Đây là câu tục ngữ có hai vế hiệp vần, đối nhau và mỗi vế miêu tả một sự tình, một kinh nghiệm. Vế đầu (đầu năm trồng chuối) là kinh nghiệm trồng chuối. Với các cụ xưa, đầu năm (tháng 1, tháng 2) là thời điểm tốt nhất để trồng chuối. Thời gian này, thời tiết đang có dấu hiệu ấm dần. Cây chuối là cây chịu hạn. Người ta “đánh” cây non và trồng ở góc vườn, bờ ao cho thoáng mát, không bị nắng nhiều. Chuối sẽ bén rễ và khi nắng ấm, mưa xuống sẽ phát triển nhanh, chừng vài ba tháng là ra hoa, trổ buồng và hai, ba tháng tiếp theo đã có thể thu hoạch.
Vế thứ hai (cuối năm trồng cam) là kinh nghiệm trồng cam. Cam là cây ăn quả, hoa màu trắng, quả tròn, có múi, nhiều nước. Đây là loại quả bổ dưỡng, rất được ưa chuộng. Cam thu hoạch chủ yếu vào khoảng tháng 10, tháng 11. Sau khi hái quả, người ta cắt những cành cam chiết (một cách nhân giống từ cây gốc) và trồng sang đất mới. Cam là một trong những cây chịu rét tốt. Vì vậy, trồng cam vào cuối đông là thích hợp. Cây cam đặt vào hố đất, sẽ “im lặng” bén rễ rồi nhanh chóng nảy nụ (cùng lá non) và nở hoa vào đầu xuân. Mùa xuân đến, các vườn cam, vườn bưởi, vườn quýt... trổ hoa trắng vườn.
Chuối và cam là hai cây vườn nhà, là hình ảnh đặc trưng của nông thôn Việt Nam. Chính những loại cây thân thuộc đó đã làm nên hồn vía quê hương.
“Cây cam, cây chuối vườn nhà
Đã vào tục ngữ cho ta nhớ về”.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH