Xét về gốc gác, “đội” và “đoàn” đều là những từ gốc Hán đã được Việt hóa. Trong đó, “đội” là một tổ chức chặt chẽ, gồm một số người nhất định cùng làm một nhiệm vụ, như đội bóng đá, đội sản xuất. Còn “đoàn” là sự tập hợp lâm thời của một số người và hoạt động có tổ chức như đoàn đại biểu, đoàn công tác, đoàn kiểm tra... So với “đoàn”, đội thường ít hơn về số lượng và thấp hơn về vị trí, tầm ảnh hưởng xã hội. Chẳng hạn, một đội bóng đá đi thi đấu quốc tế có số lượng cầu thủ, huấn luyện viên lên đến hàng chục người nhưng vẫn chỉ gọi là đội. Còn đoàn đại biểu một quốc gia đi dự một hội nghị quốc tế chỉ 2-3 người thì vẫn gọi là đoàn.

Từ tính chất xã hội đó mà trong hệ thống tổ chức quân đội hiện đại, cấp “đội” thường là các tổ chức cấp thấp hơn cấp “đoàn”. Phần đông, quân đội các quốc gia tổ chức đơn vị trực thuộc đến cấp quân đoàn là cao nhất, thậm chí quân đội nhiều nước chỉ tổ chức cấp trực thuộc là sư đoàn. Tuy nhiên, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, biên chế, tổ chức quân đội các nước đang đổi mới mạnh mẽ; thích ứng với sự phát triển của lý luận, nghệ thuật quân sự và vũ khí, trang bị. Do trình độ chỉ huy, nhất là trình độ tự động hóa chỉ huy tăng cao nên các tổ chức cấp cao như tập đoàn quân, quân đoàn ngày càng trở thành cấp trung gian. Còn các tổ chức cấp thấp từ tiểu đội đến trung đoàn (lữ đoàn) là cấp trực tiếp chiến đấu thì tồn tại vững chắc dù khoa học-công nghệ có biến đổi đến đâu.

DƯƠNG GIA