1

Thứ âm thanh “lách ca... lách cách...” ấy, bây giờ không còn nữa. Có chăng, cũng vô cùng hiếm hoi. Sản phẩm công nghệ 4.0 can thiệp vào mọi ngõ ngách của đời sống. Và hàng rong cũng không ngoại lệ. Thay vì phát tín hiệu bằng lời rao hay những thanh âm thủ công truyền thống, bà con mình chỉ cần gắn chiếc loa nhỏ xíu kèm cái bình ắc quy trên chiếc xe đẩy là đã có thể hành nghề. Không cần mỏi miệng chào mời. Khỏi cần múa tay khua nhịp. Tiện lắm! Nhưng, những ai thích hoài niệm thì thấy tiếc. Là bởi, cái thứ âm thanh công nghệ bây giờ, nó cứ một sắc, một màu, nó cứ giống nhau chằn chặn...

Từ bao đời nay, âm thanh quen thuộc của chiếc xe đẩy hủ tiếu gõ đã trở thành một thứ “bùa mê” với nhiều người. Một trong những người yêu thứ âm thanh ấy đến mức si mê là nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam. Ông yêu si mê đến mức dành cả trăm trang viết trong các công trình khảo cứu, sáng tác, dành cả buổi để diễn thuyết về nó với phong cách rổn rảng, với ngôn từ rặt chất Nam Bộ... Người được mệnh danh “Ông già Nam Bộ” đã về với thế giới người hiền 15 năm rồi, nhưng những công trình biên khảo ông để lại cho đời thì vẫn có sức sống mãnh liệt trong dòng văn hóa của đất và người phương Nam. Trong cuộc gặp gỡ cuối cùng với chúng tôi vào cuối năm 2007, ông dành nhiều thời gian nói về hàng rong, nói về những âm thanh “lách ca... lách cách...” đầy mê hoặc ấy. Nghe ông nói mới ngộ dần, hóa ra những thứ ngỡ như rất đơn giản mà có sức mê hoặc ấy, không phải ngẫu nhiên mà có. Nó được hình thành, nuôi dưỡng, tiếp biến từ nền văn hóa khẩn hoang...

Hơn 325 năm trước, vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định mênh mông sông nước, “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”. Những dòng người đi khai khẩn dựng nhà sàn dọc các tuyến sông, kênh rạch, vừa khai hoang lập ấp, vừa săn bắt mưu sinh. Họ sử dụng âm thanh từ các công cụ thô sơ để xua đuổi, săn bắt thú dữ và phát tín hiệu huy động sức người. Lịch sử trải qua bao biến đổi thăng trầm, đời sống kinh tế-xã hội vận động phát triển không ngừng, nhưng những nét đặc trưng từ phong tục tập quán thì luôn được neo lại, chưng cất thành bản sắc, thẩm thấu vào hồn cốt con người qua bao thế hệ.

Âm thanh “lách ca... lách cách...” tôi bắt gặp từ cái đêm mưa lã chã năm xưa, là một biểu hiện sinh động của sắc thái văn hóa ấy. Ban đầu, tôi thương cảm cậu bé mặc chiếc áo mưa mỏng dính đi bán hủ tiếu gõ bởi sự vất vả, cực nhọc. Về sau mới hiểu, để tạo ra thứ âm thanh đặc biệt ấy, người ta phải tập luyện. Dặm đường vất vả mưu sinh chính là thực tế sinh động để người bán hàng rong gửi thông điệp vào tiếng gõ. Chỉ có hai thanh tre (về sau có người sử dụng thanh kim loại), người ta có thể tạo nên thứ âm thanh chả khác gì một loại nhạc cụ. Tiếng “lách  ca... lách cách...” khi nhặt, khi khoan, khi thúc lên như vó ngựa phi nước đại, khi rỉ rả như tiếng chim ban mai ríu rít. Người dân trong các con hẻm, mỗi khi nghe âm thanh quen thuộc ấy là biết người bán còn nhiều hay ít hàng. Nhu cầu ăn đêm đã đành, bà con còn hiểu được nỗi lòng người bán để mà mua ủng hộ. Cái nghĩa cái tình của dân mình nó bình dị mà cao quý vậy đấy!

