Hổ đừng “xấu hổ”

Có thể nói, hầu hết người dân Việt Nam đều biết đến câu chuyện “Trí khôn của ta đây” nổi tiếng trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Truyện kể về con hổ băn khoăn khi thấy con trâu mộng gò lưng kéo cày bị người nông dân quát mắng, quất roi vào mông mà không dám cãi lại. Được trâu “chia sẻ” là vì người có trí khôn, hổ càng thấy lạ. Do muốn biết tận cùng trí khôn là cái gì, hổ đã đồng ý cho anh nông dân lấy dây thừng trói vào gốc cây để hổ không ăn trâu, trước khi anh về nhà mang trí khôn ra cho hổ xem.

Trói hổ xong, anh nông dân chất rơm xung quanh hổ, châm lửa đốt và nói: “Trí khôn của ta đây!”. Hổ giãy giụa, tới khi dây thừng đứt mới vùng thoát ra được và cắm cổ chạy vào rừng, mang theo bộ lông cháy dở màu lửa với những vết trói xám đen... Trâu thấy thế thì cười ngặt nghẽo, va miệng vào đá, gãy toàn bộ răng hàm trên. Từ đó trở đi, hổ nhìn thấy lửa là tránh xa, trâu thì chỉ còn hàm răng dưới...

Câu chuyện có nhiều ý nghĩa, trong đó có một ý sâu sắc đối với sự học hành. Muốn nắm bắt sự việc, hiện tượng thì phải đi từ nhận thức khái niệm, trực tiếp quan sát thực tiễn sinh động rồi đúc kết thành bản chất, quy luật. Không được phụ thuộc thụ động, máy móc vào tri thức của kẻ khác. Hổ, vì nóng vội, muốn biết rõ vấn đề ngay lập tức mà không tự tìm tòi, khám phá qua thực hành nên suýt bỏ mạng.

Tuy nhiên, hổ cũng không việc gì phải “xấu hổ”. Chẳng qua là bởi sự tò mò trước cái mới mẻ, lạ lẫm, muốn biết tới tận cùng sự việc, sẵn sàng làm tất cả để biết được cái mà mình muốn biết. Ở một khía cạnh khác, qua sự việc không ngờ ấy, cho thấy loài vật có to khỏe đến đâu thì cũng phải chịu sự điều khiển của con người. Bài học cảnh giác cũng giúp hổ tránh bị mắc lừa tương tự...

Với những chi tiết ấy trong truyện, thiết nghĩ, con người cũng nên để tâm! Thực tế, trong các loài thú dữ (sư tử, hổ, báo, sói, gấu, voi...) chỉ có hổ mới được con người đưa vào hàng 12 con giáp (Dần).

leftcenterrightdel
      Minh họa: LÊ ANH 

Ông Ba mươi

Cái tên “ông Ba mươi” do con người gán cho hổ đã lâu đời. Nguồn gốc tên gọi này có nhiều giả thuyết. Theo truyện cổ tích “Sự tích ông Ba mươi”, hổ vốn là một người đàn ông nhà trời, sức khỏe vô địch, có phép thần thông biến hóa và cú đấm thôi sơn. Đặc biệt, ông có đôi cánh khỏe và hai vành tai dài bị rách, vì lúc nhỏ, ông thường dùng hai tai cho nhiều người móc vào mà đu, rồi xoay họ như chong chóng. Cũng vì thế, người ta quen gọi ông là Phạm Nhĩ.

Bực tức vì không được Ngọc Hoàng trao tước vị xứng đáng, Nhĩ náo loạn Thiên đình, muốn hạ bệ Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng phải nhờ Đức Phật cứu giúp. Đức Phật dùng túi thần bắt được Nhĩ, giao cho Ngọc Hoàng và dặn xử lý, nhưng chỉ cốt “làm cho Nhĩ hối lỗi chứ đừng giết”.

Ngọc Hoàng đày Phạm Nhĩ xuống trần gian làm kiếp con vật sau khi đã sai Thiên Lôi cắt bỏ đôi cánh để Nhĩ không thể bay được nữa, đồng thời phù phép làm cho Nhĩ khi thức dậy thì vành tai cụp xuống, không thể nghe được hết mọi chuyện. Tuy vậy, Ngọc Hoàng cũng phong cho Nhĩ truyền đời làm chúa tể sơn lâm, để an ủi đôi phần.

Ở cõi trần, mặc dù tài phép của Phạm Nhĩ giảm sút đi nhiều nhưng ông vẫn giữ được sức khỏe tuyệt vời. Mọi thú vật đều khiếp sợ. Loài người thì không dám gọi thẳng tên húy “hổ” mà gọi “ông Ba mươi”, là dựa theo lệ vua ban, ai săn được hổ thì vua thưởng 30 quan tiền nhưng cũng bắt chịu 30 roi để vong hồn Phạm Nhĩ được thỏa mà không tác quái nữa.

... Tết Hổ đã đến rồi! Tác giả bài viết xin được trình một vế mời đối: “Tối Ba mươi, Sửu nhắc Dần thông báo khắp sơn lâm: Nhâm Dần tới chớ say sưa nhâm nhi tiểu hổ, phải tỉnh táo, đề phòng bọn xấu lén lút nấu cao, làm hổ dần dần tuyệt chủng”...

Ngõ hầu “Cung chúc tân xuân Nhâm Dần thượng võ”.

PHẠM XƯỞNG