Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tình thế cách mạng là sự hợp thành của 3 nhân tố chủ yếu sau: “Thứ nhất: Giai cấp và tầng lớp thống trị bên trên đã lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, không thể kiểm soát nổi tình hình, trở nên bất lực, không còn có chế độ thống trị như cũ được nữa. Thứ hai: Các giai cấp và tầng lớp bị trị bên dưới cũng rơi vào tình trạng cơ cực, bị bần cùng không thể chịu đựng được nữa, không thể sống nổi nữa. Mâu thuẫn đã gay gắt đến cực độ và quần chúng đã sẵn sàng đi tới một hành động giải phóng. Thứ ba: Tầng lớp trung gian như tiểu tư sản, trí thức có tư tưởng tiến bộ, những người có tinh thần dân tộc, kể cả một bộ phận trong giai cấp hữu sản nhưng gần với quần chúng, ngả về phía cách mạng. Tương quan lực lượng có lợi cho phía cách mạng”.
Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật lật đổ Pháp, độc chiếm Đông Dương. Đảng ta đã nhanh chóng ban hành Chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Chỉ thị chỉ ra tình thế cách mạng ở Đông Dương đã chín muồi, gồm: Chính trị khủng hoảng (Nhật-Pháp "cắn xé" lẫn nhau, chính phủ tay sai ngả nghiêng giữa theo Pháp và theo Nhật, bộ máy đàn áp cách mạng bị khủng hoảng. Trên thế giới, sự thắng thế của phe Đồng minh đã rõ ràng, ngày sụp đổ của phe phát xít sắp đến). Trong nước, nạn đói ghê gớm khiến 2 triệu người chết, quần chúng càng thêm oán ghét quân cướp nước, sẵn sàng đi theo Đảng làm cách mạng. Các giai cấp, tầng lớp trung gian đang phân hóa dữ dội và các lực lượng có tinh thần dân tộc đang ngả về phía cách mạng). Từ đó, Đảng ta phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước; tập dượt khởi nghĩa từng phần để khi thời cơ đến, tiến lên tổng khởi nghĩa.
Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, năm 2009, thời cơ là tình thế xuất hiện trong thời điểm nhất định rất có lợi cho việc phát huy sức mạnh giành thắng lợi trong khởi nghĩa, trong chiến tranh và tác chiến. Thời cơ cách mạng xuất hiện khi tình thế cách mạng chín muồi. Ngày 14-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy thời cơ có một không hai đã đến với dân tộc Việt Nam. Lập tức, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và lệnh khởi nghĩa được ban ra kịp thời: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập cho nước nhà". Nghe theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu đồng bào trong cả nước nhất tề đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng. Trong vòng chưa đầy nửa tháng, Đảng ta đã nắm chính quyền trên toàn quốc.
PHẠM TUẤN