.
    |
 |
Cảnh sát biển tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ảnh: THU THẢO
|
Trong bối cảnh ấy, một thách thức lớn đặt ra là làm sao để các văn bản pháp luật không chỉ “đúng” về mặt kỹ thuật mà còn “trúng” về mặt xã hội-tức là thực sự khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế và thúc đẩy được thay đổi tích cực trong hành vi cá nhân cũng như thể chế. Để đạt được điều đó, việc tiếp cận quá trình lập pháp dưới lăng kính xã hội học pháp luật là không thể thiếu.
Mô hình ROCCIPI (viết tắt của Rule-Opportunity-Capacity-Communication-Interest-Process-Ideology) là một khung phân tích hiện đại được sử dụng trong nhiều quốc gia nhằm đánh giá và thiết kế chính sách pháp luật theo cách toàn diện hơn. Mô hình này chỉ ra rằng hiệu quả của một quy phạm pháp luật không chỉ phụ thuộc vào nội dung văn bản mà còn phụ thuộc vào các điều kiện thực thi: Từ năng lực của người áp dụng pháp luật, khả năng truyền thông chính sách, cho đến lợi ích và động cơ hành vi của các chủ thể có liên quan.
Nếu một đạo luật được xây dựng mà không tính đến cơ hội thực thi (opportunity), năng lực của hệ thống hành chính (capacity), sự thấu hiểu của người dân (communication), hoặc bị chi phối bởi lợi ích cục bộ (interest) và quá trình ban hành thiếu sự tham vấn (process), thì ngay cả khi luật có mục tiêu tốt đẹp cũng dễ rơi vào tình trạng “luật trên giấy”.
Chính vì vậy, đổi mới lập pháp trong giai đoạn hiện nay không thể chỉ dừng lại ở cải tiến kỹ thuật soạn thảo hay ngôn ngữ quy phạm, mà cần đi sâu vào đổi mới tư duy nền tảng. Luật pháp phải xuất phát từ thực tiễn xã hội, phản ánh những vấn đề xã hội đang đặt ra và đồng thời thúc đẩy xã hội vận động theo hướng tích cực. Đây là điều kiện để pháp luật không chỉ đi sau mà còn dẫn dắt thực tiễn, hiện thực hóa vai trò kiến tạo như Đảng ta đã xác định.
Cải cách lập pháp song hành cùng công cuộc cải cách hành chính
Từ khi đổi mới đến nay, hệ thống pháp luật nước ta đánh dấu bước chuyển mình sâu sắc qua 3 thế hệ. Thế hệ thứ nhất (1986-1995) pháp luật tái lập trật tự pháp lý trong giai đoạn chuyển đổi. Trong bối cảnh đất nước chuyển mình từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống pháp luật Việt Nam ở giai đoạn này mang tính “phục hồi” và “thiết lập lại trật tự”. Trọng tâm là khắc phục tình trạng “phi luật hóa” kéo dài trước đổi mới-nơi mà các quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ kinh tế, gần như diễn ra ngoài khung pháp lý chính thức. Pháp luật được xây dựng nhằm thiết lập các nguyên tắc cơ bản cho nền kinh tế nhiều thành phần, bảo đảm quyền sở hữu, quyền kinh doanh, các loại hình doanh nghiệp và các cơ chế quản lý nhà nước trong bối cảnh hoàn toàn mới. Ở giai đoạn này, pháp luật chủ yếu mang tính định hình, thăm dò và có vai trò “hợp pháp hóa” những thay đổi mang tính cải cách ban đầu.
Bước sang thế hệ thứ hai (1995-2013), pháp luật chuẩn hóa và hội nhập. Khi Việt Nam chính thức tham gia các tổ chức kinh tế khu vực và toàn cầu như ASEAN, AFTA, WTO..., yêu cầu đặt ra cho hệ thống pháp luật là phải chuẩn hóa, bảo đảm tính tương thích với các điều ước và chuẩn mực quốc tế. Giai đoạn này chứng kiến sự bùng nổ về số lượng luật và văn bản dưới luật, thể hiện nỗ lực “luật hóa” toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, do chịu áp lực hội nhập nhanh, hệ thống pháp luật bắt đầu bộc lộ những điểm nghẽn về tính đồng bộ, khả năng thực thi và tình trạng luật ủy quyền tràn lan. Dù vậy, đây là thời kỳ quan trọng giúp Việt Nam xây dựng được khung pháp lý nền tảng cho nền kinh tế thị trường hiện đại và từng bước tiếp cận các giá trị của nhà nước pháp quyền.
