Nhắc đến cũ, chợt nhớ một câu chuyện cũ. Ấy là trong cuộc tiếp xúc cuối cùng với nhà văn Sơn Nam vào đầu năm 2008, khi chúng tôi hỏi ông, ai sẽ là truyền nhân thay thế vị trí Sơn Nam trong làng văn, ông nói, ông thuộc tạng người cũ. Nếu có một người như Sơn Nam, thời nay khó lấy vợ lắm! Còn bút lực, ông thể hiện hết vào tác phẩm rồi. Có bao nhiêu sách cũng đã xuất bản hết. Người mới, đến sau, ai kế thừa được cái gì quý cái đó...
Sơn Nam không chỉ là nhà văn nổi tiếng, ông còn là nhà nghiên cứu văn hóa hàng đầu ở Nam Bộ. Đóng góp lớn của ông trong lĩnh vực này là hàng chục công trình khảo cứu văn hóa Sài Gòn-Nam Bộ. Ông được tôn vinh là nhà Sài Gòn học, nhà Nam Bộ học. Sáng tác gắn với khảo cứu nên trong các tác phẩm văn học của ông, chất khảo cứu, tư liệu lịch sử rất đậm nét. Các công trình khảo cứu được thể hiện bằng bút pháp văn học nên rất hấp dẫn. Đọc văn Sơn Nam, công chúng sẽ cảm nhận, tác giả là một người uyên bác, hào hoa, phong trần, lịch lãm, hào phóng, trượng nghĩa...
Kỳ thực thì vẻ bề ngoài chỉ đúng một nửa. Sơn Nam sở hữu bộ óc uyên bác, mang tâm hồn trượng nghĩa, hào sảng đúng chất người Nam Bộ. Nhưng bao nhiêu tinh túy, hào hoa, lịch lãm, ông dành hết cho tác phẩm. Đời thường, Sơn Nam là một ông già gầy gò, nhỏ thó, xù xì, gương mặt khắc khổ, mang mặc đơn giản đến mức tuềnh toàng, áo quần nhăn nhúm, đi dép tổ ong... Việc ăn uống của ông cũng tối giản. Mỗi bữa một đĩa cơm “bụi”, thức ăn chỉ một miếng, hoặc sườn nướng hoặt thịt kho, trứng chiên... kèm vài lát cà chua, dưa leo (dưa chuột). Xong! Người đàn bà bán cơm “bụi” vỉa hè ở đầu con hẻm bé xíu gần thư viện quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) rành khẩu vị của khách quen đến nỗi, mỗi lần nhà văn ra ăn cơm, bà lấy trúng phóc nhu cầu của ông mà không cần hỏi hôm nay ông ăn gì? Sơn Nam tối giản đến mức, trong căn phòng bé xíu, nằm sâu hun hút trong con hẻm, tài sản chỉ có cái giường bé xíu và cái bàn cũng bé xíu không kém, dùng để sách báo. Hết! Không nồi niêu soong chảo, không chén đĩa, gạo cơm... Đó, đơn giản chỉ là nơi ông về trú ngụ, ngả lưng vào buổi tối. Hằng ngày, ăn uống phó thác cho bà bán cơm “bụi” vỉa hè. Mỗi tháng trả tiền một lần.
Viết và đọc ở thư viện quận Gò Vấp. Mấy cô thủ thư dành riêng cho nhà văn một góc phòng. Hằng ngày, Sơn Nam đến đó. Cuốn sách nào đang đọc dở, bản thảo nào đang viết dở, khi ông ra về, thư viện đóng cửa, mọi thứ trên cái bàn ấy cứ y nguyên. Để sáng mai, mọi thứ lặp lại với hình ảnh và điệp khúc quen thuộc ấy. Cái khác, chỉ người có tâm để ý mới thấy. Đó là tập bản thảo trên cái bàn ấy mỗi ngày lại dày hơn, mảnh giấy bìa đánh dấu trang cuốn sách đọc dở cũng thay đổi theo từng ngày. Cuối năm, lịch làm việc của nhà văn bận rộn chả khác gì một ngôi sao làng giải trí. Các báo đặt bài, các đài phỏng vấn. Liên tục. Tất cả đều diễn ra ở cái bàn trong góc phòng thư viện. Trừ những lúc các đoàn làm phim phải kéo ông đi quay ngoại cảnh. Sơn Nam nhiệt huyết, nhiệt tình. Nguồn năng lượng sáng tạo bên trong thân hình gầy gò, nhỏ thó, khắc khổ ấy cứ dào dạt như nước sông Sài Gòn vào cữ triều cường.
