Ấp chiến lược mang tính chất cứ điểm phòng vệ của chính quyền ngụy trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, chống phong trào nổi dậy và chiến tranh du kích của nhân dân miền Nam. Được xây dựng theo những tiêu chuẩn thống nhất: Xếp các hộ thành từng nhóm có trách nhiệm kiểm soát và bảo vệ lẫn nhau (ngũ gia liên bảo); tổ chức thanh niên vũ trang bảo vệ; mọi sinh hoạt đều phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt; bên ngoài có hàng rào bao quanh, cổng ra vào được canh gác ngày đêm, có hầm hào chiến đấu để chống các cuộc tiến công của du kích. Quản lý bằng biện pháp tổng hợp chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, trong đó quân sự là biện pháp chính. Chương trình xây dựng ấp chiến lược được Mỹ-ngụy coi là quốc sách. Sau cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, Ngô Đình Diệm bị giết, chương trình xây dựng ấp chiến lược bị bỏ dở.
Chính sách "Ấp tân sinh" là sự nối tiếp "Ấp chiến lược" ở quy mô nhỏ hơn. Tuy khác nhau về hình thức, quy mô, tên gọi nhưng bản chất là giống nhau, đều là khu dồn dân ở nông thôn miền Nam Việt Nam. Hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt kiểu ấp chiến lược được thay thế bằng tổ chức tuần tra bên ngoài của lực lượng vũ trang. Căn cứ tình trạng an ninh, hệ thống các ấp tân sinh được phân thành 4 loại: A (hoàn toàn an ninh), B (an ninh tương đối), C (kém an ninh), D (an ninh bị uy hiếp) để có đối sách phù hợp. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm phá sản một bước chương trình ấp tân sinh, nhiều ấp tân sinh từ loại A, B xuống loại C và hàng loạt ấp tan rã.
TỪ TÂM