Thế hệ thứ ba (từ 2013 đến nay), pháp luật kiến tạo và hội nhập sâu. Dựa trên nền tảng của Hiến pháp năm 2013-bản hiến pháp đầu tiên đặt vấn đề về quyền con người và quyền công dân một cách đầy đủ, nhất quán, hệ thống pháp luật Việt Nam đang bước vào giai đoạn “kiến tạo”. Ở thế hệ này, pháp luật không chỉ nhằm điều chỉnh hành vi mà còn đóng vai trò mở đường cho phát triển. Trọng tâm là xây dựng môi trường pháp lý tiên liệu được, ổn định, thân thiện với đổi mới sáng tạo và bảo đảm quyền tiếp cận công lý thực chất. Đây cũng là giai đoạn mà yêu cầu về tính minh bạch, khả thi và trách nhiệm giải trình của pháp luật được đề cao hơn bao giờ hết.
Đồng thời, tư duy lập pháp chuyển mạnh từ “kiểm soát” sang “khơi thông”, từ “quản lý” sang “đồng hành và thúc đẩy”. Sự tích hợp các nguyên tắc phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội cho thấy một bước nhảy vọt về chất trong tư duy thể chế. Mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa giờ đây đang dần được thể hiện qua từng thiết kế pháp luật cụ thể-lấy quyền con người làm trung tâm, lấy phát triển làm phương tiện và lấy hiệu quả xã hội làm thước đo. Nghĩa là luật đã dần cân đối được giữa “tự do” và “điều chỉnh”.
Song hành với cải cách lập pháp là công cuộc cải cách hành chính, được Đảng xác định là khâu đột phá chiến lược. Mục tiêu không chỉ là giảm biên chế hay đầu mối tổ chức mà sâu xa hơn là xây dựng một bộ máy tinh gọn, vận hành hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và đặt người dân làm trung tâm phục vụ.
Tư duy cải cách hành chính hiện đại đòi hỏi phải “pháp lý hóa” bộ máy công quyền: Mỗi cơ quan phải có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng; mỗi vị trí công vụ phải được định danh pháp lý với trách nhiệm rành mạch; các cơ chế phối hợp và kiểm soát quyền lực phải được thể chế hóa một cách đầy đủ và minh bạch.
Cải cách tổ chức bộ máy do đó không còn là việc nội bộ hành chính mà là một phần không thể thiếu trong tiến trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền. Bộ máy chỉ có thể mạnh nếu được xây dựng dựa trên nền pháp lý vững chắc, minh bạch và có khả năng thích ứng trước các biến động của xã hội.
Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: Cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa giải phóng toàn bộ sức sản xuất và nguồn lực xã hội. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu: Luật cần ngắn gọn, đúng thẩm quyền Quốc hội, không luật hóa các nội dung điều hành cấp dưới.
Thông điệp cải cách đã được xác lập rõ ràng từ cấp cao nhất của Đảng: Cải cách tổ chức bộ máy và đổi mới pháp luật không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên phát triển mới-kỷ nguyên của sáng tạo, dân chủ và hiện đại hóa.
Để thực hiện thành công tầm nhìn này, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp: Hoàn thiện cơ chế phân định thẩm quyền lập pháp-hành pháp; đổi mới tư duy lập pháp, từ kiểm soát sang kiến tạo; củng cố vai trò của Quốc hội trong quá trình lập pháp; thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật; đơn giản hóa ít nhất 30% thủ tục hành chính; xây dựng cơ chế giám sát công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình.
Cải cách pháp luật và bộ máy hành chính hiện nay không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển, mà là điều kiện tiên quyết để xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực chất, hiện đại và hiệu quả. Tư duy pháp luật kiến tạo cùng bộ máy hành chính tinh gọn, minh bạch và có trách nhiệm không chỉ giúp nâng cao năng lực quản trị quốc gia mà còn khơi dậy các nguồn lực xã hội, bảo đảm quyền con người, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hội nhập sâu rộng. Khi pháp luật thực sự vì dân, và bộ máy thực sự vì dân phục vụ, thì cải cách sẽ trở thành động lực nội sinh bền vững cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới.
GS, TS NGUYỄN QUỐC SỬU