Vậy thế nào là dũng cảm? Theo Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, năm 2021. “Dũng” (trang 336) là sức mạnh thể chất và tinh thần trên hẳn mức bình thường, tạo khả năng đương đầu với sức chống đối, với nguy hiểm để làm những việc nên làm. Dũng thường đi đối với trí, để có trí dũng song toàn. Dũng cảm được thể hiện ở tinh thần và hành động. Không sợ khó, sợ khổ, sợ hy sinh, là tinh thần dũng cảm. Dám đối mặt với mọi thách thức, không lùi bước trước mọi khó khăn, nguy hiểm là dũng cảm.
Lòng dũng cảm biến thành sức mạnh để mỗi con người sẵn sàng hy sinh bản thân mình bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương. Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, dân tộc ta đã sản sinh ra biết bao nhiêu tấm gương về lòng dũng cảm như Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện...
Cũng theo Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, “dũng sĩ” là người có sức mạnh thể chất và tinh thần trên hẳn mức bình thường, tạo khả năng đương đầu với sức chống đối, với nguy hiểm để làm những việc nên làm. Theo một nghĩa khác, “dũng sĩ” được hiểu là danh hiệu vinh dự của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tặng cho người lập được thành tích xuất sắc trong chiến đấu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không ít cá nhân được phong nhiều lần danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ như: Vợ chồng du kích Dương Bá Quy và Nguyễn Thị Thủy 22 lần được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; chiến sĩ Trương Văn Hòa (Điện Bàn, Quảng Nam) 49 lần được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; chiến sĩ Trịnh Tố Tâm được phong nhiều nhất với 53 lần, với thành tích diệt 272 tên địch (chủ yếu bằng phương thức đặt mìn).
HÀ MINH TÙNG