Theo Từ điển bách khoa Quân sự Việt Nam (Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, năm 2009), Chiến tranh cục bộ là cuộc chiến tranh diễn ra trên một khu vực nhất định. Thuật ngữ Chiến tranh cục bộ dùng để phân biệt với chiến tranh thế giới. Chiến tranh cục bộ xảy ra từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phần lớn do các nước đế quốc tiến hành nhằm khuất phục, thôn tính các nước đã giành được độc lập, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc hoặc ngăn chặn ảnh hưởng của xã hội chủ nghĩa...

leftcenterrightdel
Ngày 30-3-1972, Quân giải phóng tiến công đánh chiếm điểm cao 365 mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị. (Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN) 

Tại Việt Nam, Chiến tranh cục bộ là một chiến lược quân sự của đế quốc Mỹ trong giai đoạn 1965-1967, tận dụng ưu thế hỏa lực, công nghệ và quân số của lực lượng viễn chinh Mỹ để đè bẹp Quân Giải phóng miền Nam, đồng thời điều động lực lượng không quân đánh phá miền Bắc, thiết lập ảnh hưởng lâu dài của Mỹ lên miền Nam Việt Nam thông qua chế độ Việt Nam Cộng hòa. Để thực hiện chiến lược này, Mỹ sử dụng hai gọng kìm “tìm-diệt”, “bình định nông thôn” và tuyên bố sẽ tiêu diệt Quân Giải phóng miền Nam trong 18 tháng.

Đối phó với chiến lược Chiến tranh cục bộ, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân hai miền kết hợp chặt chẽ với tiến công quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam; ra sức đánh trả chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ở miền Bắc, đồng thời chi viện đắc lực cho quân và dân miền Nam. Quân và dân ta đã đánh bại các cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1965-1966, 1966-1967 của Mỹ và tay sai, mở rộng quyền làm chủ trên nhiều vùng nông thôn, đồng bằng, miền núi và ven đô thị.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là dấu chấm hết, đòn đánh quyết định đối với thế lực hiếu chiến xâm lược làm cho chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam bị phá sản hoàn toàn.

PHẠM TUẤN