1
Ông bà mình từ xa xưa đã đúc kết “Ngũ thập tri thiên mệnh”! Nghĩa là, khi con người ta vào tuổi năm mươi thì có thể hiểu được “mệnh trời”. Tôi đã ngoài năm mươi, chả biết mình hiểu được “mệnh trời” bao nhiêu, nhưng sống ở thành phố đông dân, sôi động nhất cả nước hơn một phần tư thế kỷ, ít nhiều cũng cảm thấu được cốt cách con người và sắc thái vùng đất mang đặc trưng đô thị sông nước. Và, ở độ tuổi trung niên, chẳng hiểu sao lại có thiên hướng kết giao với những người thích “sống chậm”, những người “muôn năm cũ”! Thực ra, ấy là cách nói khiêm nhường. Kỳ thực, với họ, tuy mỗi người mỗi vẻ, nhưng đều có điểm chung là luôn đau đáu tìm cách để níu giữ, để bảo tồn những nét đẹp phong tục mang tính hồn cốt. Họ như sợi dây của cánh diều, như mảng màu sậm trong bức tranh nhiều sắc độ sáng, như nốt nhạc trầm trong bản giao hưởng rộn ràng... Nhiều người ví họ như là những “sứ giả” của văn hóa truyền thống. Để nhận ra họ giữa đô thị mười mấy triệu dân, không khó, nhưng cũng chẳng dễ. Không khó, nếu ta biết họ, có cơ hội cùng trải nghiệm phong cách “sống chậm” của họ để cảm nhận, cảm thấu, và đôi khi là cả sự cảm thông nữa. Bởi “sống chậm” nên họ không thích phô trương, màu mè, càng không muốn gây sự chú ý trên không gian mạng. Họ lặng lẽ cống hiến theo cách của mình. Rồi, khi ta cảm thấu được những việc họ làm, mới thấy rõ sự cần thiết phải trân quý việc làm của họ, những sản phẩm lao động họ cống hiến cho xã hội...
Nhưng, chẳng dễ để nhận ra họ, nếu ta bàng quan, nếu ta cứ vồi vội, vô tình bước qua những khoảng lặng ấy rồi lẫn vào đám đông. Thành phố này thú vị lắm! Khi bạn ngán ngẩm vì triều cường dâng ngập lối đi, bạn sẽ thấy mênh mông cảm thức chỉ có ngập và ngập. Khi bạn mệt mỏi vì đường về nhà kẹt cứng kiểu “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, bạn sẽ có cảm giác chỉ thở thôi cũng mệt. Nhưng nếu bạn bình tĩnh, nhẫn nại với cảnh chen chúc trên đường buổi tan ca, bạn cống hiến hết mình cho công việc và dành những khoảng thời gian thư thái để “sống chậm”, thả hồn theo chiều gió dọc bờ sông Sài Gòn, thả lỏng cơ thể cho ý nghĩ bay vút lên ngọn tháp Landmark 81, bạn sẽ thấy hiếm có nơi nào đáng yêu như nơi bạn đang sống...
2
Thành phố này đã trải qua hơn 325 năm hình thành và phát triển. So với vùng đất ngàn năm văn hiến nơi trái tim đất nước, nó vẫn được coi là thành phố trẻ. Nhưng lịch sử hơn 3 thế kỷ hành trình khai khẩn, lập ấp, xây dựng đô thị, đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành độc lập, thống nhất đất nước, hội nhập quốc tế... đã ngưng tụ nơi đây một nền văn hóa đa sắc. Nền văn hóa ấy là sự giao thoa, tiếp biến, chưng cất những giá trị đặc sắc của các dòng người muôn phương, đi qua nhiều thế hệ.
Từ thuở khẩn hoang, mỗi dòng người một phong cách, mỗi dân tộc một sắc thái, theo sông nước về đây tụ hội, đã dựa vào nhau, giúp đỡ nhau, đoàn kết yêu thương nhau vượt qua gian khổ, hy sinh để cùng sinh tồn và phát triển. Họ biết gạt bỏ đi những định kiến, hủ tục, biết dung hòa sự khác biệt để tạo nên tính thống nhất trong đa dạng, tạo sức mạnh chiến thắng kẻ thù xâm lăng, bảo vệ giang san, quốc thổ. Những dòng chảy và sự hấp thu, ngưng đọng ấy cứ tiếp tục không ngừng từ đời này qua đời khác.
