Tâm lý tham quan của khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh hôm nay không chỉ là các công trình hiện đại, khu thương mại sầm uất hay những di tích ở nội đô mà còn mong muốn khám phá, tìm về thiên nhiên. Xu thế này được ngành du lịch thành phố nỗ lực xây dựng trong thời gian qua bằng việc phát triển mạnh du lịch sinh thái, du lịch xanh gắn với chương trình mỗi quận, huyện phát triển ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng. Các khu vực ngoại thành như quận 12, các huyện: Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ... đã có những khu du lịch sinh thái đưa du khách về với không khí trong lành, cùng nhịp sống giản dị, yên bình. Bên cạnh di chuyển đường bộ, du khách có thể lựa chọn những phương tiện du lịch trên sông khá đa dạng như buýt đường sông, du thuyền, tàu cao tốc...

Nói đến du lịch xanh của TP Hồ Chí Minh thì không thể không nhắc đến “lá phổi xanh” Cần Giờ. Việc phát triển huyện Cần Giờ như một điểm đến du lịch xanh và du lịch nghỉ dưỡng quan trọng sẽ là động lực mới trong sự tăng trưởng của ngành du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành chú trọng phát triển tour du lịch tại Cần Giờ, đa dạng hóa các trải nghiệm cho du khách như: Chèo thuyền SUP xuyên rừng ngập mặn, làm muối, làm bánh dân gian cùng nông dân ấp đảo Thiềng Liềng... Làm du lịch trên chính quê hương Cần Giờ, ông Trần Nguyên Nam, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Trải nghiệm xanh Cần Giờ cho biết: "Cần Giờ hội đủ yếu tố phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của rừng, biển và núi (núi Giồng Chùa). Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đây là lợi thế để phát huy mô hình du lịch sinh thái". 

Với phương châm “xanh trên mỗi hành trình”, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai sản phẩm đặc trưng nhằm tập trung khai thác, phát huy thế mạnh. Với 366 tài nguyên du lịch, đến nay, thành phố đã kết nối, giới thiệu khoảng 100 sản phẩm du lịch, gia tăng sức hấp dẫn cho điểm đến để đón nhiều dòng khách du lịch trong nước và quốc tế. Đến nay, TP Thủ Đức và các quận, huyện đã công bố 42 sản phẩm, dịch vụ du lịch mới của địa phương, góp phần tăng thêm sự lựa chọn của du khách. Các tour ở 5 huyện ngoại thành đang dần quen thuộc với du khách như tìm hiểu về nghề nuôi yến; tham quan khu bảo tồn dơi nghệ; trải nghiệm bắt cua, cá, trồng rau, làm bánh tráng... Cùng với đó, ngành du lịch thành phố đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm đường thủy, du lịch ẩm thực, du lịch đêm, du lịch cộng đồng trong đô thị, du lịch nông nghiệp sinh thái...

leftcenterrightdel

 Du khách tham gia tour chèo thuyền SUP xuyên rừng ngập mặn Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: TRẦN LÊ 

Chia sẻ về phát triển du lịch xanh, bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị-Công nghệ thông tin Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Bến Thành (BenThanh Tourist) cho rằng: "Du lịch xanh không đơn thuần là sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên cho du lịch mà còn phải hạn chế tác động từ hoạt động du lịch đến môi trường tự nhiên, hướng tới sự chung tay của cộng đồng trong việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống, văn hóa địa phương. Chính vì vậy, trong tổ chức du lịch, BenThanh Tourist luôn tuyên truyền du khách nêu cao ý thức bảo vệ môi trường từ những điều giản dị như hạn chế sử dụng đồ nhựa, không vứt rác bừa bãi ra môi trường trong mỗi chuyến đi, không xâm phạm cây xanh".

Bà Trần Phương Linh thông tin thêm, thiên nhiên là một trong những chất liệu quan trọng để đơn vị thiết kế các sản phẩm du lịch xanh nhằm góp phần thu hút du khách đến TP Hồ Chí Minh. Trong đó chủ đạo là hướng về thiên nhiên, kết hợp với nhiều hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe như: Tour “Chèo thuyền SUP lướt sông Sài Gòn”; “Trải nghiệm xe đạp-ngày bình yên trên vùng đất thép”...

TP Hồ Chí Minh đóng vai trò là hạt nhân, dẫn dắt hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Điều đó thể hiện rõ nét khi TP Hồ Chí Minh đang kết nối gần 50 tỉnh, thành phố để phát triển du lịch gắn với xây dựng các tour liên kết vùng. Việc triển khai thực hiện các liên kết này là hướng đi phù hợp xu thế phát triển bền vững, tạo sức lan tỏa cho cộng đồng, giúp hệ sinh thái du lịch cùng cộng hưởng phát triển theo định hướng tăng trưởng xanh. TP Hồ Chí Minh cũng đưa du lịch xanh là xu hướng phát triển chính trong Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm thực hiện cơ chế chính sách đặc thù, ngành du lịch thành phố nhất quán đầu tư trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và chuyên nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm cùng với ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tính hấp dẫn cao, có lợi thế cạnh tranh như du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm. Thành phố đang tập trung xây dựng đề án phát triển lợi thế của khu du lịch đô thị sinh thái, khu dự trữ sinh quyển gắn với biển Cần Giờ, đồng thời kết nối hình thành mạng lưới, chuỗi du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn tạo thế liên hoàn phát triển du lịch bền vững, ổn định, lâu dài. Sở Du lịch thành phố cũng khẩn trương hoàn thành và ra mắt cẩm nang sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng TP Hồ Chí Minh trong thời gian còn lại của năm 2023.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG