“Rằm” là cách nói dân gian, chỉ ngày thứ 15 trong tháng âm lịch. Trăng hôm đó được coi là tròn nhất, sáng nhất ("Trăng rằm đã tỏ lại tròn/ Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi"-ca dao). Một năm có 12 tháng, hiển nhiên là sẽ có 12 ngày rằm, trong đó lại có 3 ngày rằm làm nên 3 cái tết đặc biệt: Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng), Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) và Hạ Nguyên (rằm tháng Mười). Tết Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng) là cái tết đặc biệt nhất, hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu. Nguyên là “bắt đầu”, tiêu là “đêm”. Nguyên tiêu là “đêm rằm đầu tiên trong năm”. Sau “Nguyên đán” (buổi sáng-ngày đầu tiên trong năm) thì “đêm rằm đầu tiên” có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tâm thức người dân một số nước Á Đông, trong đó có Việt Nam.

Theo Phật giáo, đêm rằm tháng Giêng là đêm Phật giáng lâm, tức Phật xuống trần, hòa đồng với chúng sinh. Vì thế, phật tử thường lên chùa hay hành hương làm lễ vào ngày kỵ (mồng một và ngày rằm hằng tháng). Rằm tháng Giêng cũng là thời điểm người nông dân qua hai tuần ăn Tết Nguyên đán chuẩn bị xuống đồng, bắt tay vào công việc cày cấy, gieo trồng. Trước khi xuống đồng, người ta làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. "Sáng trăng mười bốn được tằm/ Sáng trăng hôm rằm thì được lúa chiêm". Ánh trăng đêm rằm rất quan trọng. Nó là dấu hiệu “khí tượng thủy văn” dự báo thời tiết sẽ xảy ra trong khoảng thời gian canh tác vụ tới (chiêm hoặc mùa). Trăng rằm tháng Giêng không tỏ (mưa gió sẽ thất thường), quầng (sẽ hạn) hoặc tán (sẽ mưa) làm ảnh hưởng trực tiếp tới công việc ruộng đồng, cày cấy của nhà nông.

Như vậy, xét cả về mặt tôn giáo, tín ngưỡng, cả về mặt khoa học dân gian, ngày rằm tháng Giêng giữ một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống của người Việt. Cúng rằm tháng Giêng có ý nghĩa hệ trọng cũng là vì thế.

Cùng nhau đón Tết Thượng Nguyên

Rằm tháng Giêng trăng sáng trên bầu trời.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH