Trung tuần tháng 7-2023, tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh nghĩa tình là một đặc trưng văn hóa rõ nét của TP Hồ Chí Minh, là sức mạnh nội sinh để thành phố thực hiện mục tiêu văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Phẩm chất nghĩa tình của người Sài Gòn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh được kế thừa từ phẩm chất, truyền thống tốt đẹp yêu nước, thương người của dân tộc ta đã được kết tinh qua nhiều thế hệ. Người Sài Gòn-Gia Định thấm nhuần và thể hiện sinh động, sâu sắc phẩm chất nghĩa tình ấy trong hành động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), nghĩa tình của người Sài Gòn-Gia Định là nghĩa khí trong đấu tranh, không chịu khuất phục, kiên cường chống lại ngoại xâm. Điều đó đã được lịch sử chứng minh. Ngay từ ngày đầu thực dân Pháp nổ súng đánh thành Gia Định, người Gia Định không yếu hèn, nhu nhược như bè lũ phong kiến cầm quyền, mà quyết đi theo những danh tướng và nghĩa binh yêu nước, khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm, như: Nguyễn Tri Phương, Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực.

Nghĩa tình của người Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định còn là nghĩa khí đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách nơi trung tâm sào huyệt của kẻ thù qua nhiều thời kỳ, hết thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ; họ chấp nhận hy sinh, bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ Đảng, chở che những người cộng sản, đấu tranh đến cùng với kẻ thù. Nghĩa khí ấy đã làm nên truyền thống của Đảng bộ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh là: Thương dân, trọng dân, gắn bó với dân, dựa vào dân, vì cuộc sống tự do, hạnh phúc của dân mà chiến đấu, hy sinh.

leftcenterrightdel

Hội Chữ thập đỏ phường 2, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo tại địa phương. Ảnh: NAM LONG 

Nghĩa tình đã trở thành đặc trưng trong văn hóa ứng xử, trong tư duy hành động của người TP Hồ Chí Minh và cũng là động lực quan trọng tạo nên sự đồng lòng, hiệp lực, nhất là trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Phẩm chất nghĩa tình của nhân dân luôn đồng hành với sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, thể hiện trong mọi hoạt động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Hoạt động nổi bật trong nhiều năm qua của TP Hồ Chí Minh là phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Ngược dòng lịch sử, giai đoạn 1979-1985, cùng với những khó khăn của cả nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, TP Hồ Chí Minh gặp muôn vàn thiếu thốn, nhất là ở vùng ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ...

Các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh vì thế cũng gặp nhiều khó khăn về kinh tế, điều kiện sinh hoạt, nơi ở. Theo hồi ký của đồng chí Mai Chí Thọ, nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, giai đoạn này, lãnh đạo thành phố trăn trở, bàn bạc và đi đến thống nhất chủ trương phải huy động nguồn lực để hỗ trợ người nghèo. Cụ thể hóa chủ trương này, tháng 2-1982, Huyện ủy, UBND huyện Củ Chi kiến nghị Thành ủy, UBND thành phố cho phép vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay chăm lo đối tượng chính sách, người có công. Xét thấy đây là cách làm mới mang tính khả thi cao, lãnh đạo thành phố đã chấp thuận, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Với trách nhiệm, tình cảm và tâm huyết, đội ngũ cán bộ lãnh đạo huyện Củ Chi ra sức vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ hộ nghèo, người có công. Từ căn nhà tình nghĩa đầu tiên được Công ty Sửa chữa nhà (Sở Nhà đất TP Hồ Chí Minh lúc bấy giờ) xây dựng, trao tặng gia đình thương binh Đào Văn Của (ấp Phước Hòa, xã Phước Hiệp), sau một thời gian ngắn, 150 căn nhà tình nghĩa đã hoàn thành và được trao tặng đến thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, Anh hùng LLVT nhân dân. Trải qua 41 năm, đến nay nhiều căn nhà tình nghĩa đầu tiên ấy vẫn còn đó, dù đã được sửa sang, nâng cấp. Tuy không rộng, không đẹp như nhà tình nghĩa hiện nay, nhưng thời điểm đó căn nhà tình nghĩa tặng thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công thuộc diện sang. Bởi vậy, hiện nay nhiều gia đình luôn giữ gìn căn nhà cẩn thận để hạn chế xuống cấp và dù tu sửa, mở rộng nhưng vẫn cố giữ một phần căn nhà như một kỷ niệm trân quý trong suốt cuộc đời.

Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng chăm lo, TP Hồ Chí Minh đã nhân rộng phong trào xây nhà tình nghĩa nhằm cải thiện chỗ ở cho người có công với cách mạng. Nhiều hoạt động được tổ chức sôi nổi giúp phong trào lan tỏa khắp các quận, huyện. Hàng nghìn căn nhà tình nghĩa nhanh chóng mọc lên trong niềm vui không chỉ của người nhận mà của cả những nhà hảo tâm chung sức cùng cộng đồng tri ân đối tượng chính sách.

Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, TP Hồ Chí Minh còn hàng vạn hộ nghèo, thiếu đói, chưa có chỗ ở ổn định. Phong trào xây nhà tình thương được khởi phát, triển khai với căn nhà đầu tiên được trao tặng bà Lê Thị Ú, xã Phước Hiệp (Củ Chi) vào năm 1998. Đồng chí Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Giai đoạn 1997-2001, thành phố đã chuyển mình mạnh mẽ nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Lãnh đạo thành phố chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc thương binh, gia đình chính sách, hộ nghèo nên huy động được rất lớn sức người, sức của. Chỉ 3 năm sau, đã có hơn 6.500 căn nhà tình thương ra đời giúp cho người có công, hộ nghèo bớt khó khăn về nhà ở".

Khởi phát từ những căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, theo thời gian, đến nay phong trào thiện nguyện ở TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện đa dạng các mô hình, chương trình, cách làm hiệu quả như: Mái ấm tình thương; tấm vé nghĩa tình cho công nhân xa quê; tiếp sức người lao động; thắp sáng ước mơ tuổi trẻ; hoa phượng đỏ; mùa hè xanh; đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp; nông dân khá giúp đỡ nông dân nghèo; tết làm điều hay vì nông dân nghèo; vì nụ cười trẻ thơ...

Hay, các hoạt động hiến máu nhân đạo, tặng thẻ bảo hiểm y tế, tặng xe lăn cho người khuyết tật, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, triển khai bữa cơm dinh dưỡng cho người già neo đơn, trợ giúp gia đình nạn nhân chất độc da cam... Thông qua hoạt động của các đoàn thể, tổ chức xã hội, người dân thành phố đã đóng góp vật chất, công sức để xây dựng hàng chục nghìn nhà tình nghĩa, tình thương; chăm lo đời sống các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công, người già yếu, neo đơn.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Đến thời điểm này, thành phố đã thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 và các chính sách hỗ trợ, chăm lo thương binh, bệnh binh, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó kết quả nổi bật là hỗ trợ vay vốn; xây dựng, sửa chữa nhà tình thương, nhà tình nghĩa; cấp phát thẻ bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí và giải quyết việc làm cho các đối tượng chính sách".

Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 6-2023, TP Hồ Chí Minh còn 39.380 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với 155.747 nhân khẩu; trong đó có 21.313 hộ nghèo, với 83.096 nhân khẩu (chiếm 0,84%) và 18.067 hộ cận nghèo với 72.651 nhân khẩu (chiếm 0,71%). Dự kiến đến cuối nhiệm kỳ này, thành phố chỉ còn 3.303 hộ nghèo (chiếm 0,13% so với tổng hộ dân thành phố); tỷ lệ hộ nghèo giảm được 1,36% (từ 1,49% xuống còn 0,13%), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra.

Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho nhân dân nói chung, gia đình chính sách, người có công nói riêng tiếp tục được thành phố thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực. Điểm nổi bật là, tất cả hoạt động nghĩa tình đều được các giới, các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân thành phố nhiệt tình hưởng ứng. Đây cũng là nét văn hóa đặc trưng của người TP Hồ Chí Minh hào sảng, nghĩa hiệp, nặng nghĩa, nặng tình, hết lòng giúp đỡ người nghèo và tri ân công lao của những người đã cống hiến, hy sinh vì dân, vì nước".

CHÂU GIANG