Năm 1971, Phạm Hoa rời quê hương Vĩnh Yên, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa-nơi có Thành nhà Hồ nổi tiếng-vào bộ đội. Anh trở thành chiến sĩ lái xe thuộc Đại đội 170, Tiểu đoàn 76, Trung đoàn 11, Sư đoàn 571 Trường Sơn. Nhánh vận tải chiến lược từ đất Quảng Bình sang biên giới Việt-Lào là địa bàn hoạt động chính của anh. Vững vàng bên tay lái ở những tọa độ lửa suốt mấy năm trường nên Phạm Hoa đã trở thành người lính can đảm đích thực.

leftcenterrightdel
Nhà văn Phạm Hoa (hàng đầu, thứ hai từ phải qua) cùng lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Cục Tuyên huấn và cán bộ phóng viên Phòng Phát thanh Quân đội, Cục Tuyên huấn (nay là Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội) năm 1988.

Sau ngày đất nước thống nhất, Phạm Hoa về học ở Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I. Từ năm học thứ hai, anh đã có 5 truyện ngắn được đăng liên tục trên Báo Văn nghệ. Viết về cùng một đề tài chiến tranh cách mạng mà truyện nào cũng hay, không chỉ giới văn sĩ mà độc giả cũng đều cảm nhận được sự tươi trẻ, trong sáng, văn phong giản dị. Nhà văn Trung Trung Đỉnh, người gần gũi, gắn bó với Phạm Hoa từ khi cùng học ở Trường Viết văn Nguyễn Du đã nhận xét: “Các truyện ngắn của Phạm Hoa tự nó tránh được lối tư duy ồn ào, cách viết sáo rỗng mà không ít người lâm vào. Nó làm nên tên tuổi nhà văn Phạm Hoa một cách không ồn ào, không gây sự nổi trội trên văn đàn, nhưng theo tôi được biết, tất cả bạn viết, bạn đọc đều rất mến phục”. Nhà văn Nguyễn Thành Long đọc mấy truyện ngắn của Phạm Hoa xong đã dự báo: “Cậu Hoa viết truyện ngắn rất nghệ sĩ. Chất nghệ sĩ này hiếm lắm, bộc lộ một tài năng đáng nể”.

Năm 1996, Phạm Hoa ra mắt tập truyện ngắn “Đùa của tạo hóa”, tập hợp 20 truyện ngắn anh viết từ đầu thập niên 80, trong đó có những truyện đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Một số truyện đã kết nối được việc mô tả cuộc chiến với những vấn đề của cuộc sống đời thường. Chẳng hạn sinh hoạt thường nhật của các chiến sĩ nữ trên điểm cao của vùng chiến sự ác liệt, vẫn mong chờ có một tình yêu lứa đôi (truyện “Một ngày không bình thường”). Giữa bom đạn cận kề cái chết, con người vẫn san sẻ buồn vui cho bạn bè, đồng đội (truyện “Em là cô thanh niên xung phong”, sau đó được in trong "Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ, cứu nước" (NXB Hội Nhà văn năm 2014)... Những trang viết của anh mang nặng nỗi ưu tư với cuộc đời và con người, hướng con người tới giá trị chân, thiện, mỹ.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn "Đùa của tạo hóa" 

Trường Sơn với những cung đường vận tải thời chống Mỹ là đề tài đem lại cho Phạm Hoa những thành công trên văn đàn. Cuốn "Miền xa thẳm" là tiểu thuyết thành công nhất của anh. Truyện ngắn nổi bật hơn cả là "Một ngày không bình thường" viết về cuộc sống chiến đấu của 5 cô gái thông tin trên đèo Văng Mu-một trong những trọng điểm ác liệt ở Trường Sơn. Và cụm tác phẩm: Tiểu thuyết "Miền xa thẳm", truyện ngắn "Một ngày không bình thường" của Phạm Hoa đã được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực văn học, nghệ thuật năm 2017.

Nhớ mấy năm đầu mới ra trường, Phạm Hoa làm phóng viên Chương trình phát thanh Quân đội nhân dân. Công việc này với anh thật xa lạ và không phù hợp. Nhưng anh đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Anh vẫn đam mê viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Quãng thời gian ấy, anh liên tục nhận giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ quân đội. Từ năm 1988, anh chuyển công tác sang làm ở Phòng Văn hóa, văn nghệ quân đội thuộc Cục Tuyên huấn, rồi sau đó là Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, phụ trách công tác văn hóa, văn nghệ toàn quân. Anh là nhân vật quen thuộc với khán giả truyền hình qua Chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” với vai trò cố vấn của chương trình.

Từ khi nghỉ hưu, anh vẫn tham gia công tác ở nhiều lĩnh vực: Phó chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam; Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; Ủy viên Ban Thường vụ Hội Trường Sơn Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật Trường Sơn...

Tâm sự về chuyện nghề, Phạm Hoa thường nói: “Để những cuốn sách viết ra không “vô vị”, mang đến cho người đọc thời nay một chút gì đó là những thách thức lớn nhất với tôi. Cứ ảo tưởng, cứ “điếc không sợ súng” như trước đây còn đỡ. Giờ đây cứ cầm bút là lại đắn đo...”.

Còn bao dự kiến và việc làm dang dở nhưng anh đã ra đi. Nhà văn-chiến sĩ Trường Sơn ấy để lại niềm tiếc thương và mến phục của bạn bè, đồng đội cùng bạn đọc.

Bài và ảnh: BÙI ĐỨC TOÀN