Tuy nhiên, kể từ năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta thường gọi quân đội cách mạng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là bộ đội. Cách gọi đó để phân biệt quân đội cách mạng với đội quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp và quân đội tay sai của chúng (lính khố xanh, lính khố đỏ, lính lệ, lính dõng). Chính vì thế, từ “bộ đội” đã vượt ra khỏi ranh giới chỉ những đơn vị tác chiến trên bộ; mà tất cả quân chủng, binh chủng, lực lượng trong Quân đội nhân dân Việt Nam đều được nhân dân ta gọi là bộ đội, như: Bộ đội hải quân, bộ đội không quân, bộ đội đặc công, bộ đội hậu cần, bộ đội thông tin... Không những thế, nhân dân ta còn trìu mến gọi các chiến sĩ trong quân đội cách mạng là Bộ đội Cụ Hồ.
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, trên Chiến khu Việt Bắc, đồng bào gọi các chiến sĩ Quân đội Quốc gia Việt Nam (tên gọi chính thức của Quân đội ta từ tháng 11-1945, đến năm 1950 đổi thành Quân đội nhân dân Việt Nam) là “Bộ đội Ông Ké” hay “Bộ đội Ông Cụ” một cách thân thương, chân chất như tấm lòng của đồng bào đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Khi biết “Ông Ké” chính là Bác Hồ kính yêu, nhân dân ta đã gọi các chiến sĩ quân đội là Bộ đội Cụ Hồ. Tên gọi “anh bộ đội” xuất hiện vào thời kỳ này. Thế hệ bộ đội đầu tiên đều là những người tình nguyện tham gia quân đội. Hầu hết trong số họ là nam giới, đang ở độ tuổi hai mươi. Họ mang trong mình lời thề độc lập, sẵn sàng “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Từ “anh bộ đội” vừa để chỉ lứa tuổi, vừa chỉ giới tính, lại thể hiện sự quý trọng của xã hội đối với những người ưu tú, dũng cảm nhất của dân tộc; vì thế mà phổ biến ngày càng rộng rãi trong đời sống kháng chiến.
Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi nhưng đất nước còn bị chia cắt làm hai miền. Quân đội ta thay đổi phương thức tuyển quân. Thay chế độ tuyển quân tình nguyện bằng chế độ nghĩa vụ quân sự. Một thế hệ bộ đội mới xuất hiện vào cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960; là bậc “đàn em” của thế hệ bộ đội đầu tiên. Từ “chú bộ đội” xuất hiện trong giai đoạn này, dần dần phổ biến trong xã hội, trong sách báo và các phương tiện truyền thông đại chúng; là đại từ chỉ một thế hệ bộ đội mới, kế tục sự nghiệp của lớp thế hệ “anh bộ đội” ban đầu.
Hiện nay, phụ nữ tham gia quân đội không còn là chuyện hiếm. Tỷ lệ nữ quân nhân làm lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong quân đội cũng ngày càng tăng. Bên cạnh “anh bộ đội”, “chú bộ đội”, còn có sự sát cánh của các “cô bộ đội”, “thím bộ đội” trong xây dựng quân đội. Tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ của từ “anh bộ đội”, “chú bộ đội” để chúng ta hiểu được truyền thống và vinh dự, tự hào to lớn khi đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam, những người “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ”.
NGUYỄN HỒNG