Hồi còn làm ở tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, tôi hay gặp bác Nguyễn Chí Trung (ông sinh năm 1930, hơn tôi 18 tuổi). Mỗi khi biết tôi đi đâu về, bác gặp thường kéo lại hỏi vài câu, kiểu như: Buổi ngăn sông Đà vui không, liệu hồ thủy điện đủ khả năng cắt lũ cho hạ du không; mùa này ở vùng bãi nổi Đồng Tháp Mười sếu đầu đỏ về ăn cỏ năn đấy, vào đấy anh có gặp đàn nào?... Bởi tôi làm việc ở tòa nhà số 8 Lý Nam Đế, bác ở nhà số 4, một căn buồng nhỏ trong khuôn viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ). Những buổi chiều thư giãn, bác hay đứng dưới bóng cây đại già trước cổng, hễ gặp tôi đi ngang qua là túm lấy hỏi chuyện. Mà chẳng khi nào chúng tôi nói chuyện quá mười lăm, hai mươi phút. Với tôi, được bác quan tâm hỏi han kiểu vậy cũng là vui rồi.
Ngày ấy, tôi còn có nhiều dịp được chuyện trò khá lâu với một người bạn thân kém bác Nguyễn Chí Trung 5 tuổi, là nhà thơ Thu Bồn. Nhà thơ dáng cao lớn, da ngăm đen, mái tóc dài bồng bềnh hất ngược tựa bờm sư tử. Những người ít hơn cả về tuổi đời, tuổi nghề như tôi rất mến mộ tài năng cùng chất nghệ sĩ của Thu Bồn. Hôm ấy, nhà thơ đang ngồi trên bậc thềm tòa nhà VNQĐ, thấy tôi đi ngang qua cửa liền gọi lại, bảo anh có trường ca mới muốn tặng Quang Đẩu. Đó là tập "Người vắt sữa bầu trời" (Nhà xuất bản Văn học, năm 1986).
Cầm cuốn sách còn thơm mùi giấy mực, tôi hỏi: "Em biết bác có sở trường về trường ca, nổi tiếng như "Bài ca chim Ch'rao" đoạt Giải Bông sen Vàng của Hội Nhà văn Á-Phi, lấy cảm hứng từ con người và núi rừng Tây Nguyên; rồi "Bazan khát" cũng về Tây Nguyên. Còn trường ca này, bác lấy cảm hứng từ đâu ạ? Nhà thơ cười, mắt nheo hóm hỉnh: Từ Nguyễn Chí Trung! Đến đây, giọng bác bỗng trở nên nghiêm chỉnh: "Nguyễn Chí Trung là nhân vật xuyên suốt nhiều trường ca của tôi mà không hề xuất hiện một dòng nào. Và bạn tôi cũng nổi tiếng là người có nhiều giai thoại cả trong chiến đấu cũng như trong đời thường".
|
|
Nhà văn Nguyễn Chí Trung (bên phải) và nhà thơ Thu Bồn (ảnh chụp đầu năm 2001).
|
Đầu tháng 8-1974, anh từ tòa báo văn nghệ quân khu được cử làm phái viên Mặt trận Thượng Đức, giữa lúc bộ đội thương vong nhiều mà chưa diệt được căn cứ trung tâm của địch. Anh quan sát khu vực trận địa, rồi đến ngay tiểu đoàn chủ lực, khẩn thiết đề nghị thay đổi vị trí đánh cửa mở. Tình thế cấp bách quá, chỉ huy đơn vị cuối cùng cũng phải nghe theo phái viên. Kết quả, ta chọn trúng cửa tiềm nhập và thắng giòn giã. Khi mừng công, người tiểu đoàn trưởng được thưởng huân chương, anh ấy nói: "Sao lại tặng tôi, đây là công của nhà báo chứ". Mặt trận cho tìm phái viên Nguyễn Chí Trung để trao huân chương nhưng không thấy đâu, dứt trận đánh, anh đã về ngay quân khu để báo cáo tình hình rồi.
Còn chuyện đi thực tế chiến trường Campuchia cùng nhà văn Nguyễn Chí Trung. Trong trận đánh Pol Pot ngày 29-3-1986, anh bị thương khá nặng. Anh cùng một phân đội giang thuyền tiến sâu vào sào huyệt bọn Pol Pot, trúng ổ phục kích, một viên đạn quân thù xuyên qua phổi đi tiếp làm gãy cánh tay phải của anh. Người chỉ huy giang thuyền phải lấy lá cờ chiến thuyền mới băng nổi máu trào ra từ ngực anh. Đến hôm anh đã lành vết thương, đoàn nhà văn ra sân bay Pochentong, không hiểu sao Nguyễn Chí Trung lại ra muộn chút xíu, máy bay cất cánh treo lơ lửng trên cao rồi, anh mới hớt hải ngửa mặt, đưa cái mũ cối lên trời vẫy vẫy, thế mà chiếc trực thăng liền hạ xuống đón...
Qua những câu chuyện của nhà thơ Thu Bồn, tôi thêm phần trọng nể nhà văn-chiến sĩ vô cùng dũng cảm ấy và đã bỏ nhiều thì giờ tìm đọc tác phẩm của ông. Văn Nguyễn Chí Trung chắt lọc, súc tích, hầu như nhân vật không cần phải hư cấu, cứ bê nguyên mẫu những con người bình dị, gan dạ từng cùng họ sống, chiến đấu lên trang giấy là thành tác phẩm xuất sắc. Truyện ngắn "Bức thư làng Mực" là một tác phẩm tiêu biểu thời chống Mỹ, cứu nước. Đó là câu chuyện thật của du kích Nhật, người Cơ Tu làng Mực, huyện Nam Giang (nay thuộc tỉnh Quảng Nam).