Sơn Nam thường viết chuyện cũ, nói chuyện cũ. Chuyện các dòng người khai khẩn. Chuyện Nam Bộ thuở hồng hoang. Chuyện các vị vua ăn Tết ở Sài Gòn. Chuyện về dòng kênh có nhiều cá sấu. Chuyện về những con sông bị lấp, nay đã thành phố, thành đường. Chuyện về tiếng rao, tiếng gõ lách tách của gánh hàng rong. Chuyện tô hủ tiếu, bát bánh canh. Và cả chuyện tiếng muỗi kêu như... tiếng sáo... Tất cả đều hào sảng. Tất cả đều rổn rảng. Tất cả đều hào hiệp, trượng nghĩa. Và tất cả đều... hay! Sơn Nam làm cố vấn văn hóa cho rất nhiều phim, cả phim tài liệu, phim điện ảnh và phim truyền hình về đề tài lịch sử đất và người Sài Gòn-Nam Bộ.
Cuối đời, ông để lại tác quyền toàn bộ tác phẩm văn chương, khảo cứu và hệ thống bản thảo các tác phẩm mới cho Nhà xuất bản Trẻ. Tri ân nhà văn, Nhà xuất bản Trẻ đã xây dựng mô hình Tủ sách Sơn Nam. Ông khởi bút bằng tập truyện ngắn “Chuyện xưa tích cũ” (1958) và gác bút bằng tập truyện ngắn “Hương quê” (2002). Mở đầu và kết thúc đều gắn với quê kiểng. Sống và viết ở thành phố sôi động, năng động nhất cả nước gần trọn đời người, nhưng Sơn Nam vẫn là một “ông già đi bộ” vĩ đại. Ông không biết sử dụng bất cứ loại phương tiện giao thông hiện đại nào.
Sơn Nam như một biểu tượng hiện thân của văn hóa Nam Bộ-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Bên trong con người đơn sơ, tối giản ấy là một tầm cao trí tuệ, một chiều sâu văn hóa uyên bác, một năng lượng dồi dào, một gia tài tác phẩm đồ sộ. Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, tương tự: Bên cạnh những hình ảnh, biểu tượng văn minh, hiện đại của phố xá là những điều giản dị, gần gũi...
|
|
Bến Bạch Đằng, địa danh gắn liền với lịch sử khai khẩn, kháng chiến của Sài Gòn, nay đã trở thành công viên giải trí hiện đại ở TP Hồ Chí Minh. |
Hướng tới kỷ niệm 15 năm ngày mất của “ông già đi bộ”, “ông già Nam Bộ” Sơn Nam (2008-2023), dông dài chuyện cũ về một người xưa cũ để nhắc lại những giá trị không bao giờ cũ. Độ lùi của thời gian càng xa, càng sâu thì những giá trị ấy càng có sức sống mạnh mẽ. Đó là dòng chảy của văn hóa. Văn hóa là tinh hoa đọng lại sau khi những thứ khác đã bị thay thế hoặc mất đi. Nó kết thành sợi dây tinh thần xâu chuỗi dòng thời gian thành công trình, thành di sản, thành nguyên khí và linh khí của đất và người qua các thế hệ.