Hiện nay, ở TP Hồ Chí Minh, nhiều người trong giới văn chương và biên khảo coi nhà thơ, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc như là “truyền nhân” của nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam. Lê Minh Quốc đặc biệt đề cao văn hóa khẩn hoang. Ông cho rằng, muốn phát triển du lịch bền vững, phải nối liền sợi dây văn hóa truyền thống và hiện đại vốn đang bị đứt gãy, mong manh ở nhiều phân đoạn. Xây dựng thương hiệu văn hóa du lịch ở TP Hồ Chí Minh cần nuôi dưỡng những mô hình mang đậm sắc thái khẩn hoang, đặc biệt là văn hóa ẩm thực. Cần có một bảo tàng về văn hóa khẩn hoang để người dân và du khách được trải nghiệm những phong tục đặc trưng văn hóa sông nước. Văn hóa hàng rong là một dấu ấn của văn hóa khẩn hoang. Cách thức quản lý và khai thác nó như thế nào để sắc thái ấy trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, đòi hỏi phải kết hợp nhiều yếu tố...

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 


2

Tôi đã thử một đêm bách bộ dọc đường An Dương Vương ở quận 5, một trong những tuyến đường có số lượng người bán hàng rong đông đúc nhất thành phố. Dọc đường san sát xe đẩy, dậy lên những tiếng rao công nghệ: “Hột vịt lộn, hột gà nướng, bắp xào, hủ tiếu, cháo lòng...”. Chỗ thì bán mang đi. Chỗ thì kê mấy cái bàn, ghế nhựa nhỏ xíu dọc vỉa hè. Đơn giản thế nhưng khách đông. Hỏi chuyện, nhiều người bảo, ban ngày bận công việc, mệt mỏi với tắc đường, kẹt xe, nóng bức, người ta chọn ban đêm để thư giãn, để “sống chậm”. Và ăn đêm bên gánh hàng rong là một lựa chọn phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân. Ngành kinh tế đêm ra đời và phát triển cũng từ nhu cầu thực tế đó. Báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho thấy, nguồn thu các dịch vụ du lịch từ kinh tế đêm đang tăng mạnh, nhất là từ đầu năm 2023 đến nay, trở thành mũi đột phá của ngành du lịch thành phố.

Kinh tế đêm là môi trường thuận lợi của dịch vụ hàng rong. Vì thế, hàng rong nở rộ, bùng phát khắp nơi. Một phần, cũng do đời sống kinh tế khó khăn, một bộ phận không nhỏ người dân mất việc làm, phải tràn ra đường tìm kế mưu sinh. Năm 2021, khi thống kê số người bán hàng rong bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 cần được hỗ trợ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã báo cáo con số này là hơn 70.000 người. Cứ lấy cái mốc này mà suy ra thì số lượng người mưu sinh bằng hàng rong ở thành phố này là không nhỏ. Thực tế này cho thấy, thành phố đang phải ôm vào lòng một khối lượng khủng khiếp như thế nào từ hàng rong.

Thế nên, cứ chỗ nào có hoạt động tập trung đông người là lập tức bị mạng lưới hàng rong bủa vây. Hàng rong chen cứng vỉa hè. Hàng rong tràn ra cả lòng đường gây tắc nghẽn giao thông. Rồi sau khi mãn cuộc vui, công viên, phố xá ngập rác là rác. Hàng rong xả rác. Người ăn vặt xả rác. Khốn khổ nhất là những người làm công tác vệ sinh môi trường. Chị Tư Ngọc, công nhân dọn vệ sinh ở Công viên bến Bạch Đằng cảm thán: “Nếu được đề xuất, chỉ mong chính quyền có biện pháp mạnh, dẹp ngay nạn bán hàng rong tự phát cho tụi tui nhờ!".

Thực ra thì không chỉ có những người như chị Tư Ngọc bức xúc mà gánh nặng môi trường, an ninh trật tự và diện mạo đô thị đã và đang bị ảnh hưởng không hề nhỏ từ hệ lụy, mặt trái của hàng rong. Ngay khu vực chị Tư Ngọc và nhiều người hằng đêm phải còng lưng khua chổi ấy, ngành quản lý trật tự đô thị địa phương đã làm mạnh tay lắm. Nhiều lần chúng tôi chứng kiến cán bộ, nhân viên đeo băng đỏ, sử dụng xe chuyên dụng đi dẹp trật tự. Xe đẩy hàng rong chiếm dụng không gian công cộng bị tịch thu. Mấy năm trước, “cuộc chiến” giành lại vỉa hè được thực hiện rầm rộ ở quận 1, nhưng rồi mọi thứ đâu lại vào đấy. Dẹp hàng rong, chẳng khác gì “đá ném ao bèo”, “bắt cóc bỏ đĩa”.

