Đình Tân Túc (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh), nơi từng được xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố vào năm 2003 nhưng nhiều năm nay, khu di tích vẫn chưa được tu sửa, tôn tạo. Dưới tác động của thời gian, nhiều hạng mục của ngôi đình này đang từng ngày xuống cấp nghiêm trọng như: Mái ngói đổ mục, cột kèo rui mè hư hỏng, những mảng tường bong tróc, hàng rào sụt lún... Đầu năm 2023, chính quyền địa phương phải gia cố tạm bằng thanh sắt để giữ lại phần bức tường và mái ngói phía trước đình. Cũng vì những lý do này mà ngôi đình càng vắng khách tham quan, nhiều người bày tỏ e ngại vì cảm thấy không bảo đảm an toàn. Ông Huỳnh Văn Hà, người quản lý đình Tân Túc cho biết, vì phần đình chính đã xuống cấp trầm trọng nên ông cũng không để khách tự ý vào tham quan. Ai ghé đến khu di tích, ông đều theo sát, chỉ từng chỗ đang bị hư hỏng để tránh nguy cơ rủi ro xảy ra.

Tương tự, với tuổi đời hơn 300 năm, đình Chí Hòa (phường 13, quận 10) được xem là ngôi đình cổ nhất Nam Bộ, thế nhưng ngôi đình cổ phải nhiều lần tu sửa, chống sập. Theo quan sát, nhiều vách tường trong tình trạng ẩm mốc, nứt vỡ. Ngoài ra, các mái ngói âm dương phần nhiều đã cũ nát, lộ ra khoảng trống.

leftcenterrightdel

 Đình Tân Túc sẽ được trùng tu trong thời gian tới. 

Ngoài hai di tích kể trên, TP Hồ Chí Minh còn có nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp cần quan tâm, có thể kể đến đình Linh Đông, đình Thông Tây Hội, Trại giam Bệnh viện Chợ Quán, hệ thống các bảo tàng lâu đời... Tháng 3-2023, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh quyết định tu bổ, tôn tạo di tích đình Chí Hòa bằng ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư 34 tỷ đồng. Thời gian tu bổ dự kiến là 540 ngày. Theo đó, đình Chí Hòa sẽ được hạ giải toàn bộ, gồm: Võ ca, chánh điện và Đông lang-Tây lang. Vì tuổi đời lâu năm và nhiều phần đã hư hỏng nặng nên chỉ giữ lại bộ hoành phi, đối liễn và 4 cây cột gỗ chính của đình. Các phần còn lại sẽ được thi công sao cho vẫn giữ được nét cổ kính của ngôi đình. Trước thực trạng xuống cấp của đình Tân Túc, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, dự án sửa chữa, trùng tu đình đã được HĐND TP Hồ Chí Minh điều chỉnh bổ sung vào chủ trương đầu tư công giai đoạn trung hạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư khoảng 42 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này vẫn đang bỏ ngỏ.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, hiện có 188 di tích được xếp hạng gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích quốc gia, 128 di tích cấp thành phố. Thời gian qua, hơn 40 di tích đã được tu bổ, tôn tạo và đầu tư tu sửa cấp thiết. Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho rằng, tu bổ và bảo quản di tích là việc làm không chỉ có giá trị về mặt bảo tồn di sản văn hóa mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho cả cộng đồng. Tính đến nay, Sở đã khởi công trùng tu, tu bổ 7 công trình di tích. Ngoài các công trình cần cấp kinh phí trùng tu, bảo vệ khẩn cấp, Sở đang nghiên cứu, đề xuất 27 dự án kêu gọi xã hội hóa, đồng thời cũng sẽ rà soát các cơ sở, công trình do Sở quản lý để xem xét đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư. 

Bài và ảnh: NGÂN HƯƠNG