Ở TP Hồ Chí Minh hiện nay, rất nhiều sự nghiệp đồ sộ của văn hóa và trí tuệ đều được hình thành, nuôi dưỡng, phát triển từ những con người bình dị và đơn giản kiểu như Sơn Nam. Sự nghiệp thi ca không thể không nhắc đến một người thơ-thi sĩ Bùi Giáng. Ông giống Sơn Nam ở sự tối giản, tuềnh toàng. Người đời gọi Bùi Giáng là nhà thơ “điên”. Gần nửa thế kỷ nương tựa vào một tình yêu đơn phương, Bùi Giáng để lại cho đời một gia tài thơ với một chất thơ nửa tỉnh nửa mê, nửa đời thực nửa siêu phàm, nửa trần tục nửa bồng lai... Và ở giữa khoảng dùng dằng ấy là một giá trị thơ, một giá trị nhân văn, một tầm cao văn hóa minh triết. Sự nghiệp từ nguyên, học thuật, không thể không nhắc đến học giả An Chi. Ông có công lớn trong hành trình sưu tra, khảo cứu các từ nguyên gắn với từng địa danh của Sài Gòn từ thời khai khẩn và thuộc Pháp. Nhiều thuật ngữ văn hóa cổ là đề tài tranh luận chưa có hồi kết của giới nghiên cứu, đã được ông luận giải dựa trên những luận cứ khoa học thuyết phục về địa lý, lịch sử, phong tục...
Những con người bình dị có sự nghiệp văn hóa to lớn ấy, đều đã lần lượt ra đi. Họ trở thành người cũ theo cách nói khiêm nhường của chính họ, dù với người mới, đến sau, tấm gương và bóng dáng của tiền bối luôn là những ngọn đèn sáng. Thời gian lùi càng xa, đèn càng tỏ. Kế thừa sự nghiệp và niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo của các tiền bối, một thế hệ văn sĩ, học giả mới đã và đang định hình giá trị mới. Một trong số đó là nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Minh Quốc. Những năm gần đây, Lê Minh Quốc cho ra đời nhiều bộ sách biên khảo văn hóa Sài Gòn tạo tiếng vang lớn. Với thái độ trân quý, tri ân các bậc hiền tài, Lê Minh Quốc lựa chọn góc tiếp cận của một nhà thơ. Anh không chuyên sâu về học thuật, mà đi tìm bản ngã của nhân vật, bản chất của sự kiện để dựng chân dung nhân vật, tái hiện lịch sử bằng bút pháp biên khảo văn học. Hành trình đi về miền cũ, gặp tích xưa, sống với cảm thức xưa cũ, Lê Minh Quốc đã tìm được những “viên ngọc” nguyên sơ đang bị bụi thời gian phủ vùi trong không gian khẩn hoang. Anh đánh thức nó bằng ngôn ngữ hiện đại. Lê Minh Quốc là người đau đáu ý tưởng về một bảo tàng khẩn hoang, đưa lịch sử khẩn hoang, văn hóa khai khẩn làm chất liệu cho phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa. Các lễ hội, không gian văn hóa ẩm thực đã và đang được tổ chức như một sản phẩm du lịch hút khách vào dịp Tết đến xuân về ở TP Hồ Chí Minh hiện nay, lấy văn minh khai khẩn làm chất liệu văn hóa, lấy hương vị khẩn hoang làm chất liệu ẩm thực... được thực hiện từ chính tư duy ấy.
Hàng chục nghìn ki-lô-mét kênh rạch đã bị san phẳng. Hàng nghìn héc-ta đồng hoang, rừng ngập nước đã bị san lấp. Hình ảnh về một Sài Gòn khẩn hoang đã biến mất. Nay chỉ còn lại ở một vài địa điểm bảo tồn sinh thái. Thay vào đó là những khu đô thị hiện đại, những tòa nhà chọc trời, những biệt thự, căn hộ hạng sang. Tốc độ phát triển của văn minh công nghiệp, đô thị hóa, hiện đại hóa diễn ra nhanh chóng, toàn diện và quy luật ấy vẫn tiếp diễn, mỗi ngày một nhanh hơn, hiện đại hơn, toàn diện hơn. Chọn lựa cái gì để gìn giữ, níu giữ từ những cái cũ buộc phải thay đổi, phải bỏ đi, phải thay thế bằng cái mới... là câu chuyện của văn hóa, thái độ văn hóa, cách làm văn hóa. Bên cạnh các thiết chế văn hóa về bảo tàng, bảo tồn, cần có những con người hiện thân của các giá trị văn hóa.
Người cũ hay người mới cũng trên một hành trình ấy. Tri ân và trân trọng!
Bài và ảnh: PHAN NGUYỄN