Diễn giải cụ thể hơn về tập kích, phục kích, "Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam" (Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, năm 2009), đưa ra khái niệm, tập kích, hình thức chiến thuật, lợi dụng sơ hở của đối phương và các điều kiện có lợi khác, bất ngờ tiến công tiêu diệt, sát thương đối phương. Có: Tập kích chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; tập kích trên bộ, đường không và đường thủy; tập kích xung lực và hỏa lực.

 Phục kích, hình thức chiến thuật, bí mật bố trí lực lượng ở đường (hướng, khu vực) địch có thể qua, bất ngờ tiến công tiêu diệt. Có: Phục kích tại chỗ, vận động; phục kích đường bộ, đường thủy, đường không, phòng không, chống tăng, của xe tăng... phục kích đường bộ, bí mật bố trí các lực lượng: Chặn đầu, khóa đuôi, tiến công chủ yếu... bất ngờ tiến công tiêu diệt địch đi qua. Phục kích đường không, sử dụng từng chiếc hoặc từng tốp máy bay, bay ở khu vực mà địch khó phát hiện ở bên đường (hướng) máy bay địch sẽ bay qua, bất ngờ công kích tiêu diệt...

Trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, có nhiều trận đánh Quân đội ta áp dụng chiến thuật tập kích và phục kích thu được kết quả thắng lợi to lớn. Trong đó, trận Đak Pơ (24-6-1954) là trận phục kích điển hình của lực lượng vũ trang Liên khu 5, tiêu diệt toàn bộ Binh đoàn cơ động 100 quân viễn chinh Pháp. Trong trận này, ta chọn địa hình phục kích đoạn cầu Đak Pơ trên đường 19 từ An Khê đi Pleiku. Đoạn đường nằm giữa hai cứ điểm (Cà Tung, Mũi Nhung) cách nhau gần 15km, nhưng rất hiểm trở, có giá trị về quân sự, đặc biệt về chiến thuật phục kích. Trận đánh để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật quân sự cần nghiên cứu, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

VĂN TUẤN