Tác nghiệp ngoài sân bay

Sân bay Quốc tế Đà Nẵng là một trong những “điểm nóng” của cánh phóng viên lần này. Lý do đơn giản bởi vì 21 thành viên APEC thì trừ nước chủ nhà ra, còn 20 thành viên, cộng với 3 khách mời đặc biệt nữa là Lào, Campuchia và Myanmar, vị chi là có ít nhất 23 yếu nhân “đổ bộ” xuống Sân bay Đà Nẵng trong những ngày APEC 2017.

Ngay cả những nhân vật VIP như Thủ tướng Canada, người có gương mặt đẹp như tài tử xi nê khiến cánh phóng viên nữ hết sức ngưỡng mộ, thì sau chương trình thăm chính thức ở Hà Nội, uống cà phê vỉa hè-chạy bộ dọc kênh Nhiêu Lộc ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng tới Đà Nẵng sáng 10-11. Đấy chính là thời điểm căng thẳng nhất, khi lần lượt chuyên cơ của Tổng thống Nga Vladimir Putin (trễ gần hai tiếng so với dự tính), của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng Bí thư-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã đáp xuống sân bay Đà Nẵng chỉ cách nhau ít phút.

leftcenterrightdel
Ở mỗi sự kiện đều có phóng viên tham gia đưa tin với các thiết bị hiện đại.  
Cũng vì tầm quan trọng của sự kiện các nhà lãnh đạo đặt chân tới Việt Nam nên một số tờ báo đã huy động tổng lực lực lượng tham gia đưa tin về sự kiện này, trong đó đội ngũ tinh nhuệ được tập trung ở Sân bay Đà Nẵng. Trong những ngày đầu Tuần lễ Cấp cao, khi mà chưa có nhiều nhà lãnh đạo tới Việt Nam, một số tờ báo đã cử đội ngũ phóng viên túc trực ở sân bay. Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh có 4 phóng viên ảnh, Thanh Niên có 2, trong khi Zing có tới 6 phóng viên.

Do lối vào sân bay bị phong tỏa bằng các biện pháp bảo đảm an ninh nghiêm ngặt nên để có thể quan sát được khu vực sân bay, các phóng viên này bèn... thuê một căn buồng cao tầng có cửa kính ở gần sân bay để tác nghiệp. Từ đây, bằng loại ống kính chuyên dụng có thể vươn xa đến vài trăm mét, các phóng viên ảnh có thể theo sát và ghi lại mọi động thái liên quan đến APEC trong sân bay.

Thế nên mới có những phóng sự ảnh về chuyến bay thử chiếc trực thăng Không Lực Một hay việc vận chuyển những chiếc xe đặc biệt chở Tổng thống Mỹ đến sân bay trước khi sự kiện diễn ra. Những ngày đầu thì không sao, nhưng càng đến sát ngày các nhà lãnh đạo tới nơi, giới chức an ninh phong tỏa mọi điểm cao xung quanh sân bay một cách gắt gao, khiến cho việc “săn” hình ảnh ở sân bay càng trở nên khó khăn gấp bội.

Tác nghiệp trong sân bay

Nhưng ngay cả khi đã được phép vào trong sân bay trong hai ngày 9 và 10-11 để ghi lại hình ảnh của các nhà lãnh đạo thì hoạt động của cánh phóng viên ảnh vẫn là cơ cực hơn cả so với các cánh phóng viên khác. Các phóng viên ảnh đi sân bay phải rời nơi ở từ lúc 4 rưỡi sáng, khi trời còn tối mù mịt, tự túc đi ra sân bay để 5 giờ có mặt thực hiện các khâu kiểm tra an ninh. Đến khi vào bên trong sân bay, họ phải đứng chôn chân trên một cái bục có lan can quây xung quanh và chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ, khi thì dưới trời mưa cuối bão ở Đà Nẵng, khi thì dưới ánh nắng chang chang hắt hơi nóng hầm hập từ đường băng bê tông.

Nhưng nỗi khổ này không thấm vào đâu so với nỗi “khổ tâm” của cánh phóng viên, vì cái bục dành cho phóng viên đứng được bố trí cách khu đỗ dự kiến của các máy bay chừng... 400m! Chỉ có những máy ảnh “cực khủng” mới đủ sức vươn qua khoảng cách mênh mông này để “kéo” các nhà lãnh đạo khi họ bước ra khỏi máy bay, vào bên trong ống kính. Mà chuyên cơ, dù uy nghi như chiếc Không Lực Một của Tổng thống Mỹ, hay nhỏ như chiếc Bombardier của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, cũng đâu có đỗ ở một vị trí, theo cùng một hướng như nhau! Chiếc thì đỗ thẳng hướng với bục của cánh phóng viên (có nghĩa là sẽ chỉ chụp được một bên của khách VIP), chiếc thì đỗ vuông góc với hướng bục (sẽ chụp được chính diện)...

Thế nên có thể thấy vô hình trung là ảnh đón các nhà lãnh đạo khá đa dạng, bởi các góc đỗ khác nhau của chuyên cơ. Rồi khi lãnh đạo bước xuống cầu thang máy bay là đội ngũ các quan chức ra đón, nhân viên lễ tân ào ra, rồi hàng ngũ tiêu binh hoàn toàn có khả năng che chắn “tầm nhìn” của ống kính phóng viên.

