1. Chuyện này lâu rồi. Từ cuối mùa xuân năm 2001. Tôi nhớ mãi kỷ niệm ấy bởi đó là chuyến tác nghiệp độc lập đầu tiên của tôi khi gia nhập đội ngũ nhà báo-chiến sĩ. Trở thành phóng viên Báo Quân đội nhân dân tháng 3-2001, sau vài lần được đi theo các phóng viên đàn anh học hỏi kinh nghiệm, một tháng sau đó, tôi được cơ quan cho đi tác nghiệp độc lập. Tôi theo đoàn bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đi khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con đồng bào dân tộc M’nông ở xã Quảng Sơn,huyện Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk (nay là huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).

Đi viết phóng sự ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn là những trải nghiệm thú vị của người làm báo. Đến những vùng đất mới giàu sắc thái văn hóa, phóng viên có không ít cơ hội học hỏi, khám phá nhiều chi tiết, câu chuyện thú vị, đặc biệt là sự tươi mới của cảm xúc. Các nhà báo đàn anh trong cơ quan nói thế nên tôi rất hào hứng, háo hức. Đến với các buôn làng giữa trập trùng rừng núi, ngoằn ngoèo suối khe, thấy cái gì cũng lạ, nghe cái gì cũng thích. Đêm ấy, đoàn công tác phối hợp với địa phương tổ chức chương trình giao lưu. Bà con các buôn làng đến đốt lửa, mở hội cồng chiêng, uống rượu cần. Có sức trai trẻ, tôi nhiệt tình tham gia các hoạt động. Nhưng được một lúc thì chếnh choáng hơi men và được vị già làng đáng kính “cho phép” về nghỉ ngơi.

Bầu không khí rộn ràng và xúc cảm tươi mới với núi rừng, buôn làng Tây Nguyên giúp tôi có được những phóng sự khởi đầu chặng đường làm báo chuyên nghiệp. Đó là những câu chuyện sinh động về mảnh đất, con người, văn hóa đồng bào dân tộc M’nông thấm đẫm trong nghĩa tình Bộ đội Cụ Hồ. Tôi cũng nghiệm ra rằng, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên rất trân quý cái tình. Mà cái tình ấy phải xuất phát từ cái nghĩ trong như nước suối, cái bụng thẳng như cây rừng chứ không nói dối được. Nếu vì lý do gì đấy mà ta “diễn” là bà con nhận ra ngay. Điều ấy, thực ra không có gì lạ. Thực tiễn đời sống từ hàng trăm năm gắn bó với núi rừng, nương rẫy qua các thế hệ đã hình thành, thanh lọc, chưng cất nên những giá trị văn hóa đặc trưng mang tính phong tục của đồng bào. Nghe nhịp cồng của đám trai làng trong đêm hội, cô gái M’nông nhận ra ngay đâu là tiếng cồng của người đang tơ tưởng trái tim mình. Nghe tiếng kèn Rlet, ngắm đường thêu trên chiếc khăn thổ cẩm từ những cô gái, chàng trai trong buôn làng sẽ nhận ra, đâu là một nửa mảnh ghép của đời mình. Khách đến buôn làng, nhìn ánh mắt là hiểu cái bụng của khách rồi. Người làm văn hóa, đến với đồng bào, về với đồng bào, muốn được việc thì phải thực tâm. Cái bụng nghĩ gì, cái miệng phải nói thế. Nếu cái miệng nói khác đi, thần sắc trong ánh mắt sẽ đứng về phía cái bụng chứ không phải lời nói. Bài học tôi học được từ đồng bào dân tộc M’Nông, từ những bước chân đầu tiên vào nghề báo là thế. Là hãy cứ thực tâm mà nói, mà viết, đừng “diễn”!

