Đại tướng Võ Nguyên Giáp giải thích: “Dĩ công vi thượng” là cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước vì dân, đặt lợi ích của dân, của nước, của Đảng lên trên hết, đem lòng chí công vô tư mà đối xử với người, với việc, không mảy may có chút chủ nghĩa cá nhân. Theo Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, năm 2014, “dĩ” trang 347, là lấy, dùng, để mà; “vi” trang 1546, là làm; “thượng” là trên, ở trên, bên trên. Như vậy, theo nghĩa khái quát “dĩ công vi thượng” là lấy việc công làm trên hết.

“Dĩ công vi thượng” là một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Bản thân Người là một tấm gương mẫu mực về “dĩ công vi thượng”. Đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đạo đức mới, tiếp thu, kế thừa và phát triển đạo đức truyền thống của dân tộc, yêu nước, thương nòi, tương thân tương ái, kết hợp với tinh hoa đạo đức của nhân loại và đạo đức cộng sản chủ nghĩa.

“Dĩ công vi thượng” là cốt cách người cách mạng. Nếu ai không làm được điều này thì không thể trở thành người cách mạng, người cán bộ, đảng viên, đoàn viên chân chính.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta hằng ngày hãy soi xét lại mình về điều Bác dạy: "Làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng", tự mình kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, bè phái, cơ hội, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thật thà tự phê bình và phê bình, gắn việc rèn luyện đạo đức với công tác thực tế. Tác dụng nêu gương của người đảng viên, cán bộ có vai trò rất quan trọng. Dân ta tin Ðảng là tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng, vào vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ và đảng viên”.

PHẠM TUẤN