Theo nghĩa mưu kế, đó là một thái độ thâm sâu. Bàn về việc dụng binh với cách xử thế biết ra vẻ như không biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong việc dùng binh, ta giả đò theo ý của địch, nhưng ta ra sức theo một phương hướng, thì ta có thể nghìn dặm phá địch” (Bàn về Binh pháp Tôn Tử, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2020, trang 24). Dùng mưu của mình để lừa địch đã giỏi, nhưng biết mà tỏ ra như không biết, dùng chính kế của địch để đánh địch thì lại càng tinh vi, hiểm hóc hơn.
Điều căn cốt khi sử dụng kế "
Minh tri cố muội
" là người chỉ huy phải nắm vững lực lượng, cách bày binh bố trận và mọi động thái của quân địch, phân tích phán đoán sắc sảo ý đồ sâu kín của chỉ huy địch, dự đoán trước được kế hoạch hành động của chúng để không mắc mưu địch và tìm ra những sơ hở trong kế của địch, tìm cách quật lại chúng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ hai (1285), sau khi vào được kinh thành Thăng Long bỏ ngỏ, kế của quân Nguyên là dùng đạo quân Thoát Hoan từ Thăng Long đánh xuống, quân Toa Đô từ Nghệ An-Thanh Hóa đánh ra, kẹp chặt đạo quân Vua Trần ở Thiên Trường-Trường Yên giữa hai gọng kìm. Biết rõ kế giặc, Vua Trần vờ như không biết, lập mưu cầu hòa, tạm thời hoãn chiến, một mặt làm cho địch tưởng rằng chúng đã thành công, một mặt giành lấy thời gian rút hết đại quân ra biển. Sau đó, Vua Trần cho một đạo quân lên vùng Đông Bắc hợp với đạo quân của Trần Hưng Đạo án ngữ ở Vạn Kiếp, còn đại quân thì vượt biển vào Thanh Hóa, ép sau lưng đạo quân của Toa Đô vừa tiến lên phía Trường Yên. Thế là ta đã thoát khỏi thế bị kẹp giữa hai gọng kìm của quân Nguyên mà còn hình thành hai gọng kìm lớn hơn kẹp lại quân địch. Tình thế đó đã làm xuất hiện thời cơ phản công mà Trần Hưng Đạo và Vua Trần đã kịp thời nắm lấy để giáng đòn quyết định tiêu diệt hoàn toàn 50 vạn quân Nguyên xâm lược. Đây là trận đánh vua tôi nhà Trần đã sử dụng thành công mưu kế "Minh tri cố muội".
VĂN TUẤN