Phóng viên (PV): Đầu tiên, xin chúc mừng chị vừa có buổi ra mắt sách ý nghĩa vào đúng ngày sinh của mình. Cảm xúc của chị lần ra mắt sách này thế nào?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Thực ra thì lần ra mắt sách nào của tôi cũng có chung một cảm xúc: Xúc động. Để có một cuốn sách, tiểu thuyết chẳng hạn, tôi phải bắt đầu từ các ý tưởng, xây dựng đề cương, triển khai từng chương một, rồi sửa, sửa nữa, sửa nữa... đến khi hoàn chỉnh thì có cảm giác như mình đã biến một đống gạch thành một ngôi nhà. Nhưng đấy mới chỉ là bản thảo thôi. Từ đấy đến khâu trình bày, chuẩn bị in nó dài, nhiều công đoạn và tôi thì lại rất thích sách đẹp nên càng mất công. Chính vì thế khi nó hiển hiện trước mặt là một cuốn sách đẹp, thơm mùi giấy mới thì xúc động vô cùng. Tôi đã in 21 cuốn, cuốn nào cũng xúc động y như vậy. Và tôi nghĩ, cho dù mình có in đến 210 cuốn đi nữa thì cuốn cuối cùng cũng vẫn không thôi xúc động.
|
Nhà văn Đỗ Bích Thúy cùng MC Thảo Vân trong buổi ra mắt sách lần thứ 7. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Lần này tôi ra mắt 4 cuốn, trong đó có 2 cuốn tái bản, 2 cuốn in lần đầu, cộng thêm 1 bản đặc biệt cuốn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”. Hai cuốn mới có tiểu thuyết “Người yêu ơi” và tản văn “Thương nhau như người thân”. Hay dở đến đâu sẽ có bạn đọc đánh giá. Nhưng tôi thương các cuốn sách của mình và tôi hy vọng bạn đọc thích chúng.
PV: Có thể nói, chị là một trong những nhà văn thường xuyên ra mắt sách, lần nào cũng khiến bạn nghề và độc giả mong đợi. Tham dự lần ra mắt sách vừa rồi đông vui, ấm áp, nhiều người phải đứng vì không còn chỗ ngồi, lại càng thấy rõ điều đó. Lần ra mắt này với 4 cuốn sách, chị thấy mình có được coi là một cây bút khỏe?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tôi thấy cũng... bình thường thôi. Đây là lần thứ 7 tôi ra mắt sách. Số lượng đầu sách đã in là 21. Tôi thích ra mắt sách, một phần vì đơn vị xuất bản họ cũng muốn vậy, nhưng một phần quan trọng là tôi muốn đối xử với những cuốn sách mới của mình một cách nâng niu, trân trọng nhất. Ra mắt sách cũng là dịp mà tôi được gặp đồng nghiệp, bạn bè, bạn đọc, nhận sự chia sẻ, chia vui của họ. Và cũng là dịp để các bạn đồng nghiệp của tôi gặp gỡ nhau nữa. Ai cũng bận, không dễ gì có một lý do để tập trung tất cả với nhau một chỗ, một thời điểm. Nói chung là mỗi cuộc ra mắt sách của tôi đều vui và rất ấm áp.
PV: Chị có thấy hài lòng với sự nghiệp văn chương của mình?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tôi còn nhiều việc muốn làm, rất nhiều. Nhưng tôi xác định, sức đến đâu làm đến đấy. Có một điều chắc chắn là tôi luôn làm việc nghiêm túc, hết sức. Tôi cho rằng lao động văn chương càng nghiêm túc tức là càng tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng bản thân, tôn trọng bạn đọc. Mà nghiêm túc thì vất vả. Ai làm gì nghiêm túc cũng vất vả hết. Chơi nghiêm túc còn vất vả nữa là. Tôi chỉ có thể nói là tôi hài lòng với bản thân ở chỗ mình chưa bao giờ viết bất kỳ một cái gì hời hợt, dù chỉ là một bài báo 500 chữ hay là một tiểu thuyết 100.000 chữ.
PV: Từ miền núi về thủ đô lập nghiệp, gần đây thấy chị thường xuyên đi vùng cao. Có vẻ như chị chọn đi thật xa... để trở về?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Không phải bạn ạ! Tôi đi xa vì cuộc đời có những khúc quanh khó lường trước được và khó cưỡng lại được. Đi xa vì bất đắc dĩ phải đi xa, vậy thôi. Tôi không nghĩ có ai muốn đi xa để được trở về đâu. Đi xa, nỗi nhớ khiến cho mình mỏi mệt lắm, buồn phiền nữa nên cứ phải quay về để mà bù lấp vào. Nếu có thể chọn, tôi chọn không phải đi xa. Chỉ có điều, đâu phải muốn chọn thì được chọn.