Ngày 25-5-1962, lần đầu tiên ở Tây Nguyên, người du kích này đã dùng súng trường kiên trì mai phục trên đỉnh núi hạ một máy bay khu trục Mỹ. Tác giả đã tái hiện câu chuyện hết sức sinh động, mang hơi hướng sử thi Tây Nguyên, du kích Nhật trở thành một hình tượng văn học đẹp đọng mãi trong lòng người đọc. Rồi Xuân 1981, trên trang nhất tờ Quân đội nhân dân của tôi có bài "Khi dòng sông ra đến cửa" của tác giả Nguyễn Chí Trung, một bút ký văn học giàu cảm xúc, trí tuệ và đầy chất thơ, câu văn trùng điệp rất cuốn hút. Mãi cuối đời bác mới viết tiểu thuyết, cuốn "Tiếng khóc của nàng Út". Sáng tác năm gần 80 tuổi, bác nhận liền hai Giải thưởng Văn học ASEAN và giải của Hội Nhà văn Việt Nam.
Một lần, tôi gặp bác Nguyễn Chí Trung tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ở số 9 phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Tiện trong cặp mang theo tiểu thuyết mới in có tựa đề "Đánh đu cùng số phận" (Nhà xuất bản Văn học, năm 2012), tôi ghi tặng, bác nhận, gật đầu cảm ơn. Ngày đó vừa xảy ra vụ tai tiếng, một trường trên Hà Giang, hiệu trưởng mại dâm học sinh, nhưng nội dung sách thì không có một dòng nào về vụ án, dù cũng có nhân vật là tay hiệu trưởng đốn mạt. Có lẽ vì sách đề cập tới vấn đề nhạy cảm, vụ Hà Giang chưa hết nóng nên khi phát hành, sách bán khá chạy, lượng in gấp đôi bình thường, có tờ báo còn sốt sắng đăng liền 42 kỳ; Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục đọc truyện đêm khuya 25 buổi... Tôi chắc sách của mình sẽ được nhà văn đàn anh quan tâm. Thế rồi sau đó không lâu, Chi hội Nhà văn Quân đội họp tổng kết nhiệm kỳ, tôi đến nơi đã thấy bác ngồi ở cửa ra vào hội trường. Tôi chào, bác không đả động đến cuốn sách mà hỏi ngay, anh đã đọc cái truyện ngắn... ở VNQĐ số mới chưa? Tôi nói, chưa ạ! Đến phần phát biểu góp ý, nhà văn lão thành đứng phắt dậy nói một hồi về cái truyện ngắn đó, phân tích chủ đề tư tưởng cho là chưa chuẩn mực. Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng ngồi bên nói với tôi: Tính bác Trung hay nói thẳng thế đấy. Chả là những năm trước 1975, chị ở trại viết Quân khu 5, bác là Trung tá, Trưởng tiểu ban Văn nghệ, cấp trên nên trại viên khá thuộc tính nết thủ trưởng.
|
|
Nhà văn Nguyễn Chí Trung bị thương trong trận đánh Pol Pot (ảnh chụp tháng 9-1986). Ảnh tư liệu
|
Sau buổi họp, gặp tôi, bác bảo nhỏ: Vào chỗ mình, có chuyện này muốn nói. Tôi tưởng bác sẽ có những lời phàn nàn về sự việc vừa diễn ra, bất ngờ bác lấy trong tủ một tấm ảnh đưa tôi bảo rằng, mình vừa nhận được tin buồn, Alăng Bhuôch qua đời. Người trong ảnh đứng bên bác là Alăng Bhuôch: Gầy gò, mặc cái áo phông cũ, đôi mắt bị mù lòa. Đây là một anh hùng tải đạn độc nhất vô nhị trên thế gian này, bác đã gặp, kết nghĩa anh em ở Trường Sơn. Suốt từ năm 1958 đến 1972, Alăng Bhuôch với cây gậy nhỏ dẫn đường đã gùi được tổng cộng 182 tấn vũ khí, đạn dược cho bộ đội giải phóng. Ông ấy là nguồn cảm hứng để bác viết truyện "Chỉ có hai người" thông qua nhân vật Kơ Liu. Trong tiếng Cơ Tu, Kơ Liu nghĩa là mù. Lúc chia tay, tôi đánh bạo hỏi, bác đã đọc "Đánh đu cùng số phận" của em chưa? Bác chỉ tiễn khách ra cửa và bắt tay từ biệt. Tôi đồ rằng bác đã đọc, nhưng đấy không phải chủ đề bác quan tâm nên chẳng có gì để nói lại với tôi, sự im lặng của bác cũng là thật lòng.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung sống độc thân đến cuối đời, những lúc đau yếu, bác có nhiều bạn bè, cháu chắt bên cạnh nâng giấc. Nửa đêm 11-6-2016, bác đã ra đi mãi mãi. Hẳn trên cao xanh kia, bác tìm gặp lại những bạn văn thân thiết một thời đi trước trên chiến trường hay trên giường bệnh, như: Trần Mai Ninh, Thu Bồn, Phan Tứ, Nguyễn Mỹ, Chu Cẩm Phong... Và cả người bạn già-Anh hùng LLVT nhân dân Alăng Bhuôch-đã về cõi thiên thu trước bác không lâu.
PHẠM QUANG ĐẨU