Từ giao lộ An Dương Vương-Nguyễn Văn Cừ, tôi đi theo một người phụ nữ trung tuổi. Chị tên Hường, người thấp, đậm nên được người thân gọi là chị Tư Ù. Chị Tư Ù quê Bạc Liêu, vợ chồng dắt díu nhau lên TP Hồ Chí Minh, thuê nhà trọ ở quận 8, mưu sinh bằng chiếc xe đẩy bán hàng rong. Sáng, vợ chồng lấy khoai mì (sắn) ở chợ đầu mối đem về chế biến. Cuối giờ chiều thì đẩy xe đi bán, rong ruổi khắp các con đường, hẻm phố, đến khoảng 1 giờ sáng hôm sau thì về. Hôm nào may mắn, bán hết hàng, trừ mọi chi phí, còn lãi được khoảng hơn 300.000 đồng. Chiếc xe hàng rong giúp vợ chồng chị nuôi hai đứa con học đại học, một đứa đã học xong, có việc làm. “Vất vả xíu nhưng làm nghề này vui lắm, được đi khắp nơi, tiếp xúc với nhiều người, đi bộ thay tập thể dục, người khỏe re”-chị Tư Ù cười nói rổn rảng. Khi chúng tôi nói về những mặt trái của hàng rong, chị Tư Ù xua tay: “Mấy người thiếu ý thức, xả rác, lấn chiếm không gian công cộng chắc là họ mới vào nghề, làm ăn kiểu chụp giựt, chớ như tụi tui, hành nghề gần 20 năm nay, chữ tín là quan trọng lắm. Đây nè, rác rưởi tui cho vô đây hết”. Chị Tư Ù nói và chỉ cho chúng tôi xem cái túi may bằng bao tải treo bên thành xe đẩy. Rác rưởi chị cho vô đó, đến chỗ nào có thùng rác thì bỏ vô. Chị nói, nhiều khi đi trên đường, thấy rác, chị cũng nhặt để bỏ vô thùng.

Đấy là văn hóa! Cách hành xử ấy, nó hình thành theo thời gian và thói quen chứ không phải cứ nói là được. Ở thành phố này, có những gia đình bốn đời bán hàng rong. Họ coi đó là duyên nghiệp. Chẳng hạn chiếc xe bán cháo lòng phía đầu một con hẻm ở phường Tân Định (quận 1), có tuổi đời đã hơn 50 năm. Cô Hai Nguyệt và cô Hai Xuân, dù đã lấy chồng về quận Tân Bình, nhưng vẫn nối nghiệp gia truyền, tối đến lại tất tả về đây cùng gia đình bán cháo lòng. Bao nhiêu năm rồi, từ thời con gái đến giờ vẫn thế...

Bên gánh hàng rong không chỉ là kế mưu sinh, nó còn là “sứ giả” của hoài niệm, của những sắc thái văn hóa Nam Bộ. Nó được chưng cất, sàng lọc, ngưng tụ từ sự đào thải gắt gao của thời gian và đời sống xã hội.

Trong đô thị văn minh, không ai có thể chấp nhận sự nhếch nhác, nhốn nháo, mất trật tự an ninh từ tình trạng chèo kéo, bủa vây của hàng rong. Nhưng, thành phố này sẽ đơn điệu lắm, tẻ nhạt lắm nếu thiếu đi những sắc thái đầy chất hoài niệm từ gánh hàng rong. Xử lý những bất cập, hạn chế, yếu kém của hàng rong, vì thế, không chỉ cứ ra quân xua đuổi, tịch thu phương tiện vi phạm, và lại càng không thể dung túng cho những hành vi lấy cớ xử phạt người vi phạm để moi tiền của người bán hàng rong như một số trường hợp hy hữu bị phát giác vừa qua. Nó cần được kết hợp với những hình thức, giải pháp về văn hóa. Việc này phải kiên trì, coi trọng tuyên truyền, vận động, thuyết phục để lấy văn hóa đẩy lùi, triệt tiêu những thứ phản văn hóa.

Tiếng “lách ca... lách cách...” như điệu nhạc của cậu bé phụ giúp mẹ bán hủ tiếu gõ ngày xưa không còn nữa. Nhưng tô hủ tiếu bốc khói thơm nức trong đêm mưa lành lạnh giữa phố xá đông người thì nó vẫn cứ thơm, cứ mãi có sức mê hoặc, dù so với nhiều người, tôi chưa hẳn là một tín đồ ăn đêm...

Ký của KIM TÙNG