Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2005, trang 928, giảng nghĩa hai chữ “Xã tắc” như sau: “Thuở xưa dựng nước tức quý trọng nhân dân. Dân cần có đất ở, nên lập nền Xã để tế Thần Hậu Thổ; dân cần có lúa ăn, nên lập nền Tắc để tế Thần Nông. Mất nước thì mất Xã tắc, nên Xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia”. “Xã” trang 927, chỗ tế Thần Đất. “Tắc” trang 668, hột kê, nền tế Thần Nông.
Người xưa cũng quan niệm rằng “Xã” là thần lớn nhất trong số các Thần Đất. Còn “Tắc” là kê, lúa mạch, mang nghĩa tượng trưng cho các loại ngũ cốc, đặc trưng của những quốc gia sống chủ yếu vào nghề nông. “Tắc” mà không có “Xã” giống như ngũ cốc không có đất thì không sinh trưởng được. “Xã” mà không có “Tắc” thì đất đai hoang vu, không thể nuôi dưỡng con người.
Như vậy từ “Xã tắc” bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ thần, cũng liên quan đến một loại đàn tế xuất hiện ở nước ta từ hàng nghìn năm trước. Đó là đàn Xã tắc. Đàn Xã tắc dùng để thờ Thần Đất và Thần Nông. Thần Đất cai quản đất đai (bờ cõi quốc gia) và danh xưng chủ quyền sở hữu đối với đất đai đó (triều đại). Thần Nông thuận theo ý chỉ của trời mà dạy cho dân làm nghề nông.
Thời xưa, đàn Xã tắc do vua làm chủ lễ, hoặc vua có thể ủy quyền cho quan đại thần làm chủ tế.
Đàn Xã tắc chia làm hai phần là Hộ đàn và Nội đàn. Hộ đàn ở phía ngoài và Nội đàn ở bên trong. Nội đàn là quan trọng nhất và lễ tế được tổ chức ở đây. Hộ đàn ở phía ngoài mỗi cạnh, nhằm bảo vệ an ninh cho việc cúng tế ở Nội đàn.
Đất để đắp đàn Xã tắc phải là đất sạch từ tất cả địa phương trong nước, không dùng đất cũ. Đàn Xã tắc tượng trưng cho đất đai của cả nước, nên rất linh thiêng. Cũng bởi vậy mà khi nói “Xã tắc” nghĩa là nói đến đất đai của cả nước. Giang sơn xã tắc có nghĩa là sông núi, đất đai của một quốc gia.
VĂN TUẤN