Thời đánh Mỹ, trên đường số 7 có 2 binh trạm vận tải của Quân đội ta, bảo đảm cho mặt trận Thượng Lào và “vu hồi” phục vụ chiến trường miền Nam nước ta. Cuối năm 2019, tôi may mắn cùng đoàn đại biểu Cựu chiến binh (CCB) đường số 7 về thăm lại chiến trường xưa, hướng tới kỷ niệm 50 năm giải phóng Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng (25-4-1970 / 25-4-2020). Trong đoàn có rất nhiều nhà văn, nhà thơ từng xuất hiện và trưởng thành trên tuyến đường này trong những năm bom đạn, như: Phạm Ngọc Tiến, Vương Trọng, Trần Nhương, Châu La Việt, Lê Hoài Nguyên...
|
Ban biên tập tờ tin “Đường phía trước” những năm 1969-1975 tại Di tích Binh trạm 13. Ảnh: ĐỨC BẢO |
Người nêu ý tưởng rồi chắp nối liên lạc, lo toan mọi mặt cho chuyến đi này là Châu La Việt. Anh là cựu binh Ban Tuyên huấn Binh trạm 13, vừa biên tập tờ tin Đường phía trước, in litô mỗi tháng 3 số; vừa sáng tác thơ, kịch... cho Đội Tuyên văn Binh trạm. Hiện nay, anh là nhà văn chuyên nghiệp, đã xuất bản gần 20 đầu sách gồm các thể loại văn học; hầu hết đều viết về đề tài chiến tranh và người lính. Trong số những tác phẩm nổi tiếng của anh, có 2 vở kịch dài là “Những bạn trẻ của tôi” và “Người mẹ và cánh rừng”, từng được Đoàn kịch nói Quân đội (nay là Nhà hát Kịch nói Quân đội) và Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần (nay là Nhà hát Chèo Quân đội) dàn dựng trong chiến tranh, sau này lại được tái dựng trên sân khấu truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Văn xuôi thì Châu La Việt có tuyển tập truyện ngắn “Những tầng cây săng lẻ” và 3 tập tiểu thuyết. Trong đó tiểu thuyết “Tiếng chim hót lảnh lót trong rừng” được Giải thưởng Bộ Quốc phòng về văn học, nghệ thuật 5 năm 2009-2014. Lần này trở lại chiến trường xưa, Châu La Việt mang theo bản thảo cuốn tiểu thuyết “Lửa sáng phía chân trời” viết riêng về Binh trạm 13. Tác phẩm thuộc chương trình đầu tư sáng tác của Bộ Quốc phòng và đã được xuất bản. Nhưng lần này trở lại chiến trường xưa, Châu La Việt lại mang theo bản thảo viết tay lần đầu, chi chít những gạch xóa, thêm bớt... Và hôm ấy trên đỉnh trọng điểm Funukok năm xưa, trước sự chứng kiến của các đồng đội và đồng nghiệp, Châu La Việt đã trang nghiêm và xúc động tung từng nắm bản thảo lên trời để gửi tặng núi rừng, đồng đội và nhân dân nơi chiến trường xưa. Từng tờ bản thảo chấp chới bay theo gió rừng rồi mất hút dưới vực sâu. Nhà văn binh trạm thẫn thờ nhìn theo, đôi mắt đỏ hoe...
Trước chuyến đi này, tôi tìm đọc lại hai cuốn tiểu thuyết “Xiêng Khoảng mù sương” và “Đường về Cánh đồng Chum” của nhà văn Bùi Bình Thi. Đây là hai cuốn tiểu thuyết tâm huyết của một nhà văn cựu Quân tình nguyện Việt Nam. Trong đó, tiểu thuyết “Xiêng Khoảng mù sương” đã được Giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm 2004-2009 của Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Văn học sông Mê Kông năm 2010, Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008-2010. Tác phẩm là ký ức của một người lính từng sống và chiến đấu cùng bộ đội và nhân dân Lào anh em trên cao nguyên Xiêng Khoảng từ nửa cuối thập niên 60 đến nửa đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Tiếc là ông không còn sống đến hôm nay để cùng tham gia chuyến hành hương trở lại Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng; để qua mỗi địa danh, gặp mỗi di tích, lại bồi hồi kể về một kỷ niệm văn chương. Kia là cánh rừng ngày xưa Nguyễn Minh Châu đã sống cùng bộ đội và dân công nhiều ngày để viết truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng”. Đó cũng là nơi nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, khi còn là chiến sĩ Sư đoàn 312, đã viết bài thơ “Ngủ theo đội hình đánh giặc” và nhà thơ Vương Trọng viết bài thơ “Đi dọc mùa khô rừng Lào”. Dưới chân dãy núi kia có cái hang tên là Noọng Pẹt, là nơi ra đời bài thơ “Tiếng cười trong hang đá” của nhà thơ Phạm Tiến Duật và bài thơ “Ngọn đèn trong hang đá” của Trần Nhương. Hồi đó, Trần Nhương là phóng viên mặt trận của Báo Chiến sĩ Hậu cần, nhiều lần ngủ trong hang Noọng Pẹt cùng anh em công binh và lính coi kho. Hang này rất tối, ban ngày anh em cũng phải thắp đèn. Đèn làm bằng ống bơ, đốt bằng dầu mazut, khói đen sì: Ở trong hang đèn thắp cả ngày.../ Chiến sĩ công binh chờ trời tối/ Đánh thức rừng khuya bằng tiếng cuốc mở đường.../... Ít ngày sau tiếng súng tấn công/ Phía mặt trận đồn thù bốc cháy/ Chiến sĩ công binh cầm tay nhau nhảy... Bài thơ này ông viết vào đầu năm 1970, trong chiến dịch đập tan cuộc hành quân Cù Kiệt của địch. Dịp ấy, ông còn đến với những đơn vị nữ Thanh niên xung phong:
Trăng rất gần suối thì xa tít
Em ở trên này như trên cung mây...
