Gắn liền với đó là hàng trăm cây cầu lớn nhỏ. Những cây cầu không chỉ có chức năng giao thông, nó còn là di sản văn hóa, chứng tích lịch sử, là thiết chế kiến trúc độc đáo làm sáng đẹp đô thị hiện đại, văn minh...

1

Thời điểm này, đến TP Hồ Chí Minh, hỏi cây cầu nào đẹp nhất, chắc chắn phần đông người dân sẽ gọi tên cầu Ba Son (tên gọi cũ là cầu Thủ Thiêm 2) bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 1 và TP Thủ Đức. Là một trong những cây cầu dây văng hiện đại bậc nhất cả nước, được xây dựng sau, lại nằm ở vị trí có tầm quan trọng đặc biệt về giao thông, lịch sử, kiến trúc đô thị... nên ngay từ khi hình thành ý tưởng, dự án này nhận được sự quan tâm to lớn của các cấp lãnh đạo, các chuyên gia văn hóa, lịch sử, giới kiến trúc sư trong nước và quốc tế. Vì tính chất quan trọng đó, TP Hồ Chí Minh đã mời các chuyên gia, doanh nghiệp uy tín chuyên về cầu đường của quốc tế tham gia tư vấn thiết kế, thi công. Mẫu thiết kế do Công ty tư vấn thiết kế WSP (Phần Lan) thực hiện đã được lựa chọn. Phần thi công do nhà thầu Freyssinet (Pháp) liên danh với các nhà thầu trong nước thực hiện. Cầu được khánh thành vào ngày 28-4-2022, lấy tên là cầu Thủ Thiêm 2. Đến ngày 14-6-2023, thực hiện nghị quyết của HĐND TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã tổ chức lễ gắn biển, chính thức đổi tên cầu Thủ Thiêm 2 thành cầu Ba Son.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, bậc đại thọ trong giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa ở TP Hồ Chí Minh rất tâm đắc khi cây cầu dây văng đẹp nhất thành phố được mang tên Ba Son. Ông cho rằng, tên gọi Ba Son không chỉ vì khu vực này trước đây có cảng Ba Son mà còn bởi Ba Son là cái nôi của phong trào công nhân kháng Pháp, gắn với công lao to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Cây cầu mang tên Ba Son mang ý nghĩa tri ân, tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai...

Nằm trong chuỗi kiến trúc đô thị gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, công trình lịch sử ở bờ sông Sài Gòn bên phía trung tâm thành phố, cầu Ba Son là điểm nhấn kiến trúc nổi bật của quần thể văn hóa liên hoàn. Đây là khu vực kết nối hàng loạt công trình, địa danh, di tích lịch sử văn hóa quan trọng từ Bến Nhà Rồng, cầu Khánh Hội, Công viên Bến Bạch Đằng, bến tàu du lịch, tàu cao tốc, di tích Cảng Ba Son, cột cờ Thủ Ngữ, Đại lộ Võ Văn Kiệt, Bảo tàng Tôn Đức Thắng... Dọc tuyến giao thông huyết mạch cả đường bộ và đường thủy này đã được quy hoạch, triển khai các dự án trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng mới các công trình hiện đại. Đây cũng là khu vực thường xuyên diễn ra các sự kiện, lễ hội quy mô lớn về văn hóa, du lịch của thành phố. Gần nhất là lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh có sự tham dự của đông đảo du khách quốc tế và trong nước. Khu vực này hiện nay là một trong những trọng điểm của mô hình kinh tế đêm, gắn kết các dịch vụ, sản phẩm du lịch sông nước, giải trí, khám phá, trải nghiệm văn hóa Sài Gòn-Nam Bộ...

