Bộ sưu tập tác phẩm về chiến tranh

 Hồi giữa năm 1979, từ đơn vị cơ sở, tôi được điều về làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Tạp chí Văn nghệ Quân đội ở số 4 Lý Nam Đế (Hà Nội) là hàng xóm kế bên tòa soạn chúng tôi. Đại tá, nhà văn Nam Hà dáng cao lớn, chắc nịch, có vẻ ngoài nghiêm nghị, ít nói nên ngày mới về, mấy lần gặp ông, tôi chỉ gật đầu chào rồi đi. Nhưng sau biết ông là tác giả bài thơ nổi tiếng "Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi", tôi liền đến làm quen, bởi hồi còn ở đơn vị, chúng tôi đã thuộc làu bài thơ hừng hực khí thế chiến đấu ấy.

Hóa ra nhà văn Nam Hà hơn tôi 13 tuổi, là người cởi mở, dễ gần. Ông rủ rỉ kể về xuất xứ bài thơ: “Năm 1966, mình mới vào Khu 6, cảm hứng viết liền mạch bài thơ ấy, xong mình nhờ anh bạn ở Thông tấn xã Việt Nam gửi ra miền Bắc. Sau chừng nửa năm, mình cũng quên lần gửi bài hú họa như thế, một đêm trong rừng Bình Thuận, mở đài nghe chương trình tiếng thơ thì đúng lúc nghệ sĩ Linh Nhâm đang ngâm bài đó. Sau này ra Bắc mình mới biết, bài "Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi" đã sớm được đăng trên Báo Nhân Dân"... Ra đời trong bối cảnh tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược nên những câu thơ tràn đầy tinh thần lạc quan của Nam Hà đã nhanh chóng đi vào lòng người, góp phần tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho bộ đội-nhất là các chiến sĩ cách mạng trong nhà lao vượt qua được những đòn tra khảo hiểm độc của kẻ thù...

Kể từ khi được nghe kể chuyện sáng tác thơ, tôi năng sang chơi với nhà văn Nam Hà. Nhưng tôi thấy văn mới thực sự là nghiệp mà ông suốt đời đeo đuổi. Ông mê đọc các bộ tiểu thuyết sử thi chiến tranh của Liên Xô như: "Chiến tranh và hòa bình" của L.Tolstoy; "Sông Đông êm đềm" của M.Solokhov; "Cơn bão táp" của I.Ehrenburg; "Một người chân chính" của B.Polevoy... Dạo mới cầm bút, ông cũng gặp không ít khó khăn. Ông từng thử sức viết dài nhưng tiểu thuyết đầu tay "Cuộc chiến đấu mới" của ông viết năm 1957 khi tham dự trại viết văn trẻ đã không được in. Có thể trời không cho nhà văn Nam Hà nhiều năng khiếu văn chương, nhưng bù lại người lính văn nghệ dũng cảm, cần mẫn ấy đã thể hiện trách nhiệm rất cao trước hiện thực khốc liệt, phong phú của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cuối cùng đã có được vụ mùa bội thu. Ông là nhà văn Quân đội có một bộ sưu tập khá đồ sộ về sử thi chiến tranh thời kỳ chống Mỹ. Đó là: "Ngày rất dài" (tiểu thuyết 2 tập, 1.100 trang) phản ánh cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ giai đoạn 1965-1968; "Trong vùng tam giác sắt" (tiểu thuyết 2 tập, 850 trang) viết về chiến tranh đặc biệt những năm 1969-1971; "Đất miền Đông" (tiểu thuyết 3 tập, 2.200 trang) viết về giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng....

leftcenterrightdel
     Đại tá, nhà văn Nam Hà (1935-2018)

Ngoài tiểu thuyết, ông còn có một số tác phẩm khác được xuất bản, như: "Khi Tổ quốc gọi lên đường" (thơ, 1975); "Mùa rẫy" (truyện, 1978); "Dặm dài đất nước" (bút ký, 1994); "Sự kỳ diệu của lịch sử" (tản văn, 2003)... Nhà văn Nam Hà được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật đợt 2 (năm 2007), nhờ hai bộ tiểu thuyết "Đất miền Đông" và "Trong vùng tam giác sắt". Ông nhiều lần được nhận giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng và Hội Nhà văn Việt Nam. Đặc biệt, Nam Hà là một trong số ít nhà văn khoác áo lính được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba về những cống hiến, đóng góp vào cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.

Một người lính cần mẫn

 Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào giai đoạn ác liệt, các nhà văn Quân đội ở nhà số 4 Lý Nam Đế (Hà Nội) lần lượt vào chiến trường. Nam Hà cũng là một trong những nhà văn sớm đi B, sau nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi). Trước khi vào chiến trường, ông đến chào Trung tướng Lê Quang Đạo, khi ấy đang là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Trung tướng Lê Quang Đạo hỏi về “vốn liếng” đã có, cùng dự định viết sắp tới, rồi ông vui vẻ nói: "Nam Hà à, anh hãy kiên trì tích lũy vốn sống và chiêm nghiệm để sau này có điều kiện viết dài, ra tấm ra món"...

