Lịch sử hơn bảy mươi năm qua của Quốc hội Việt Nam đã khẳng định, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Báo chí luôn là cầu nối giữa các ĐBQH với cử tri. Báo chí một mặt phản ánh hoạt động của Quốc hội tới người dân. Đồng thời, báo chí cũng là một kênh giám sát, phản biện các chính sách; là kênh thông tin phong phú để ĐBQH nắm bắt thông tin, tình hình, tâm tư nguyện vọng của cử tri. Nghị trường là một trong những đề tài hấp dẫn của các nhà báo.
Nhớ lại thời điểm cách đây hơn hai mươi năm, Quốc hội họp tại Hội trường Ba Đình, số lượng các cơ quan báo chí được cử phóng viên đưa tin, viết bài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số lượng các nhà báo tham dự cũng chỉ đến vài chục, ngồi chung một hội trường. Giờ giải lao, các ĐBQH và nhà báo cùng uống chung cốc bia hơi. Thành thử khoảng cách giữa các ĐBQH và nhà báo rất gần.
Nay, số lượng các nhà báo nghị trường lên đến hàng trăm. Rất nhiều phiên họp của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội được truyền hình, phát thanh trực tiếp, tài liệu luôn có sẵn trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội. Thế nhưng quan hệ giữa các ĐBQH và nhà báo dường như lại có khoảng cách xa hơn. Nhiều nhà báo phàn nàn, muốn gặp các đại biểu của dân bây giờ khó quá. Các ĐBQH ngại tiếp xúc với báo chí có lý do sợ nhà báo nói sai ý, cắt xén, lắp ghép ý kiến của mình…
Sự phát triển nhanh chóng của truyền thông xã hội và sự bùng nổ thông tin đa chiều làm cho cử tri khó khăn hơn trong việc lựa chọn tiếp cận thông tin phù hợp. Không phải cử tri nào cũng có điều kiện theo dõi hết thời gian các phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp, đọc hết các tài liệu trên Cổng thông tin điện tử. Vì thế, các tác phẩm báo chí hữu ích với từng đối tượng độc giả lại trở nên cần thiết và vai trò của các nhà báo nghị trường càng trở nên quan trọng.
Để có những tác phẩm báo chí đúng đắn và hấp dẫn, đòi hỏi các nhà báo nghị trường bên cạnh phải “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”, cần trau dồi kỹ năng tác nghiệp đặc thù, thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức nghề nghiệp. Về phía các ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội cũng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà báo tác nghiệp. Phải coi việc tiếp xúc và trả lời báo chí vừa là quyền nhưng vừa là trách nhiệm của ĐBQH. Cánh cửa nghị trường cần được mở rộng hơn để phóng viên tiếp cận gần hơn hoạt động của các đại biểu, từ đó đưa nghị trường đến gần dân hơn.
ĐỖ PHÚ THỌ