Mặc dù khó khăn như vậy nhưng để được “khổ” như vậy không hề dễ dàng. Từ ngày hôm trước, các phóng viên phải đăng ký vào một tờ khai của Ban tổ chức, ghi rõ các số hiệu của loại máy móc mang theo. Chỉ được phép ra sân bay (nhận thẻ tác nghiệp ngay tại sân bay) khi chiều tối hôm trước nhận được một email thông báo của Ban tổ chức, chấp nhận cho phép tác nghiệp tại sân bay. Số lượng đăng ký luôn nhiều hơn rất nhiều so với khả năng thu xếp vị trí của Ban tổ chức và từ đây, xuất hiện nỗi “đau khổ” (hoặc hạnh phúc) của cánh phóng viên: Thẻ pool.

Hạnh phúc thẻ pool!

Thẻ pool, hay còn gọi là thẻ sự kiện, là cách để các nhà tổ chức những sự kiện đa phương lớn, dùng để phân loại và giới hạn một số lượng nhất định phóng viên tham gia vào sự kiện. Lý do có thể vì địa điểm chật, hay do yêu cầu của chủ nhà và phía đối tác, hoặc để tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm tra an ninh. Có nghĩa là khi anh đã có chiếc thẻ tác nghiệp ở Tuần lễ Cấp cao (đăng ký qua mạng từ lâu trước khi diễn ra Tuần lễ Cấp cao), thì tấm thẻ đó chỉ mới bảo đảm để anh có mặt ở... Trung tâm báo chí! Còn việc sở hữu được một chiếc thẻ pool để tham gia vào một sự kiện nào đó mới là hạnh phúc thực sự của nhà báo!

leftcenterrightdel

Tuần lễ Cấp cao APEC với nhiều cuộc hội thảo quan trọng. 

Thế nên việc tìm cách để có được những tấm thẻ pool trong những ngày APEC 2017 là cả một cuộc tìm kiếm vô cùng gian khổ, cho dù các phóng viên đều được thông báo rằng chỉ cần đăng ký vào một mẩu giấy do Ban tổ chức chuẩn bị sẵn về sự kiện muốn tham gia.

Vấn đề là phải được chấp nhận qua một thông báo của Ban tổ chức gửi tới địa chỉ email thì mới có thẻ pool! Mà số lượng đăng ký luôn lớn ít nhất gấp 5 lần so với khả năng cung cấp thẻ pool của Ban tổ chức. Một sự kiện, chẳng hạn như Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC diễn ra trong hai ngày rưỡi, vẫn một mẫu thẻ giống nhau nhưng mỗi ngày một màu khác nhau!

Ngay cả thẻ sự kiện hoạt động của các phu nhân, phu quân lãnh đạo diễn ra ở khu phố cổ Hội An trong ngày cuối cùng của Tuần lễ Cấp cao, cũng rất giới hạn. Bởi thế, có được tấm thẻ pool là vô cùng “gian khổ”!

Tự  “xào” người nhà!

Trung tâm Báo chí Quốc tế của APEC 2017 được cải tạo lại từ một trung tâm hội chợ triển lãm của thành phố Đà Nẵng, nằm cách khá xa khu khách sạn Furama hay Trung tâm Hội nghị Ariyana, là nơi diễn ra hầu hết các sự kiện chính trong Tuần lễ Cấp cao APEC. Các phóng viên có thẻ pool sẽ được xe bus của Ban tổ chức chở từ Trung tâm Báo chí sang nơi diễn ra sự kiện rồi hẹn giờ đưa về. Vì xa và cũng vì các biện pháp an ninh chặt chẽ nên dĩ nhiên không có mấy quan chức của các đoàn lai vãng đến Trung tâm Báo chí Quốc tế làm gì.

leftcenterrightdel

Trung tâm Báo chí Quốc tế hiện đại đáp ứng cho 1.000 phóng viên tác nghiệp. 

leftcenterrightdel

Tác nghiệp trong những ngày APEC 2017, cực mà vui! Ảnh: YÊN HƯNG - HẢI TOÀN 

Trong mấy ngày đầu tiên, khi mà thông tin còn thưa thớt, việc tìm được một chuyên gia nước ngoài để phỏng vấn về một vấn đề nào đó quả thực là vô cùng hiếm hoi. Thế nên, vào một buổi chiều ở ngay trong Trung tâm Báo chí Quốc tế, khi phát hiện thấy một phóng viên truyền hình đang chĩa micro phỏng vấn một người đàn ông trung niên bệ vệ, chỉ trong thoáng chốc, đã có một đám đông phóng viên vây kín háo hức chĩa máy ghi âm vào để thu lấy từng lời. Các phóng viên ảnh cũng bấm máy choanh choách. Người đàn ông nọ trả lời hết sức hùng hồn, mạch lạc, khiến cho vấn đề được sáng tỏ theo mỗi lời nói. Đúng là của quý và hiếm! Sau chừng 20 phút, khi cuộc phỏng vấn kết thúc mỹ mãn, một phóng viên mới rụt rè hỏi: “Xin ông cho biết chức danh và ông làm ở cơ quan nào?”. Người đàn ông nói: “Tôi không phải là chuyên gia. Tôi cũng là phóng viên!”. Các nhà báo xung quanh bật ngửa, cười rầm rĩ... Nhìn kỹ phù hiệu trên ngực áo của người đàn ông thấy đề chữ “Reuters”.

YÊN BA