... Em đứng gác đường, miệng cười bỡ ngỡ
Môi em nở hiện một vầng trăng nhỏ
Thắp giữa đỉnh đèo tỏa sáng đêm đêm...
Không phải là nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng khi các “nhà thơ binh trạm” thay nhau đọc thơ và kể xuất xứ những bài thơ của các anh trên tuyến đường số 7, thì nhà báo Kim Quốc Hoa, cựu phóng viên Báo Chiến sĩ Hậu cần cũng xin “công bố” những bài thơ ông viết trên tuyến đường này, từ những ngày ấy, nhưng giấu trong sổ tay suốt mấy chục năm nay...
Chương trình “Tiếng thơ” tự biên, tự diễn trên chiếc ôtô khá đầy đủ tiện nghi của công ty du lịch lữ hành đang lúc cao trào thì nhà văn Châu La Việt huơ huơ chiếc smartphone kêu lên: “Thủ trưởng ơi, các đồng chí ơi, anh Phạm Trung Nhân không đi được, nhưng có thơ tặng đoàn ta nè!”. Chiếc điện thoại được nối với dàn âm ly của nhà xe. Tiếng đọc thơ của một người đàn ông vang lên trầm ấm:
... Đồng đội ơi
Nước đã chảy qua Nậm Mật, Nậm Tiền
Gió đã thổi qua “Những tầng cây săng lẻ”
Vệt bánh xe đã mòn dọc bản Ban, đèo Đá
Hố bom đã lấp đầy Funukok, Khang khay
“Tiếng chim lảnh lót “cũng xa rồi
Chỉ còn những chiến công ngày xưa vẫn còn vang vọng...
Mọi người cùng lặng đi vì xúc động và bồi hồi nhớ về người phụ trách tờ tin Đường phía trước của binh trạm năm xưa. Ngày ấy, Phạm Trung Nhân được cả binh trạm gọi là “nhà văn” vì có tin, bài và truyện được đăng Báo Chiến sĩ Hậu cần, Báo Quân đội nhân dân và Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Truyện ngắn “Chuyến hàng tới đích” của anh còn được Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần chuyển thể sân khấu. Thế rồi anh được ra Hà Nội dự lớp bồi dưỡng viết văn, rồi đi học Đại học Văn hóa. Khi anh tốt nghiệp thì các binh trạm hướng này cũng giải thể. Phạm Trung Nhân chuyển về làm Chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân chủng Hải quân, hiện nay nghỉ hưu ở Hải Phòng...
Có một “Nhà văn Binh trạm” rất nổi đình đám nữa, cũng vắng mặt trong chuyến đi ý nghĩa này do vấn đề sức khỏe, được mọi người nhiều lần nhắc đến. Còn nhớ một hôm, cả đội tuyên văn hồ hởi khi nghe thông báo: Nhà thơ Thế Lữ sắp đến công tác tại binh trạm ta. Hồi ấy, việc binh trạm được đón các văn nghệ sĩ đến biểu diễn, sáng tác... là chuyện thường. Nhưng đây là nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ Mới, cây bút lừng danh của Tự lực văn đoàn, nay là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhé! Vui nhất có lẽ là Châu La Việt, bởi ông Thế Lữ là người quen của gia đình anh ở Hà Nội. Nhưng... tẽn tò thay, người đến binh trạm không phải nhà thơ Thế Lữ, mà là... Thế Ngữ, một tác giả trẻ chưa có tiếng tăm gì. Thế Ngữ vốn là công nhân ngành đường sắt, nhưng có khiếu văn chương, từng có kịch bản đoạt giải nhất cuộc thi văn nghệ quần chúng toàn ngành, được rút về Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và tham gia lớp bồi dưỡng sáng tác do hội này tổ chức. Năm 1971, Đài Truyền hình Việt Nam vừa thành lập được một năm, đã xin Thế Ngữ về làm biên kịch cho chương trình văn nghệ. Cấp trên đồng ý nhưng yêu cầu phải thử thách thêm. Vậy là Thế Ngữ xin đi chiến trường, theo đường số 7 lên Binh trạm 11 “thử sức” một thời gian rồi xin sang Binh trạm 13 sát với Mặt trận Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng hơn...
Quả đúng là... “bé cái nhầm”! Nhưng gần một năm lăn lộn ở Binh trạm 13, Thế Ngữ khiến cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải nể phục anh vì sự “dấn thân” nơi chiến trường ác liệt; chưa kể những đóng góp của anh cho các chương trình văn nghệ của binh trạm. Sau này anh cho ra đời nhiều tác phẩm viết về cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên tuyến đường số 7 và tình hữu nghị Việt-Lào. Trong số đó, có kịch bản được giải thưởng chính thức của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 1973, đồng hạng với những tên tuổi như: Đào Hồng Cẩm, Xuân Trình, Tào Mạt... Từ khi chuyển vào Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, anh nổi đình đám với nhiều chương trình hot của đài này, như: Tiếng cười sân khấu; Trong nhà ngoài phố; Chuyện đời thường; Táo quân... Năm 2016, anh được sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là người viết kịch bản sân khấu cho đài truyền hình nhiều nhất Việt Nam, khoảng 3.000 tác phẩm...
Thì đã bảo, Thế Ngữ không phải là... Thế Lữ, nhưng đích danh là “Nhà văn Binh trạm” mà!
TUYÊN HÓA