Thế hệ trẻ hôm nay cũng vậy, trong tinh khôi màu áo học trò là sự đa thanh về giọng nói, đa dạng về ngôn ngữ, đa sắc về phong cách đến từ các vùng quê trong cả nước và các quốc gia, vùng lãnh thổ toàn cầu. Noi theo tiền nhân, khi là một nhân tố của đời sống xã hội ở thành phố này, họ biết dung hòa sự khác biệt để tạo nên tính thống nhất trong đa dạng. Các lễ hội văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây thường lấy chủ đề “Thành phố của chúng ta” chính là vì thế. Ai đến đây cũng là một phần của thành phố. Thành phố bao dung, ôm ấp tất cả nhưng thành phố này cũng rất khắt khe với những ai không thuộc về nó. Giá trị của lịch sử truyền thống và văn hóa phong tục chính là cái trục, là cái cột trụ của muôn vạn vòng quay. Dựa vào đó, bám vào đó, níu giữ cho thật chắc ở đó chính là cách để bạn trở thành công dân của đô thị sông nước đang vươn tầm thành thành phố thông minh, đô thị thông minh. Và trong bộn bề vòng quay ấy, những nhân tố nổi trội của tầng lớp tinh hoa đã và đang nhận mình “sống chậm” giống như là những sợi dây, những mắt xích gắn kết mạch nguồn văn hóa cộng đồng...
3
Những người “muôn năm cũ”, họ là ai?
Xin bạn đọc chớ vội vàng trách cứ tác giả vì cứ mải mê dẫn dắt dông dài. Chậm đi vài nhịp để ngẫm, để nghĩ trước khi đến với nhau, âu cũng là học cách ứng xử của người xưa, chứ “Đi đâu mà vội mà vàng/ mà vấp phải đá mà quàng phải dây”... Lời khuyên ấy, ông bà mình từ xa xưa đã truyền khẩu để nhắc nhở cháu con trong hành vi, phép ứng xử hằng ngày.
Người hay dùng cách nói dân gian để truyền tải thông điệp về văn hóa dân tộc, về lịch sử, con người vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh đến với đông đảo công chúng là nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Cụ Tư là một điển hình của người “muôn năm cũ”, không chỉ bởi cụ là bậc cao niên nhất trong giới cầm bút ở TP Hồ Chí Minh hiện nay, mà cái chính là giữa nhịp sống phồn hoa, nhộn nhịp của thành phố thông minh, cụ vẫn giữ vẹn nguyên nếp nhà, đậm chất “chân quê”. Đã 103 tuổi nhưng cụ Tư vẫn anh minh, mẫn tiệp, sức viết và cường độ làm việc vẫn khiến những người cầm bút trong độ tuổi sung sức nhất phải ngả mũ thán phục. Cụ vừa hoàn thành công trình biên khảo đồ sộ “Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử”, gồm hai tập, được thực hiện ròng rã suốt 20 năm qua.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, đơn vị giữ vai trò là “bà đỡ” cho các tác phẩm, công trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư rất xúc động khi kể về những ngày làm sách của cụ. Chị gửi cho chúng tôi nhiều hình ảnh thay cho lời giải thích, rằng cụ Tư là một nhân cách lớn, sống khiêm nhường, giản dị. Mỗi lần cụ đến NXB làm việc về bản thảo, chị Thủy đều lặng lẽ ghi lại hình ảnh một cách tự nhiên để làm tư liệu. Xem những bức ảnh cụ già tuổi bách niên mang mặc giản dị, đi xe ôm, đeo túi xách đựng bản thảo đến NXB, thấy cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, thân ái, giàu tình nghĩa biết bao. Nhiều người bày tỏ mong muốn cho xe ô tô đưa đón cụ, nhưng cụ cười hiền từ, lắc đầu mà rằng: Mình còn khỏe, còn tự lo được cho bản thân thì không nên phiền đến người khác. Vả lại, đi xe ôm cũng là cách để tạo điều kiện việc làm, thu nhập cho những người khó khăn. Khi xuất hiện ở các sự kiện văn hóa, hội sách, cụ Tư thường chọn trang phục áo dài khăn đóng, như là một lời nhắn nhủ đến thế hệ con cháu, hãy luôn biết trân quý truyền thống văn hóa dân tộc.
Học giả An Chi cũng là một nhà nghiên cứu mang phong cách tương đồng với cụ Nguyễn Đình Tư. Dù ít tuổi hơn, là thế hệ đàn em của cụ Tư, nhưng học giả An Chi lại là người rời xa “cõi tạm” trước người anh mà ông rất trân quý. Học giả An Chi mất ngày 12-10-2022. Khi còn sống, ông dành nhiều tình cảm yêu mến cho anh em cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Mỗi lần thực hiện các đề tài về văn hóa, địa chí, ngôn ngữ... Sài Gòn-Nam Bộ, chúng tôi đều tìm đến ông. Tự nhận mình là người “sống chậm”, không gian sống của ông, từ cánh cổng, mái ngói rêu phong, nền gạch cũ, cây quạt, cái vại sành, chum nước, khóm cây rậm rì bên ban công... cho đến cách mang mặc, chải tóc, dáng ngồi, cách nói chuyện... đều rặt chất Nam Bộ và hoài cổ. Gia tài lớn nhất trong ngôi nhà của ông, nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh là sách và các thiết chế văn hóa liên quan đến sách. Ông đọc nhiều, nghiên cứu sâu, am tường triết học, văn hóa kim cổ đông tây...
Sở dĩ phải gợi nhắc về học giả An Chi khi nói đến nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, bởi cả hai tên tuổi lớn trong giới cầm bút, có đóng góp vô cùng quan trọng cho sự nghiệp nghiên cứu, biên khảo lịch sử văn hóa của vùng đất Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh đều là những người tự học mà thành tài. Cả hai nhà nghiên cứu đều không có học hàm giáo sư, phó giáo sư, cũng không có bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ gì cả, nhưng đều được hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư, phó giáo sư, trí thức trẻ ở Thành phố mang tên Bác tôn kính gọi bằng thầy. Bởi, đại đa số công trình nghiên cứu, luận án, luận văn... của họ về đề tài lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ... đều phải dựa vào các bộ sách, công trình nghiên cứu, biên khảo đồ sộ của bậc tiền bối.
4
Tre già, măng mọc! Khi các bậc cao niên tuổi cao, sức yếu, lần lượt về với thế giới người hiền, thì giới cầm bút xuất hiện những “truyền nhân”. Một trong những người xuất sắc là nhà thơ, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc. Anh từng có quãng đời thanh xuân gắn bó với chiến trường biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Sau khi “chinh chiến” qua nhiều lĩnh vực làm báo, viết văn, làm thơ, phê bình văn học... Lê Minh Quốc chuyển qua công tác nghiên cứu văn hóa, thực hiện các công trình biên khảo về những bậc hiền nhân kiệt xuất của vùng đất Sài Gòn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh. Lấy nhân vật làm nhân tố trung tâm để làm nổi bật các sự kiện lịch sử là phong cách nghiên cứu, biên khảo của Lê Minh Quốc. Mỗi khi xuất hiện trước công chúng, anh thường mặc trang phục cựu chiến binh. Rời quân ngũ đã lâu, nhưng cái chất Bộ đội Cụ Hồ thì không bao giờ phai nhạt. Phẩm chất cốt lõi ấy giúp anh nhiệt huyết và giàu năng lượng trong hành trình sáng tạo, nghiên cứu.
Còn nhiều những con người “muôn năm cũ” trong giới trí thức, văn nghệ sĩ rất đáng trân quý như thế, nhưng khuôn khổ một bài báo không thể kể hết được!
Thành phố này đáng yêu vô cùng!
Ở đâu và lúc nào trong nhịp sống hối thúc, hối hả của môi trường số, bạn cũng có thể bắt gặp những con người mang tư chất ấy. Sáng cuối tuần, khi tôi đang ngồi trước máy tính gõ bài này thì có việc phải xuống phố. Vừa chạy xe ra khỏi con hẻm thân quen thì gặp một ông lão mù, khoác một cái túi đựng đầy nhang, vừa đi vừa thổi sáo. Tôi dừng lại dúi vào tay ông tờ tiền 10.000 đồng. Ông lão mù dừng lại, chìa cái túi ra: “Cậu lấy đi, mỗi bó 10.000 đồng”! Tôi nói, cháu không mua nhang, chỉ cho ông thôi! Ông lão mù đứng chắp tay mà rằng: “Cậu mua nhang thì tôi cảm ơn cậu. Còn nếu cậu cho thì tôi xin từ chối. Cậu để dành cho người nào hoàn cảnh khó khăn hơn. Tôi còn làm việc được, còn kiếm được tiền từ việc bán nhang”. Tôi móc ví lấy ra tờ 10.000 đồng nữa và nhẹ nhàng lấy hai bó nhang!
Đấy! Cách nghĩ của ông lão mù có lẽ không ít người cho rằng nó không cần thiết, nhất là với những người đang cực nhọc mưu sinh. Nhưng nếu bạn chậm lại vài nhịp để ngẫm, để nghĩ thì mới thấy, đời sống xã hội sẽ đẹp hơn rất nhiều khi mỗi người có những hành động đẹp từ chính lòng tự trọng của mình.
Tùy bút của NGUYỄN THANH GIANG