Trong bài thơ "Núi Đôi" của Vũ Cao có câu: "Sân biến thành ao, nhà đổ chái”. Chái là gian nhỏ nối với đầu nhà. Giại là bức phên đan chắn ở trước nhà. Chái và giại tồn tại gắn với nhà tranh vách đất, đặc biệt phổ biến ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ xưa.

Với nhà một gian hai chái thì chái là chỗ để ở, đựng đồ đạc sinh hoạt, vắt quần áo, không lẫn với gian chính (nơi đặt ban thờ, tiếp khách). Còn với nhà 3 gian hai chái (thường ở các gia đình khá giả hoặc đông người) thì ngoài gian giữa ra, hai gian bên kê giường ngủ. Hai chái chỉ để nông cụ, thóc lúa. Chái được ngăn cách với gian kề nó nhờ một bức vách. Bởi vậy mới có câu “vào 3, ra 5”. Ở trong nhà thấy 3 gian thông nhau. Ra ngoài nhìn thì thấy có thêm hai chái nữa, thành 5.

Nhà nông làm nhà không có chái thì đúng là "chưa phải" thật. Bởi vì không tiện cho sinh hoạt, hình thức không đẹp, thiếu vững chãi, lại không tận dụng được vật liệu khi làm mái nhà. Nhà nông xưa làm sân rộng, có nhiều nắng để phơi thóc lúa, rơm rạ. Để chắn hơi nóng từ bên ngoài hắt vào trong nhà và tạo sự ấm cúng, kín đáo cho gian giữa, bà con dựng một cái giại ở trước cửa chính.

Nếu chái là một bộ phận liền của ngôi nhà thì giại lại được làm riêng rồi mới kết nối với nhà. Giại thường có hình chữ nhật, bề ngang bằng hoặc rộng hơn gian nhà giữa. Mép dưới của giại ở thấp hơn mặt thềm nhà và cách mặt sân ít nhất 40cm. Giại được làm bằng tre (“Giại tre, kè đá”), ít hấp thụ nhiệt nên hạn chế tỏa nóng ra xung quanh.

Ngoài bộ khung gồm 2-3 cột bằng tre nguyên gióng và các thanh ngang to bằng cổ tay, phần chính của giại là những thanh tre nhỏ, được ken sát vào nhau theo chiều đứng, vừa kín lại vừa thoáng. Ngồi trong nhà nhìn qua nó, vẫn thấy được người đi ở sân mà người đó không hề hay biết.

Chái, giại đã cùng người nông dân Bắc Bộ và một số nơi khác ở làng quê Việt Nam xưa đi qua những chặng đường lịch sử đất nước, từ đó làm nên câu phương ngôn tuyệt diệu: “Có chái mới phải. Có giại mới khôn”.

PHẠM XƯỞNG