Những lời căn dặn của thủ trưởng được ông coi như mệnh lệnh. Suốt 10 năm, nhà văn đã có mặt ở các chiến trường gian khổ, ác liệt nhất của vùng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Ở chiến trường lâu, Nam Hà cũng ảnh hưởng tác phong của người chỉ huy quân sự, mỗi khi đi chiến dịch, ông có phương án tác chiến của riêng mình, có bản đồ, la bàn trong túi khi vào trận. Bởi thế mà các nhà văn Quân đội thời ấy cũng như sau này vẫn nhớ mãi câu chuyện bậc tiền bối Nam Hà thẳng thắn chất vấn một vị tướng tại sao lại áp dụng cách đánh này mà không dùng cách đánh kia để bớt thương vong... Ông cũng sẵn sàng tranh luận với người chỉ huy cao nhất ở đơn vị về việc bày binh bố trận sao cho hao tổn ít nhất xương máu của bộ đội...

Một lần đi công tác Tây Nguyên, tôi được nghe câu chuyện khá thú vị về nhà văn Nam Hà qua lời kể của vị đại tá tên là Nhiệm từng công tác ở Tỉnh đội Lâm Đồng (nay là Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng). Chuyện là, trong thời kỳ chống Mỹ, ở Khu 6, ông Nhiệm là chiến sĩ của Ban Tuyên huấn, nhiều lần dẫn nhà văn Nam Hà đi cơ sở. Thấy nhà văn lúc nào cũng kè kè cái túi, cuốn sổ ghi chép mòn cũ là vật bất ly thân, anh chiến sĩ tuyên huấn thổ lộ muốn được học cách viết cho tờ tin của Tỉnh đội. Thế là có ngay lớp học một thầy một trò với ngọn đèn leo lét giữa rừng khuya. Nhà văn Nam Hà tận tình hướng dẫn cách viết tin, bài và tác phẩm đầu tay của người chiến sĩ tuyên huấn là gương một dũng sĩ diệt xe cơ giới địch trên đèo Cù Mông. Nhà văn sửa từng câu, từng ý và bài được “đặc cách” in roneo phổ biến xuống các đơn vị cơ sở. Sau đó, nhà văn Nam Hà còn hướng dẫn cho cả Ban Chính trị của Tỉnh đội về cách viết tin, bài. Rồi một lần khác, chiến sĩ Nhiệm đi cùng nhà văn xuống vùng giáp ranh, đụng toán thám báo địch phục kích, chúng bắn ra như vãi đạn, anh đã nằm đè lên để che đạn cho người thầy đầu tiên của mình. Sau này, ông Nhiệm ra Hà Nội họp, tôi đã đưa anh ấy sang nhà số 4 Lý Nam Đế để gặp lại thầy Nam Hà. Hai người gặp nhau mừng rỡ, ôn lại những ngày cùng vào sinh ra tử trong cuộc chiến khốc liệt trên cao nguyên Lâm Đồng...

leftcenterrightdel

Nhà văn Nam Hà (ngồi giữa) trong lần xuống đơn vị cơ sở lấy tư liệu chiến tranh. Ảnh tư liệu 

Trở về sau chiến tranh, nhà văn Nam Hà tiếp tục công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm Trưởng ban Sáng tác. Ông còn là Thư ký Chi hội Nhà văn Quân đội, Phó ban Văn học Quốc phòng-An ninh (Hội Nhà văn Việt Nam). Ông dồn hết trách nhiệm, tâm huyết tổ chức bản thảo, chạy kinh phí để ra được bộ "Tổng tập nhà văn Quân đội". Đây là bộ sách văn học quy mô ở tầm quốc gia, gồm 5 tập, hơn 10.000 trang in khổ lớn. Hầu hết nhà văn hiện đại nước ta thời chống Pháp, chống Mỹ từng trong quân ngũ đều góp mặt trong bộ kỷ yếu đồ sộ đó. Tôi cũng kịp góp vào tổng tập bằng truyện ngắn in ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trên cương vị Thư ký Chi hội Nhà văn Quân đội, ông cũng âm thầm lặng lẽ quan tâm, giúp đỡ một cách vô tư, trong sáng để những anh em viết văn Quân đội được trở thành hội viên chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam.

Thời kỳ đổi mới, ông không nghỉ ngơi mà lại say mê tìm hiểu về hiện thực của cuộc xây dựng đất nước, trong đó ông đặc biệt quan tâm đến số phận người lính sau khi rời quân ngũ, những hạnh phúc và cả những bất hạnh của họ trong thời bình. Những năm nước ta xây dựng đường dây cao áp 500kV dài hơn 1.500km trục Bắc-Nam, ông đã có cả năm đi theo đội quân dựng cột điện cao thế, trạm biến áp, trạm bù điện... dọc theo dãy Trường Sơn và Quốc lộ 1A. Đây cũng là một trận đánh lớn của lòng người, những xung đột gay gắt giữa sự năng động tích cực với cái tiêu cực trì trệ bảo thủ... Sau những chuyến đi thực tế như thế, ông đã có tác phẩm mới cũng đồ sộ không kém tác phẩm viết về cuộc chiến tranh vệ quốc. Trong đó, cuốn "Thời hậu chiến" dày hơn 500 trang khổ lớn ra mắt bạn đọc, đã được giải thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cuối đời, do bị ảnh hưởng của chất độc da cam, tiểu đường nặng biến chứng vào tim, nhà văn Nam Hà phải vào bệnh viện điều trị dài ngày. Trước ngày đi bệnh viện, ông tặng tôi trọn bộ tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước với lời đề tặng: “Thân tặng nhà văn Phạm Quang Đẩu, người khá hiểu tôi”. Ông qua đời tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày 19-5-2018. Trong sổ tang tôi ghi: “Nhà văn Nam Hà đã sống một cuộc đời dũng cảm và trung thực đến tận cùng”.

PHẠM QUANG ĐẨU