Sau buổi gặp gỡ tình cờ với chị em nhà Vương Quan (nhân Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh), chàng Kim rất xúc động và đã phải lòng cô chị (tức Thúy Kiều). Ngơ ngẩn vì tình, chàng đi thăm lại cảnh vật hôm nào và cố lần tìm ngôi nhà Thúy Kiều đang ở (Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang). Nhưng chỉ thấy Thâm nghiêm kín cổng cao tường và thực tế như đã Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh. Chàng dường như đã hết hy vọng bấu víu vào “một cái gì đó” ngõ hầu tiếp cận người chàng đang nhung nhớ. Cái “lá thắm” kia trở nên xa vời đối với chàng.
“Lá thắm” ở đây gắn liền với một điển tích. “Từ điển Truyện Kiều” (Đào Duy Anh, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1974) và “Từ điển Từ cổ” (Vương Lộc, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2001) đều có nhắc tới điển tích này. Theo Đào Duy Anh thì: “Đời Đường Hy Tôn có một người tên là Vu Hựu bắt được một chiếc lá đỏ từ dòng ngự câu trong cung trôi ra, trên lá có đề thơ. Hựu bèn đề một bài thơ đáp lại vào lá rồi thả ở thượng lưu của ngự câu. Người cung nhân tác giả của bài thơ trước là Hàn phu nhân bắt được. Sau vua thải cung nữ (theo Vương Lộc là có tới ba ngàn cung nữ bị sa thải), Hàn Thị lấy Hựu. Hai người lấy lá đỏ đề thơ ngày trước đưa cho nhau xem. Hàn Thị liền làm một bài thơ, có câu: Phương tri hồng diệp thị lương môi (Mới biết lá thắm là mối giỏi)" (tr.208)
Còn “chim xanh” lại gắn với một điển tích khác. Cũng theo Đào Duy Anh: “Xưa Hán Vũ Đế đang ngồi chơi, có con chim xanh bay đến. Đông Phương Sóc nói: “Đấy là sứ giả của Tây Vương Mẫu đến”. Sau người ta lấy chim xanh để tỉ dụ sứ giả, người đưa tin hay người làm mối”. (tr.85)
Chúng ta biết, sau bao ngày lặn lội, tìm kiếm thông tin, chàng Kim đã “lấy điều du học hỏi thuê” nhà Ngô Việt thương gia để có cơ hội “tiếp cận” gia đình Vương Ông. Khi đã “bắt mối” được với nàng Kiều, chàng Kim ngỏ ý muốn kết duyên với nàng, Kiều đã khiêm nhường nhắc lại từ “lá thắm” (cũng từ tích trên):
Dầu khi lá thắm chỉ hồng
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH