Theo Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, 2014) “ngụ” (trang 968) là ở trọ, ở đậu, tạm một lúc. “Binh” (trang 93) là quân sĩ, gọi chung tất cả người đi lính vì đúng tuổi làm phận sự người công dân hay tình nguyện để đánh giặc giữ nước hoặc giữ an ninh cho dân. “Ngụ binh ư nông” hiểu nghĩa ban đầu là gửi quân vào nông nghiệp.

Chính sách “Ngụ binh ư nông” được áp dụng đầu tiên từ nhà Đinh. Lực lượng quân binh đóng thường trực ở kinh đô, được gọi là quân cấm vệ, túc vệ, các lực lượng quân tại địa phương được gọi là lộ quân hay sương quân. Triều đình chia số binh lính trong sương quân thành nhiều phiên, chỉ giữ một số ít phiên thường trực, còn lại cho về quê sản xuất nông nghiệp; cứ như vậy, từng đợt luân phiên nhau.

Vào thời Lý, triều đình chỉ cấp lương cho quân túc vệ, còn sương quân tự túc lương thực. Quân sĩ luân phiên về quê cày ruộng và thanh niên đăng ký tên vào sổ nhưng vẫn ở nhà sản xuất; khi cần, triều đình sẽ điều động. Sang đến thời nhà Trần, rồi đến nhà Hậu Lê, thời bình, dân đinh thay nhau vào lính, binh lính luân phiên về làm ruộng...

Chính sách "Ngụ binh ư nông" giúp Nhà nước giảm chi phí nuôi quân mà vẫn xây dựng và tổ chức được các đạo binh hùng mạnh; tạo thế trận quốc phòng rộng khắp.

Ngày nay, cùng với lực lượng quân thường trực, Quân đội ta còn tổ chức, xây dựng lực lượng dự bị động viên. Quân nhân dự bị được tạo nguồn từ quân nhân xuất ngũ hoặc đào tạo từ các ngành dân sự theo quy định của pháp luật. Hằng năm, các đơn vị dự bị động viên được tập trung kiểm tra huấn luyện, diễn tập theo chương trình thống nhất; sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội. Xây dựng và tổ chức lực lượng dự bị động viên là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo chính sách "Ngụ binh ư nông" của Quân đội ta. 

VĂN TUẤN