Kể từ khi thông xe, cầu Ba Son nhanh chóng trở thành điểm tham quan, check-in hấp dẫn của người dân và du khách, nhất là giới trẻ. Ban đêm, đứng từ Công viên Bến Bạch Đằng nhìn lại, thân cầu được trang bị hệ thống chiếu sáng nghệ thuật rực lên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. Hệ thống dây văng từ đỉnh trụ cầu hình rồng nghiêng về phía bờ Thủ Đức, như một loại nhạc cụ dân tộc khổng lồ tạc lên nền trời, in bóng xuống mặt sông Sài Gòn loang loáng ánh đèn. Phía xa xa là hình ảnh tòa nhà chọc trời Landmark 81 và khu đô thị hiện đại Vinhomes. Lòng sông Sài Gòn về đêm vào kỳ nước lớn, các chuyến du thuyền được thiết kế hình rồng, hình cá khổng lồ với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng tạo nên bức tranh đa sắc. Vẻ đẹp sang trọng, lãng mạn của cầu Ba Son và những công trình kiến trúc hiện đại hai bên bờ sông Sài Gòn làm tôn lên nét cổ kính, rêu phong của những công trình cổ với hệ thống đình, chùa và những không gian tín ngưỡng trầm mặc. Với độ cao hàng chục mét so với mặt sông, có không gian hành lang thoáng đãng cho người đi bộ, cầu Ba Son là điểm đến hấp dẫn, lãng mạn của người dân và du khách, nhất là về đêm. Đứng từ hành lang cầu có thể thoải mái phóng tầm mắt bốn phương tám hướng ngắm nhìn thành phố trang hoàng, lộng lẫy dưới ánh trăng, ánh đèn đô thị. Đây là địa điểm lý tưởng để thưởng lãm chương trình thả khinh khí cầu, bắn pháo hoa vào các dịp lễ, tết...

Thân cầu Ba Son mở sáng về đêm bằng sự tích hợp các công nghệ chiếu sáng nghệ thuật, đã tôn lên vẻ đẹp quyến rũ của văn minh sông nước, làm sâu lắng hơn những sắc thái văn hóa truyền thống trên sông Sài Gòn...

leftcenterrightdel
 Vẻ đẹp cầu Ba Son trong ánh bình minh. Ảnh: NGUYỄN TRUNG TRỰC 

2

Dọc tuyến sông Sài Gòn và những dòng kênh chảy xuyên qua thành phố còn có nhiều cây cầu nổi tiếng mang vẻ đẹp hiện đại, như: Cầu Ánh Sao, cầu Thủ Thiêm, cầu Ông Lớn, cầu Khánh Hội, cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2... Đó là những tác phẩm, công trình kiến trúc mang thông điệp, khát vọng của con người Thành phố mang tên Bác trên hành trình đổi mới, sáng tạo, vươn tầm quốc tế. Đặc biệt, ở nhiều cây cầu, sự mở sáng của những thiết chế mỹ thuật, công nghệ chiếu sáng về đêm đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của đô thị đặc trưng sông nước.

Bên cạnh những thân cầu như cánh cung khổng lồ nối đôi bờ sông, kênh, rạch mang vẻ đẹp hiện đại là sự tồn tại của những cây cầu trăm tuổi mang sắc màu, kiểu dáng cổ kính. Nhiều cây cầu đã trở thành di sản văn hóa, là chứng tích của những giai đoạn lịch sử thăng trầm hành trình mở mang, khai khẩn, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của các thế hệ con người Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh. Nét trầm mặc, rêu phong của những cây cầu di sản như sợi dây nâng đỡ cánh diều hiện đại bay cao. Tất cả quyện hòa trong bầu cảm xúc mang tên “TP Hồ Chí Minh-thành phố của chúng ta”, thân thiện, cởi mở, hào phóng, văn minh...

Một trong những cây cầu cổ nhất được bảo tồn gần như nguyên trạng đến ngày nay là cầu Mống, bắc qua kênh Tàu Hủ, nối quận 1 và quận 4. Đây là cây cầu có trụ móng bằng vật liệu kiên cố đầu tiên ở đất Sài Gòn-Gia Định nên tên gọi cầu Mống là cách đọc lệch đi của từ “móng”. Cầu Mống hiện nay là điểm hấp dẫn của du khách, nơi được các cặp uyên ương chọn chụp ảnh cưới với những khuôn hình kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp cổ kính và sắc màu hiện đại của một góc đô thị sông nước.

Có một chi tiết rất thú vị, được giới văn nghệ sĩ đặc biệt yêu thích, tạo cảm hứng sáng tạo những đề tài lịch sử truyền thống vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định xưa, đó là rất nhiều cây cầu được đặt tên theo người có công khai khẩn. Chẳng hạn, cầu Giồng Ông Tố ở TP Thủ Đức được đặt theo tên của cụ Trương Vĩnh Tố, là người đến khu vực này tập hợp bà con đào kênh, vét rạch, mở mang sản xuất từ cuối thế kỷ 17. Cũng có những cây cầu là chứng tích của một câu chuyện lãng mạn, ca ngợi vẻ đẹp đôn hậu, thủy chung của người phụ nữ Sài Gòn xưa. Đó là cầu Thị Nghè bắc qua kênh Nhiêu Lộc ở quận Bình Thạnh. Tài liệu khảo cứu văn hóa Sài Gòn của nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam cho biết: Vào thời kỳ khẩn hoang, vùng đất này có người phụ nữ tên Nguyễn Thị Khánh. Chồng bà thi đỗ tiến sĩ, về làm quan vùng này nên bà được gọi theo chức vụ của chồng là “bà Nghè”. Đầu thế kỷ 18, vì thương chồng mỗi lần đi công cán phải cách trở đò giang và thương người dân đi lại vất vả nên bà Nghè cho xây dựng một cây cầu bắc qua con kênh này. Người dân biết ơn bà, gọi là cầu Bà Nghè, về sau gọi là Thị Nghè và tồn tại cho đến ngày nay...