2. Dịp Tết năm 2021, chúng tôi đến thăm, chúc Tết nhà báo lão thành Nguyễn Đức Toại ở TP Hồ Chí Minh. Ông là một trong những cây đại thụ của đội ngũ nhà báo-chiến sĩ, cựu phóng viên chiến trường Báo Quân đội nhân dân. Lúc bấy giờ Đại tá, nhà báo Nguyễn Đức Toại đã 93 tuổi, sức khỏe yếu, đau ốm liên miên. Gặp chúng tôi, ông đưa ra bản thảo cuốn hồi ký, nói: “Tôi viết xong rồi nhưng chưa in. Dạo này thấy đầu óc không được minh mẫn lắm. Qua đợt ốm này, tập trung bồi bổ lấy lại sức, đọc kỹ một lần nữa, rà soát xem có cái gì chưa chuẩn, chưa ưng thì sửa rồi mới đem sang nhà xuất bản”. Bà Đức, vợ ông tâm sự rằng, ông cẩn thận lắm! Bản thảo cuốn hồi ký được ông chuẩn bị mấy năm nay. Viết, sửa, nhờ người đánh máy, nhớ được cái gì lại bổ sung, rồi lại sửa, đánh máy... cứ như thế suốt ngày này qua tháng khác. Chúng tôi hỏi ông, sao phải làm kỹ thế? Ông nói: “Hồi ký là viết sự thật lịch sử. Những câu chuyện, sự kiện, nhân vật liên quan đến cuộc đời mình là những “lát cắt”, những góc nhìn cận cảnh của lịch sử, trọng tâm là những năm tháng làm phóng viên chiến trường. Chính vì thế nên phải viết trung thực. Cái gì còn lấn cấn là phải rà soát thật kỹ”.

Thật tiếc và thật buồn thương! Cái ngày nhà báo Nguyễn Đức Toại mong chờ sẽ hồi phục sức khỏe để tiếp tục hoàn thiện bản thảo cuốn hồi ký đã không đến. Thời gian và quy luật của tạo hóa không chiều lòng ông. Ông ốm nặng và qua đời vào tháng 8-2021 khi trên bàn viết vẫn để tập bản thảo cuốn hồi ký cùng nhiều tư liệu, hình ảnh một thời làm báo chiến trường. Một số nhân vật trong các phóng sự chiến trường của ông, sau này đã phát triển thành tướng lĩnh, cán bộ cấp cao của Quân đội. Tiêu biểu nhất phải kể đến Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Vào những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn khốc liệt, phóng viên Nguyễn Đức Toại được biết đến người chiến sĩ có phẩm chất, hành động anh hùng Phùng Quang Thanh trong một hội nghị.

Cảm phục tinh thần chiến đấu của dũng sĩ Phùng Quang Thanh, phóng viên Nguyễn Đức Toại đã xin cấp trên được vào chiến trường Đường 9-Nam Lào, theo sát bước chân của người dũng sĩ để viết phóng sự. Tác phẩm “Người chỉ huy là dũng sĩ” đăng trang nhất, tiếp sang toàn bộ trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 3670, ra thứ Tư, ngày 4-8-1971 của Nguyễn Đức Toại đã khắc họa một cách chân thực, sinh động chân dung Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh trên chiến trường. Đó là những trang viết rất giàu chi tiết báo chí, có sức lan tỏa mạnh mẽ của điển hình tiên tiến và có sức sống lâu bền với thời gian. Mùa thu năm 2015, biết nhà báo Nguyễn Đức Toại ra Hà Nội dự họp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên, Đại tướng Phùng Quang Thanh trân trọng mời ông đến nhà riêng gặp gỡ. Cuộc hội ngộ giữa tác giả và nhân vật của tác phẩm báo chí sau 44 năm diễn ra thật ấm áp, cảm động, thân tình!

leftcenterrightdel

Nhà báo Nguyễn Đức Toại (bên trái) cùng các nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu (giữa) và Lê Đình Dư tại Vĩnh Linh, Quảng Trị năm 1967.  Ảnh tư liệu Báo QĐND

Trong bản thảo cuốn hồi ký của Nhà báo Nguyễn Đức Toại mà chúng tôi được xem, có nhiều trang ông viết về những kỷ niệm với hai người bạn, người đồng đội thân thiết cùng tòa soạn: Nhà báo, liệt sĩ, Anh hùng LLVT Lê Đình Dư và nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu. Bức ảnh nhà báo Nguyễn Đức Toại chụp cùng hai đồng chí, đồng nghiệp của mình tại Vĩnh Linh, Quảng Trị năm 1967 trở thành hình ảnh biểu tượng về ý chí dấn thân, tinh thần tận hiến của nhà báo-chiến sĩ.

Khi ngồi trước máy tính viết những dòng này, tôi gọi điện cho bà Đức, nghe giọng bà bùi ngùi: “Gác bút mấy chục năm rồi nhưng khi viết lại, ông ấy vẫn có tác phong làm việc như thuở phóng viên, chăm chút cho từng câu chữ và đi đến cùng chi tiết, sự việc. Tôi vẫn giữ vẹn nguyên những trang viết của ông ấy, để như thấy ông đang đi tác nghiệp ở một nơi rất xa!".

Phong cách của nhà báo Nguyễn Đức Toại là biểu hiện sinh động của đức tính trung thực và sự dấn thân, những tố chất làm nên thương hiệu nhà báo. Nền báo chí cách mạng Việt Nam thật tự hào khi đã sản sinh, nuôi dưỡng những thế hệ nhà báo lão thành, nhà báo chiến sĩ, phóng viên chiến trường. Họ là hiện thân của những giá trị văn hóa, đạo đức báo chí cách mạng. Nhờ sự trung thực và dấn thân, không quản ngại gian khổ, hy sinh của những phóng viên tay máy, tay súng trên chiến trường mà chúng ta mới có được những hình ảnh, thước phim, tư liệu lịch sử vô giá về chiến tranh cách mạng.

3. Nghề báo là con đường vạn dặm. Mỗi bước đi trên con đường ấy là một cơ hội học hỏi, rèn luyện. Mà rèn luyện đức tính trung thực là yêu cầu mang tính bắt buộc, nhưng đồng thời cũng là một trong những vấn đề muôn vàn khó khăn, nan giải. Nó đòi hỏi sự kiên trì, thực tâm. Bởi, đó là lối rèn luyện từ bên trong, nói theo cách của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là từ cái bụng chứ không phải chỉ nói là được. Nói, dễ lắm! Bởi, “lời nói chẳng mất tiền mua”. Nghề báo lấy ngôn ngữ làm công cụ lao động. Nói, viết không thực tâm, không từ cái bụng, không có nói cho có, đúng viết thành sai, phải làm thành trái... nguy hiểm khôn lường. Rất nhiều vụ việc nhà báo, phóng viên vướng vòng lao lý, bị bắt, truy tố những năm gần đây, căn nguyên đều xuất phát từ việc thiếu trung thực, cái thực tâm bị vấy bẩn, bôi đen bởi tư duy thực dụng.

Ngày nay, với sự hỗ trợ toàn diện của công nghệ thông tin, internet, trí tuệ nhân tạo..., nghề báo thuận lợi trăm bề nhưng ngược lại, cũng trăm bề áp lực. Mọi sản phẩm lao động nghề nghiệp của nhà báo đều được đời sống thẩm định, sàng lọc, đào thải một cách rất gắt gao.

Ngược với dấn thân là sự nửa vời! Cái gì nửa vời cũng dễ hỏng. Nghề báo, nửa vời là nhanh hỏng nhất!

Trái với trung thực là sự giả dối! Mỗi chúng ta chỉ có hai con mắt và chỉ có thể nhìn thấy phía trước, chẳng ai nhìn được lưng mình. Nhưng dân thì có muôn triệu ánh mắt, nhìn thấu tất cả. Và vì thế, cái bụng mình nghĩ gì, làm gì, dân thấy hết. Thế nên nếu chỉ dùng lời nói để đánh bóng, khoa trương, nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo thì đó là cách “tự sát” nhanh nhất của nghề báo.

Lại nhớ câu nói nổi tiếng của nhà báo, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Đình Dư: “Người chiến sĩ có thể đứng bắn, quỳ bắn, nằm bắn, còn phóng viên chỉ có quyền đứng thẳng trên chiến hào, dùng vũ khí là máy ảnh, bút máy để ghi lại chiến công của đồng đội và tội ác của quân thù!".

Đất nước đổi mới, phát triển từng ngày. Đời sống xã hội mỗi thời mỗi khác. Lao động nghề nghiệp của nhà báo thời nay đã khác rất xa thời cha anh mình, và cái sự khác đi ấy đang tiếp tục diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong môi trường chuyển đổi số. Nhưng tư thế đứng thẳng của nhà báo, của nghề báo thì muôn đời không thay đổi, bởi nó là triết lý của báo chí cách mạng! Ai cố tình uốn cong cái tư thế ấy, chắc chắn bị đào thải, vấn đề chỉ là sớm hay muộn!

PHAN TÙNG SƠN