Lão kia có giở bài bây
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe.
Cớ sao chịu tốt một bề
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!
Đây là bốn câu thơ nằm trong đoạn đối đáp giữa Tú Bà và Thúy Kiều (trong Truyện Kiều của Nguyễn Du). Đoạn thơ ghi lời Tú Bà mắng nhiếc nàng Kiều (đang ngơ ngác chưa hiểu sự tình là mình đã bị Mã Giám Sinh lừa gạt thế nào), trong đó có từ “bài bây”-một từ nghe rất lạ.
Theo Từ điển Truyện Kiều (Đào Duy Anh, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, năm 1974) giải nghĩa “bài bây” là "trò liều lĩnh, trò vô sỉ". Như vậy, “bài bây” là một từ mang nghĩa tiêu cực. Qua từ "bài bây" cho ta thấy nhân cách vô sỉ, thấp hèn của Mã Giám Sinh...
Thế nhưng, trong một bài ca dao quen thuộc thì từ “bài bây” lại xuất hiện với một nghĩa khác: “Bao giờ cho đến tháng hai/ Con gái làm cỏ, con trai be bờ/ Gái thì kể phú, ngâm thơ/ Trai thì be bờ kể chuyện bài bây”.
Chắc hẳn chúng ta sẽ không nghĩ các chàng trai “kể chuyện bài bây” ở đây là kể chuyện về những “trò liều lĩnh, vô sỉ”. Nếu thế thì bài ca dao trên đâu còn là một áng văn hay, mô tả hình ảnh thân thuộc, nên thơ của các nam thanh nữ tú ở làng quê Việt Nam? Từ điển Tiếng Việt (Văn Tân chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, năm 1977), đã chia “bài bây” thành hai nghĩa: “1. Hành động cố ý kéo dài để rồi ra xí xóa; 2. Hành động xúc phạm đến đạo đức, nhân phẩm”.
Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học-Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2020) giải thích: “Bài bây” là “hành động cố ý kéo dài, dây dưa, lằng nhằng nhằm lảng tránh trách nhiệm”.
Hai cuốn từ điển tiếng Việt, tuy cách cắt nghĩa có khác nhưng tựu trung vẫn nằm trong nghĩa tiêu cực. Nghĩa thứ hai trong Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên gần với nghĩa của Từ điển Truyện Kiều. Thiết nghĩ, các nghĩa đó nếu “áp” vào phân tích câu ca dao vừa dẫn rõ ràng là không hợp.
Qua khảo sát ngữ liệu (của “bài bây”) tuy không nhiều, nhưng từ một bài ca dao trên, ta có thể đề xuất cho “bài bây” một nét nghĩa nữa: Đó là lan man, dài dòng, cốt giết thời gian và tạo không khí bông phèng, vui vẻ.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH