Dù ngắm cảnh ở đâu, du khách đều cảm nhận được cái chất Nam Bộ trên từng hàng dừa, rừng cây, giọng nói, câu hò, hay sự tráng lệ của các tòa nhà, dãy phố ven sông. Tuy nhiên, nhiều tiềm năng, lợi thế của sông nước nơi đây vẫn chưa được đánh thức hết, nhất là vận tải đường thủy...

 Phát triển giao thông đường thủy

Với hơn 1.000km đường thủy, trong đó nhiều tuyến đường sông, đường biển đã được khai thác vận chuyển hành khách, phát triển du lịch, nhưng giao thông thủy ở TP Hồ Chí Minh vẫn như ăn xổi. Nhiều chuyên gia kinh tế đã nói rằng: Nếu giao thông đường thủy ở TP Hồ Chí Minh dày và quy củ hơn nữa, kết nối chặt chẽ với các cảng cạn, với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, thì sẽ góp phần rất lớn để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đầu năm 2021, khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát, tuyến phà từ Cần Giờ đi TP Vũng Tàu đã được khai thông. Du khách sau khi đi tham quan Cần Giờ chỉ mất 30 phút là có thể sang ngắm cảnh, thưởng thức các món ăn ở Bãi Trước, Bãi Sau của thành phố biển Vũng Tàu xinh đẹp (trước đây đi bằng ô tô phải mất hơn 3 giờ đồng hồ). Cùng với đó, người dân ở các tỉnh: Long An, Tiền Giang muốn đi qua Vũng Tàu cũng có thể di chuyển từ huyện Cần Giuộc (Long An) qua tuyến phà Cần Giờ-Cần Giuộc và đến Vũng Tàu mất khoảng 2 giờ 30 phút (tính cả thời gian chờ đợi trên các tuyến phà). Nói thì mừng vậy, nhưng trên thực tế các tuyến phà này đi lại cũng còn nhiều trắc trở về thời gian, luồng lạch, nhất là lưu lượng phương tiện đi lại lộn xộn, dễ bị cản trở và mất an toàn giao thông. Điều trăn trở cần phải tháo gỡ là quy hoạch và đầu tư như thế nào mới mang lại hiệu quả kinh tế cao?

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra thứ tự “4 ưu tiên” để phát triển giao thủy. Trước khi thực hiện “4 ưu tiên” thì cần phát triển tuyến xe buýt điện hoạt động ở khu vực huyện Cần Giờ, tạo sự kết nối với tuyến phà biển Cần Giờ-Vũng Tàu. Khi có tuyến xe buýt này, người dân và du khách sẽ di chuyển dễ dàng đến nơi được ví như “lá phổi xanh của thành phố”. Tại đây, mọi người có điều kiện tham quan rừng ngập mặn với những địa danh lịch sử như: Rừng Sác, khu du lịch biển, các nhà nuôi chim yến, nuôi trồng hải sản, chợ hải sản... trước khi tiếp tục khám phá vẻ đẹp của TP Vũng Tàu.

Ưu tiên thứ nhất để phát triển giao thông thủy là đầu tư các tuyến liên kết khu Đông thành phố kết nối với khu bến trên sông Đồng Nai và các tuyến kết nối tới cảng biển Hiệp Phước, Nhà Bè. Khi các bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách, kết hợp du lịch trên sông Sài Gòn từ ngã ba Đèn Đỏ (huyện Nhà Bè) đến ranh giới rạch Vĩnh Bình (tiếp giáp tỉnh Bình Dương) được xây dựng, sẽ là cung đường lý tưởng để vận chuyển hàng hóa bằng tàu thuyền và phục vụ du khách ngắm cảnh sông nước. Tiếp đó là ưu tiên xây dựng tuyến đường thủy nội địa vành đai phía trong theo sông Sài Gòn-sông Vàm Thuật-rạch Bến Cát-sông Trường Đai-kênh Tham Lương-rạch Nước Lên-kênh Đôi-kênh Tẻ-sông Sài Gòn (dài khoảng 30km). Sau đó ưu tiên xây dựng tuyến đường thủy vành đai phía ngoài theo sông Sài Gòn-rạch Tra-kênh xáng An Hạ-kênh Lý Văn Mạnh-sông Chợ Đệm-Bến Lức-sông Cần Giuộc-rạch Bà Lào-rạch Sông Tắc-rạch Trau Trảo-rạch Chiếc-sông Sài Gòn với tổng chiều dài gần 109km. Cuối cùng là ưu tiên xây dựng các tuyến vận tải hành khách, kết hợp du lịch đường thủy.

“4 ưu tiên” này hy vọng sẽ tạo ra đột phá trong phát triển giao thông đường thủy ở TP Hồ Chí Minh thời gian tới đây. Nó cũng góp phần phát triển hệ thống ICD (cảng cạn) mới theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, hiện đại hóa vận tải đa phương thức logistics, tạo ra chuỗi vận chuyển thông minh, kết nối với các cảng biển, cảng hàng không, ga đường sắt, các cửa khẩu, khu công nghiệp-khu chế xuất... để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội sau này của thành phố.

Tăng tính kết nối

Cách đây hơn 2 năm, khi tuyến buýt đường sông số 1 được khai trương, nhiều người hy vọng nó sẽ góp phần đáng kể để giảm tải cho giao thông đường bộ và thúc đẩy hoạt động du lịch sông nước ở TP Hồ Chí Minh lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, số hành khách hầu hết là người thích đi ngắm cảnh, du lịch, còn người có nhu cầu đi lại để làm việc thì rất ít. Đến nay, các bến của tuyến buýt đường sông này vắng hoe, để lại nỗi niềm đau đáu cho những con tàu và nhân viên phục vụ.

leftcenterrightdel

  Các loại tàu hàng tại cảng Tân cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh).  Ảnh: PHÚ HƯNG

Thật ra, người dân làm việc ở TP Thủ Đức hay quận 1 đều muốn đi lại bằng đường thủy cho bớt tắc đường, kẹt xe. Nhưng khổ nỗi là quãng đường mà họ đến được bến tàu lại quá gian nan. Chị Hồng Nhung, nhà ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức chia sẻ: “Đi làm trên tuyến buýt đường sông là điều rất thú vị, vừa được ngắm cảnh và xả tress, vừa không kẹt xe. Nhưng từ nhà tới bến Bình An có khi phải mất 20-30 phút vì kẹt xe, đến công ty dễ bị muộn giờ làm việc”. Trên thực tế, loại hình giao thông buýt sông là phương án tốt cho hoạt động đi lại của người dân, nhưng ở TP Hồ Chí Minh lại chưa được kết nối đồng bộ với mạng lưới giao thông đường bộ. Thế rồi các bến cũng chưa được xây dựng hoàn thiện, nên khó lôi kéo hành khách khỏi các loại phương tiện như: Taxi, xe buýt hay các phương tiện cá nhân...

Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và môi trường TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của tuyến buýt đường sông số 1. Chẳng hạn như điều chỉnh một số tuyến xe buýt trên bộ để kết nối với bến tàu; thuê đất để làm các bến quy củ; tăng thêm các dịch vụ để phục vụ hành khách... Hy vọng với những cố gắng đó, tuyến buýt đường sông số 1 sẽ có nhiều hành khách lựa chọn, làm cơ sở để phát triển thêm những tuyến buýt đường sông mới sau này.

Động lực để kinh tế thành phố phát triển mạnh mẽ

Tiềm năng sông nước ở TP Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở việc vận chuyển hành khách, phục vụ du lịch, mà quan trọng hơn cả là phải đầu tư hệ thống cảng biển, cảng sông xứng tầm để phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy. Khi hàng hóa bằng đường thủy được khai thông, sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, giảm áp lực cho giao thông đường bộ. Khi ấy, sẽ giảm cảnh tắc đường và tai nạn giao thông do các “hung thần” container gây ra.

Khai thác tốt tiềm năng vận tải hàng hóa bằng đường thủy chính là cách chia sẻ sự quá tải với đường bộ, tạo ra sức hấp dẫn từ các doanh nghiệp logistics và phát triển thêm nhiều tuyến du lịch tới Bình Dương, Tây Ninh và các tỉnh miền Tây... Đã có lần TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP Hồ Chí Minh cho rằng: Nếu đầu tư tốt, hệ thống đường thủy ở TP Hồ Chí Minh sẽ đưa được các tàu lớn nhỏ vào các cảng của mình. Khi ấy, sức hấp hấp về đầu tư nước ngoài và giao thương hàng hóa sẽ là động lực để kinh tế thành phố phát triển mạnh mẽ”.

Đầu tháng 9 vừa qua, tôi được rong ruổi bằng ca nô cùng các chiến sĩ biên phòng TP Hồ Chí Minh trên sông Sài Gòn và một số kênh rạch lớn. Khỏi phải nói là cảm xúc dâng trào và háo hức tới mức nào. Nhìn những con tàu container dài như chiếc tàu sân bay, chở đầy ắp các công hàng trên lưng ra vào cảng Tân cảng Cát Lái, mà cứ ước ao chúng nối với nhau hàng dài, tấp nập hơn nữa đi vào hệ thống cảng ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, hay xuôi xuống Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang...

Nghe nói tới đây sẽ có hàng loạt sản phẩm du lịch sông nước ở TP Hồ Chí Minh được mở ra. Chẳng hạn như tuyến buýt Bạch Đằng-quận 7; Thanh Đa-Bình Quới và tuyến Bạch Đằng-Bình Dương-Củ Chi. Tiếp đó là tuyến TP Hồ Chí Minh-Côn Đảo có thể khai thác trong năm 2024, hay tuyến TP Hồ Chí Minh-Gò Công Đông (Tiền Giang) sẽ mở ra sức hấp dẫn mới cho du lịch sông nước. Bao tín hiệu vui ấy sẽ làm cho các câu chuyện của những dòng sông, dòng kênh ở thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu thêm lôi cuốn và say đắm lòng người. Nó cũng góp phần để thành phố tươi đẹp rạng ngời và phát triển rực rỡ trên con đường hiện đại, thông minh và hội nhập sâu rộng, vững chắc của mình.

Ghi chép của LÊ PHI HÙNG