Theo "Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam" (Trung tâm Từ điển bách khoa Quân sự, Bộ Quốc phòng, năm 2009), “mưu phạt tâm công”, đánh bằng mưu trí và đánh vào lòng người. Tư tưởng quân sự này của Nguyễn Trãi được vận dụng thành công trong khởi nghĩa Lam Sơn và chiến tranh giải phóng chống Minh (1418-1427). Dựa trên tư tưởng nhân nghĩa và lòng tin vào sức mạnh tất thắng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nghĩa quân Lam Sơn đã nêu cao ngọn cờ "đại nghĩa, chí nhân", đánh địch về tư tưởng, tinh thần, tâm lý, kết hợp tiến công quân sự với thương thuyết và địch vận, nhằm "không đánh mà người phải khuất". Trong hai năm (1426-1427), nghĩa quân Lam Sơn vừa tiến công tiêu diệt các đạo quân cứu viện lớn của địch, vây hãm, cô lập các thành, vừa kiên trì thương lượng, thuyết phục quân địch giảng hòa, từ bỏ chiến tranh xâm lược; không đánh mà hạ được 11 (có thành Đông Quan) trong số 13 thành lớn của địch, buộc địch phải kết thúc chiến tranh bằng hội thề Đông Quan ngày 10-12-1427, xin được toàn vẹn rút quân về nước.
Đánh vào lòng người là dùng sách lược chính trị để tranh thủ lòng dân, dựa vào dân, thi hành các chính sách nhằm giác ngộ, thức tỉnh nhân dân, chiêu mộ người tài làm cho họ hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn, hành động của kẻ thù, đứng lên cầm vũ khí đánh đuổi chúng, giành lại độc lập cho đất nước. Hội tụ những giá trị tốt đẹp, nhân văn, nhân đạo, “mưu phạt tâm công” trở thành nét truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam.
HÀ BÁCH