Cầu Ông Lãnh, cầu Nhị Thiên Đường... và nhiều cây cầu khác có tên gọi tương tự đều bắt nguồn từ những câu chuyện mang ý nghĩa tri ân người có công khai khẩn, đặt nền móng cho công cuộc kiến thiết, xây dựng đô thị mang đặc trưng sông nước mà người Pháp từng ví là “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Kể về những cây cầu cổ không thể không nhắc đến cây cầu được giới chuyên gia sử học, di sản ví như cầu Long Biên (Hà Nội) hay cầu Tràng Tiền (Huế), đó là cầu Bình Lợi. Đây là cầu đường sắt đầu tiên vượt sông Sài Gòn, do người Pháp xây dựng đầu thế kỷ 20. Hiện cầu Bình Lợi đã được bảo tồn để phát triển du lịch.

Những cây cầu mang những cái tên dân dã, rặt chất Nam Bộ, như: Cầu Nước Lên, cầu Cá Trê Lớn, cầu Cá Trê Nhỏ, cầu Chà Và, cầu Lò Gốm, cầu Ba Cẳng... Mỗi cây cầu là một câu chuyện của văn hóa truyền thống, của lịch sử khẩn hoang. Ngày nay, mỗi cây cầu là một điểm đến văn hóa, điểm dừng trải nghiệm của hoạt động du lịch. Trong nhịp sống sôi động, hối hả của đô thị đông dân nhất cả nước, sự hiện diện của hàng trăm cây cầu, vừa cũ, vừa mới, vừa cổ xưa, vừa hiện đại... giống như những cái gạch nối trong dòng cảm xúc. Nó giúp các thế hệ con người níu lại, neo lại, giữ lại những sắc thái của nếp nhà, của “chân quê”, của thái độ tri ân, của đạo làm người.

Nhà nghiên cứu tuổi bách niên Nguyễn Đình Tư nhấn mạnh rằng, lịch sử hơn 325 năm vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh đã chưng cất những nét đẹp tinh hoa phong tục của các tộc người, dòng người muôn phương tìm về tụ hội. Đó là một quá trình phát triển không ngừng, là hành trình giao thoa, tiếp biến, hấp thu, đào thải... của văn hóa. Những cái gì tinh hoa thì ở lại. Những cái gì lỗi thời, cổ hủ, phản văn hóa thì bị đào thải, triệt tiêu. Văn hóa sông nước, văn minh đô thị sông nước làm nên lối sống trượng nghĩa, hào hiệp, phóng khoáng của các thế hệ con người, của các dòng người về đây. Ngày nay cũng vậy, TP Hồ Chí Minh hằng năm vẫn đón một số lượng lớn người từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khắp thế giới; từ các vùng miền trong cả nước đến học tập, khởi nghiệp, sinh sống. Và “nhập gia tùy tục”, muốn thành công, muốn bản thân mình là một phần của thành phố này, bạn phải là một nhân tố tích cực trong dòng văn hóa chủ lưu ấy.

Sông nước ở TP Hồ Chí Minh hôm nay là một phần tất yếu của thiết chế văn hóa, văn minh. Nó không còn là sông nước khẩn hoang. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Nhưng, những dòng sông ấy, những dòng kênh rạch có từ muôn năm cũ ấy, đã, đang và tiếp tục được đánh thức, được cất lên những thanh âm cội nguồn thúc giục thông qua câu chuyện trầm mặc của những cây cầu...

Và vì thế, cho dù là những cây cầu hiện đại mở sáng bằng thành tựu công nghiệp 4.0 hay những trầm tích trong nhịp cầu trăm năm tuổi, đều tự mở sáng bằng những giá trị vĩnh cửu, trường tồn... Đánh thức tiềm năng sông nước, khai mở văn hóa sông nước, phát triển kinh tế sông nước... tất cả đều dựa trên những giá trị ấy.

Và những cây cầu không chỉ giúp ta qua sông. Những cây cầu còn là “sứ giả” của văn hóa sông nước, của văn minh đô thị đặc trưng sông nước...

Ký của THANH KIM