Theo "Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam" (Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, năm 2009), “dĩ dật đãi lao” là lấy lực lượng tại chỗ, sung sức để đánh quân địch từ xa đến, mệt mỏi. Trong phép đánh giặc, “dĩ dật đãi lao” là một nguyên tắc hành động trong tác chiến. Yêu cầu của nguyên tắc này là phải đến địa bàn tác chiến trước quân địch, chiếm được địa hình có lợi, chuẩn bị mọi mặt cho trận đánh, đặt quân địch đến sau, ở vào thế không có lợi, không chuẩn bị hoặc thiếu chuẩn bị cho trận đánh.
"Dĩ dật đãi lao" là cách đánh làm hao mòn sức địch, khiến địch phải phân tán, trải mỏng lực lượng đối phó ở nhiều nơi mà không biết khi nào bị đánh và bị đánh ở đâu. Then chốt của kế “dĩ dật đãi lao” là nắm thế chủ động, nhàn hạ dưỡng quân và chủ động được thời điểm, vị trí đánh. Đặt quân địch vào thế bị động, nhìn đâu cũng thấy sơ hở, phải lo thủ trước giữ sau.
Dùng cái tĩnh chế ngự cái động, nghi binh khiến địch mất thế chủ động và bị tiêu hao sức lực, bất ngờ tấn công vào nơi địch yếu nhất đó là quy luật của kế “dĩ dật đãi lao”.
Trong lịch sử kháng chiến của dân tộc, khi quân Nguyên Mông xâm lược đất nước ta lần thứ 3, quân và dân nhà Trần vận dụng linh hoạt, sáng tạo kế “dĩ dật đãi lao”, lấy gần chờ xa, lấy khỏe chờ mệt, lấy no chờ đói, lấy sung sức chờ hao mòn tạo ra thế và thời cơ có lợi để phản công đánh tan cuộc hành quân xâm lược của kẻ thù.
HÀ BÁCH