Tất cả đều thấy gần gũi, yêu thương biết nhường nào. Bảy năm vui buồn cùng nhịp sống trên Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, tôi đã hiểu nhiều về cái nghĩa, cái tình của đất và người Sài thành. Trải qua những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh luôn giữ được phong thái của một đô thị khát khao đổi mới và phát triển. Có lẽ đó là cái “chất” độc đáo, để thành phố gieo vào lòng người sự ngưỡng mộ, quý trọng và thân thương.

Có người nói phẩm chất nghĩa tình của người Sài Gòn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh là được kế thừa từ tinh thần yêu nước, thương người, là phẩm chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kết tinh qua nhiều thế hệ. Điều này quả không sai một chút nào. Ngay từ thời “mang gươm đi mở cõi”, những lưu dân đã kết nối lại với nhau, rồi sinh sôi, nảy nở, sống hiền hòa với vùng sông nước, trái cây, để tạo ra một phẩm chất “bình dân Nam Bộ”, chân chất, vị tha, trọng nghĩa khinh tài, hào sảng, phóng khoáng. Chính những phẩm chất tốt đẹp ấy đã hòa quyện vào không gian và thời gian của Sài Gòn-Gia Định, thể hiện sinh động cái nghĩa, cái tình đặc trưng của Nam Bộ nói chung, mảnh đất Sài thành nói riêng. Nó lại càng thể hiện sâu sắc khi có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo cách mạng, để hôm nay chúng ta có một TP Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng, thành phố của sự sáng tạo khiến ai đã đến đây đều phải thán phục.

Trong những năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nghĩa tình, yêu thương của người Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn là kiên quyết chiến đấu giữ đất, giữ người, không chịu khuất phục trước ngoại bang. Những danh tướng như Nguyễn Tri Phương, Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực đã kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh chống lại giặc Pháp khi chúng nổ súng tàn phá quê hương, giết người vô tội. Từ khi có Đảng, nhân dân Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn lại đoàn kết bên nhau, không sợ hy sinh gian khổ, chiến đấu chống thực dân, đế quốc để bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ tổ chức đảng, bảo vệ những người cộng sản. Họ cùng các chiến sĩ biệt động thành, Quân Giải phóng chiến đấu ngoan cường, góp phần làm nên Chiến dịch Mậu Thân 1968 oai hùng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

leftcenterrightdel
TP Hồ Chí Minh đón đoàn khách quốc tế đầu tiên trong năm 2019.

Nghĩa tình, yêu thương của người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh là nghĩa khí đấu tranh với những bất công, lạc hậu và trì trệ; là năng động, sáng tạo để vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng thành phố to đẹp, đàng hoàng hơn, hội nhập với quốc tế nhanh chóng và vững chắc hơn. Nói như đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, thì chính tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí vươn lên mạnh mẽ và sự sáng tạo vượt bậc, đã hình thành nên giá trị nghĩa tình, yêu thương của TP Hồ Chí Minh hôm nay.

Những năm qua, nhất là trong năm 2019, các phong trào: Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xóa đói giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài, bảo vệ an ninh Tổ quốc, cứu trợ, từ thiện... ở TP Hồ Chí Minh đã thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng và có sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ trong xã hội. Thành phố đã xây dựng hàng ngàn nhà tình nghĩa, nhà tình thương; chăm lo các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách, có công với cách mạng.

Là địa phương khởi xướng Phong trào “Xóa đói giảm nghèo”, TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo hết mình cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bằng những phong trào thiết thực, hiệu quả là: “Chung tay vì người nghèo”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Giảm nghèo bền vững”... cùng các việc làm cụ thể, như: Cho vay vốn làm ăn, hỗ trợ về con giống và vật nuôi, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm... hiện thành phố chỉ còn hơn 3.700 hộ nghèo (chiếm 0,19% dân số). Thành tích ấn tượng này đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân thành phố.

Trong dịp Tết Dương lịch 2020, rất nhiều bà con Việt kiều trên khắp thế giới đã và đang trở về TP Hồ Chí Minh đón chào năm mới.  Họ được chào đón nồng nhiệt, với tình cảm thân thương nhất từ khi bước xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Bà Huỳnh Thị Tố Trinh, Việt kiều từ Pháp trở lại thành phố sau hơn 30 năm xa cách, xúc động: “Tôi cứ ngỡ như mình đang mơ. Thành phố giờ to đẹp, hiện đại quá. Tôi được mọi người đón tiếp, hướng dẫn rất nhiệt tình”.  Còn anh John Nguyễn, một doanh nhân trẻ về từ nước Mỹ lại ấn tượng với những tủ bánh mì miễn phí bên đường, những hộp cơm nhân đạo ở bệnh viện, hay những điểm sửa xe, quán ăn miễn phí cho người nghèo. Anh nhận xét: “Những việc làm nghĩa tình ấy đang làm lay động con tim bao người. Tôi sẽ mang những hình ảnh đẹp đó kể cho bà con Việt kiều và người dân Mỹ”.

Những năm qua TP Hồ Chí Minh còn chia sẻ, giúp đỡ nhiều tỉnh, thành phố khác với tinh thần “Vì cả nước, cùng cả nước”. Tình nghĩa ấy được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố thể hiện bằng những việc làm cụ thể: Cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt; sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh bạn khi gặp khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, xây dựng trường học, bệnh viện, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chương trình văn hóa, nghệ thuật... Hiện TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội với 36 địa phương trong cả nước. Tình cảm sâu nặng ấy làm cho thành phố càng trở nên gần gũi, thân thương trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không thể cắt nghĩa hết những tình cảm mà TP Hồ Chí Minh đã và đang dành cho mọi người và cho mọi miền đất nước. Nhưng tôi tin chắc rằng, với các phong trào: “Tặng vé về quê ăn Tết cho sinh viên, người lao động nghèo”, “Tết sum vầy, Tết yêu thương”, “Tết hướng về biển đảo Tổ quốc”... trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý tới đây, chúng ta càng cảm nhận rõ hơn nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền và quân-dân TP Hồ Chí Minh. Thông qua các phong trào đó, Tết Canh Tý sẽ có hàng ngàn sinh viên, công nhân nghèo được về quê ăn Tết, hàng ngàn người lao động sẽ được vui xuân, đón Tết với những phần quà ý nghĩa và các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo sẽ cảm thấy TP Hồ Chí Minh gần gũi, thân thương với mình.

Tết Canh Tý đang đến rất gần. Tôi đã thấy những nụ mai chúm chím, phố phường cũng được thay áo mới bằng những giàn hoa đèn lấp lánh, những khẩu hiệu rực rỡ, những chậu hoa, cây cảnh đẹp mắt...; cùng với đó là những chương trình chăm lo Tết cho đối tượng chính sách, người có công đang được tích cực triển khai... Đó cũng là cách thể hiện sự văn minh, hiện đại và cái nghĩa, cái tình mà thành phố đã dày công xây dựng, vun đắp. 

Bài và ảnh: LÊ CÚC