PV: Nhà văn thường có một “vùng địa linh” như là nơi họ hiểu, gắn bó và chỉ muốn viết về nó. Dường như người đọc thấy chị gắn bó với cả đề tài chiến tranh, cũng đắm đuối với đề tài miền núi?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tôi chỉ dám nhận là mình gắn bó với đề tài miền núi thôi. Chiến tranh là một đề tài lớn về tầm vóc và lớn về áp lực. Chúng ta đã có hàng trăm nhà văn lớn, trưởng thành trong chiến tranh và có sự nghiệp lớn gắn bó với đề tài chiến tranh. Đâu có dễ dàng gì cho một thế hệ sinh ra, trưởng thành trong thời bình như chúng tôi nếu muốn vượt qua cái bóng của họ.
Tôi là một nhà văn mặc áo lính. Đề tài chiến tranh chưa khi nào không là một ước muốn, cũng chưa khi nào không là một thách thức và tôi vẫn luôn nghĩ đến. Có điều, tôi nghĩ rằng, trong số bạn đọc của tôi có rất nhiều bộ đội, những đồng đội của tôi. Và ở tư cách một người đọc, họ cũng có nhu cầu đọc những tác phẩm giàu tính nhân văn. Bất kể đề tài gì, tính nhân văn luôn là điều cần cho đời sống tinh thần của con người. Và tôi vẫn đang nỗ lực với điều đó để có được những tác phẩm đáng đọc cho bạn đọc của tôi, trong đó có những người lính.
PV: Xin hỏi chị một câu riêng tư. Chị có nghĩ nhà văn nữ thường lận đận, truân chuyên ít nhiều? Phải chăng vì truân chuyên nên họ viết, hay ngược lại, bởi tâm hồn văn chương nên họ dễ lận đận?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tôi không muốn bị gộp con người nhà văn và con người phụ nữ là một. Trước khi viết văn, tôi là một phụ nữ, trong và kể cả sau khi viết văn, tức là giả sử có lúc không thể viết được nữa thì tôi cũng vẫn là một phụ nữ. Một phụ nữ bình thường. Tôi là người thường đặt ra các nguyên tắc và tự tuân thủ các nguyên tắc ấy. Lao động hết mình là một trong những nguyên tắc, ví dụ thế. Tôi không biết các đồng nghiệp cùng giới với mình thế nào, nhưng tôi không nghĩ nghề nghiệp khiến người ta lận đận. Lận đận là do không giỏi thu xếp cuộc sống. Tôi cũng lận đận và cũng vì tôi không giỏi thu xếp cuộc sống của mình, chắc chắn là vậy. Cũng không ai mong mình lận đận để viết văn hay. Tôi viết văn từ lúc tôi chưa lận đận, cho đến lúc lận đận và cả khi đã hết lận đận. Cuộc sống là cuộc sống, văn chương là văn chương, bạn ạ!
PV: Trân trọng cảm ơn và chúc chị có thêm những tác phẩm mới!
Nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến:
Đỗ Bích Thúy là nhà văn mà khi chị xuất hiện đã lập tức gây ra những tiếng vang. Tôi là người rất quan tâm tới những sáng tác của chị, nhất là những sáng tác về miền núi-mảng đề tài rất ít người, rất ít nhà văn Việt Nam có thể sáng tác. Sau phim “Chuyện của Pao”, tôi vẫn kỳ vọng, mong chờ có tác phẩm mới về người Mông bởi thực ra người Mông là dân tộc cực kỳ kiêu hãnh, đặc sắc mà hầu hết các nhà văn thất bại, cúi chào, trừ vài người, trong đó có Đỗ Bích Thúy.
Nhà thơ Hữu Việt:
Trong 20 năm ở Hà Nội, Đỗ Bích Thúy ngày càng nhận ra một điều, những gì Thúy có thể viết say mê nhất, viết da diết nhất, viết buồn bã nhất, viết sung sướng nhất chính là viết về miền núi. Mỗi lần viết về miền núi, Thúy thấy như được trở về ngôi nhà của mình, được uống nước trong những chiếc ấm ám khói, được sống thật sự của mình. Thúy chỉ lo nếu ngày nào đó không thể viết nữa thì quả thật cuộc sống sẽ trở nên buồn bã vô cùng... Chúng ta đến với nghệ thuật vì những lý do khác nhau, có thể ban đầu từ say mê hay mong muốn được người khác biết đến mình, hoặc vì chút tiền cho cuộc sống... nhưng để gắn bó lâu dài với nó thì dứt khoát phải có một niềm say mê lớn và niềm say mê lớn ấy không phải chỉ tôi mà tất cả chúng ta đã thấy ở Đỗ Bích Thúy 20 năm qua. Chúng ta thấy nay Thúy ở Hà Nội, mai có khi lại ở vùng đất nào đó. Thúy đã sống tận cùng với những phút giây của mình, tất cả những điều đó để phục vụ cho những trang viết.
|
DƯƠNG THU (thực hiện)