Tư tưởng quân sự của Trần Hưng Đạo trong nghệ thuật sử dụng chính binh và kỳ binh được ông khái quát: “Phàm tướng hay dùng chính mà không dùng kỳ là tướng giữ gìn; hay dùng kỳ mà không dùng chính là tướng chiến đấu; kỳ chính đều dùng cả đó là tướng giúp nước vậy” (Binh thư yếu lược, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970, trang 50).

Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, năm 2009), chính binh, kỳ binh là hai loại lực lượng trong một thế trận cổ, cũng là hai thành phần cơ bản để thực hiện phương án tác chiến trong từng trận đánh. Lực lượng công kích chính diện là chính binh, lực lượng vu hồi là kỳ binh; lực lượng phòng giữ là chính binh, lực lượng cơ động tiến công là kỳ binh; lực lượng kiềm chế là chính binh, lực lượng đánh đòn đột kích là kỳ binh; lực lượng đánh công khai là chính binh, lực lượng đánh bí mật, bất ngờ là kỳ binh; lực lượng đánh theo cách đánh thông thường là chính binh, lực lượng vận dụng cách đánh đặc thù là kỳ binh; lực lượng dùng để cản đối phương là chính binh, lực lượng dùng để quyết định thắng lợi là kỳ binh. Hai lực lượng đó có thể đổi vị trí cho nhau-chuyển kỳ binh thành chính binh hoặc ngược lại, tùy tình hình tác chiến.

Ngày nay, tư tưởng nghệ thuật sử dụng chính binh và kỳ binh vẫn được Quân đội ta tiếp tục nghiên cứu, phát triển, áp dụng trong chiến tranh hiện đại.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Quân đội ta phân tán địch ra 3 chiến trường và ghìm lực lượng cơ động dự bị chiến lược của địch là sư đoàn dù và sư đoàn lính thủy đánh bộ ở Sài Gòn và Huế-Đà Nẵng, để ta tập trung 5 sư đoàn giải phóng Tây Nguyên, rồi giải phóng Huế-Đà Nẵng và cuối cùng tập trung toàn bộ lực lượng gồm các sư đoàn và toàn bộ các quân, binh chủng dự bị chiến lược của bộ, tiến hành trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Mưu kế chiến lược trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là kìm giữ những nơi địch mạnh, để buộc địch tập trung lực lượng vào đó, tạo ra chỗ sơ hở, chỗ yếu; rồi ta tập trung đánh chỗ yếu, sơ hở trước, giành thắng lợi chiến dịch và chiến lược, nhanh chóng đẩy địch vào thất bại dây chuyền về chiến lược đi đến chỗ thất bại về chiến tranh.

HÀ AN