Trong Chiến dịch Đăk Tô 1 tháng 11-1967, quân ta đã dùng chiến thuật này để đánh bại Lữ đoàn dù 173 của Mỹ ở Đăk Tô-Tân Cảnh. Khi phát hiện vị trí của ta, quân địch sử dụng trực thăng đổ quân xuống để tìm diệt. Nắm được mưu kế này, ta thường “tương kế tựu kế” tổ chức sẵn các trận địa trên các cao điểm, đợi địch đến tiến công và tiêu diệt. Quy luật và thủ đoạn của địch là khi bị ta pháo kích, chúng liền cho máy bay trực thăng hạ cánh ra phía sau đội hình pháo kích của ta. Mưu kế của ta bày binh bố trận như sau: Dùng một tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 sử dụng 2 khẩu sơn pháo 75mm và 2 khẩu súng cối 82mm chiếm lĩnh công sự ở đồi Ngọc Bờ Biêng, pháo kích vào Tân Cảnh để khêu ngòi.

leftcenterrightdel

Thượng tướng Lê Huy Vịnh và các đại biểu tham quan xe tăng tại Tượng đài chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh. Ảnh: ANH SƠN 

Ta phán đoán rằng, khi cánh quân trực thăng thứ nhất ở Ngọc Dơ Lang bị đánh thì địch sẽ đổ cánh quân trực thăng thứ hai vào ngay sau cánh quân trực thăng thứ nhất. Vì vậy, ta bố trí khu quyết chiến thứ hai vào đằng sau khu quyết chiến thứ nhất, giáp biên giới Lào và Campuchia. Trên đồi 875, đằng sau Ngọc Dơ Lang, ta bố trí một tiểu đoàn của Trung đoàn 174, còn hai tiểu đoàn làm dự bị cơ động. Bên cạnh Trung đoàn 174, ta còn bố trí Trung đoàn 66 ở cạnh sườn trái Ngọc Kom Liệt (đồi 823) để yểm hộ cho Trung đoàn 174 đánh quân địch từ Pleiku vu hồi vào. Chiến dịch diễn ra gần sát đúng với kế hoạch tác chiến của ta. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Cuối cùng, bị đánh thiệt hại nặng, Lữ đoàn dù 173 Mỹ phải kết thúc, chấm dứt cuộc hành quân.


Bàn về chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt trong cuốn "Bàn về nghệ thuật quân sự", Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, trang 50, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo viết: “Chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt là để đánh quân địch có hỏa lực mạnh và cơ động cao, nếu không có công sự chốt lại để chặn địch, rồi vận động ra tiêu diệt thì rất khó đánh và chắc chắn bị thương vong nhiều”. Năm 1973, chiến thuật này cũng được vận dụng đánh bại một chiến đoàn ngụy quân Sài Gòn ở vùng Ngọc Bay, phía tây bắc thị xã Kon Tum.

PHẠM TUẤN